Phát hiện vật thể bí ẩn phát tín hiệu vô tuyến nhấp nháy từ trung tâm Ngân Hà

Các nhà thiên văn học từ Đại học Sydney đã phát hiện ra một nguồn tín hiệu vô tuyến bí ẩn, được đặt tên là ASKAP J173608.2-321635, ở gần Trung tâm Ngân Hà. Phân tích cho đến nay vẫn chưa thể tìm ra bản chất của nó là gì, theo Science Alert.

Trong bài báo, các nhà nghiên cứu mô tả vật thể bí ẩn là “một nguồn vô tuyến biến đổi, có độ phân cực cao nằm gần Trung tâm Ngân Hà và không có nguồn tương đương đa bước sóng rõ ràng”.

Trung tâm Ngân Hà hiển thị theo các bước sóng vô tuyến. (Ảnh: MeerKAT/SARAO)

 Họ tiếp tục: “ASKAP J173608.2-321635 có thể đại diện cho một phần của lớp vật thể mới được phát hiện thông qua các cuộc khảo sát hình ảnh vô tuyến”.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nguồn bí ẩn phát tín hiệu vô tuyến trong khi phân tích dữ liệu từ Máy dò tìm mảng km vuông của Úc (ASKAP). Đây là một mảng kính thiên văn vô tuyến đặt tại Đài quan sát thiên văn-vô tuyến Murchison ở vùng Mid West của Tây Úc, và được thiết kế đặc biệt để thu tín hiệu vô tuyến từ sâu trong vũ trụ.

Các đợt sóng vô tuyến ngắn thường báo hiệu các sự kiện thiên văn bất thường. Trên thực tế, chỉ mới tuần trước, một nghiên cứu đã tiết lộ rằng một nguồn sóng vô tuyến bí ẩn được phát hiện vào năm 2017 đến từ một siêu tân tinh chưa từng thấy trước đây được kích hoạt bởi một lỗ đen gần đó.

Tuy phân tích sâu hơn có thể tiết lộ rằng ASKAP J173608.2-32163 là một vật thể đã biết, nhưng dữ liệu mới được cung cấp bởi sóng vô tuyến mạnh có thể tiết lộ rất nhiều về vật thể đó. Các nhà nghiên cứu nói rằng vật thể này rất dễ biến đổi vì nó phát ra sóng vô tuyến nhiều tuần trước khi đột ngột biến mất trong 3 tháng.

ASKAP J173608.2-32163 được quan sát lần đầu tiên vào tháng 4/2019 khi ASKAP bắt được nó trong lúc đang tìm kiếm các sóng vô tuyến ngắn. Từ tháng 4/2019 đến tháng 8/2020, cùng một vật thể đã được phát hiện 13 lần. Sau đó, nó cũng được phát hiện bởi kính thiên văn vô tuyến MeerKAT ở Nam Phi vào tháng 2/2021 và bởi kính thiên văn vô tuyến ATCA vào tháng 4/2021.

Nguồn này rất khó nhận dạng vì các nhà nghiên cứu của Đại học Sydney kiểm tra thấy nó chưa xuất hiện trong bất kỳ tia X và các quan sát cận hồng ngoại, hoặc trong kho lưu trữ dữ liệu vô tuyến cũ nào. Điều này có nghĩa là nó không thể là một siêu tân tinh, một sao xung hay một ngôi sao lóa, tất cả các vật thể ban đầu được cho là nguồn.

Vật thể này có chung một số đặc tính với các tín hiệu bí ẩn từng được phát hiện gần trung tâm của Ngân Hà, được gọi là Galactic Center Radio Transients (GCRT) (Tạm dịch: Dao động Vô tuyến ngắn Trung tâm Ngân Hà). Ba trong số này đã được phát hiện vào đầu những năm 2000 và cộng đồng thiên văn vẫn chưa tìm ra lời giải thích cho các vật thể này.

Các nhà nghiên cứu nói rằng các quan sát trong tương lai sẽ cho phép hiểu rõ hơn về mức độ phổ biến của GCRT và các đối tượng như ASKAP J173608.2-32163 thực sự như thế nào.


Theo các nhà nghiên cứu: “Do ASKAP J173608.2-321635 thường không được phát hiện và có thể vụt tắt theo thang thời gian từ vài tuần đến nhanh nhất là một ngày, việc lấy mẫu thưa thớt của chúng tôi (12 giai đoạn trong 16 tháng) cho thấy có thể có các nguồn tương tự khác trong các khu vực này”.

“Việc tăng nhịp khảo sát và so sánh kết quả của phát hiện này với các khu vực khác sẽ giúp chúng ta hiểu ASKAP J173608.2-321635 thực sự độc đáo như thế nào và liệu nó có liên quan đến mặt phẳng Ngân Hà hay không, điều này cuối cùng sẽ giúp chúng ta suy ra bản chất của nó”.

Nghiên cứu đã được nhận đăng trên The Astrophysical Journal và có sẵn trên arXiv.

Nguồn: NTDVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *