Phát hiện thú vị: Cây cối giao tiếp mật thiết với nhau thông qua ‘mạng lưới ngầm’

Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh rằng rừng rậm vận hành như một siêu tổ chức khổng lồ. Phía dưới mặt đất là một mạng lưới nấm nối với các loài cây. Qua mạng lưới này, những cây cổ thụ già cỗi sẽ đảm nhiệm vai trò nuôi dưỡng những cây non. Bằng cách vận dụng nguyên lý này người dân ở khu rừng Menomimee đã biến nơi đây thành nơi có thể cung cấp gỗ liên tục.

Phía dưới mặt đất là một mạng lưới nấm nối với các loài cây. (Ảnh minh họa qua Facebook)

Cây cối không những giao tiếp và tương tác với nhau, mà còn có khả năng tương trợ lẫn nhau. Điều này hoàn toàn trái ngược với lối suy nghĩ cho rằng cây cối sinh trưởng một cách cạnh tranh.




Cây cối giao tiếp bằng ‘mạng lưới gốc rễ rộng lớn’

Từ 600 triệu năm trước, nấm và thực vật đã hình thành mối quan hệ cộng sinh gọi là ‘mycorrhiza’ (là một trạng thái cộng sinh giữa nấm và bộ rễ của các loài thực vật có mạch). Cách thức vận hành: Để thu được đường và carbon từ cây, nấm cung cấp những gì cây cối cần như: khoáng chất, chất dinh dưỡng và một mạng lưới giao tiếp.

Tương tự như kết nối Internet, mạng lưới nấm rễ cộng sinh trải rộng khắp khu rừng. Các sợi nấm tạo ra một mạng lưới và hợp nhất với rễ cây, thông qua đó, các loài cây có thể trao đổi những thứ như: Nitơ, đường, carbon, phốt pho, nước, tín hiệu phòng thủ, hóa chất, hooc-môn.

Điều ngạc nhiên là một cây có thể kết nối với hàng trăm cây khác, gửi đi nhiều tín hiệu khác nhau. Dọc theo các sợi nấm, vi khuẩn và các vi sinh vật khác trao đổi chất dinh dưỡng với nấm và rễ cây.

Năm 2019, các nhà khoa học đã bắt đầu lập ra bản đồ “mạng lưới gốc rễ rộng lớn” này trên quy mô toàn cầu. Kể từ đó, nghiên cứu quốc tế đã tạo ra bản đồ toàn diện đầu tiên về mạng lưới nấm rễ cộng sinh. Điều đáng chú ý là, đây có thể là mạng lưới xã hội cổ và quan trọng nhất trên Trái đất.




‘Cây tổ’ bảo vệ cánh rừng

Trong 3 thập kỷ, nhà sinh thái học – Suzanne Simard từ Đại học British Columbia đã nghiên cứu cách thức giao tiếp của cây cối. Sau nhiều thử nghiệm, bà đã nhận ra cách thức mà mạng lưới ngầm kết nối sự sống trong rừng.

Simard nhận định: “Cây cối là nền tảng của rừng, nhưng một khu rừng còn ẩn chứa nhiều thứ hơn những gì chúng ta biết.

Bạn thấy đấy, có một thế giới bên kia ở sâu dưới lòng đất, một thế giới của những mạng lưới sinh học vô hạn kết nối các loài cây, giúp chúng giao tiếp. Nó khả năng sẽ làm bạn gợi nhớ đến một loại trí thông minh.”

Mạng lưới của chúng ở khắp nơi, trong đó có một cây trung tâm mà bà gọi là ‘cây tổ’, có thể nuôi dưỡng những cây non đang phát triển. Khi những cây già chết đi, chúng sẽ để lại chất dinh dưỡng, gen, thậm chí là một loại trí tuệ cho những cây khác. Do đó, thông qua sự vận hành của mạng lưới này, cây cối có được những nguồn tài nguyên quý giá và nắm bắt được về môi trường xung quanh chúng.

Mạng lưới rễ cây ở khắp nơi, trong đó có một cây trung tâm gọi là ‘cây tổ’, có thể nuôi dưỡng những cây non đang phát triển. (Ảnh minh họa qua NTD)




Khả năng phục hồi cộng đồng

Các cây kết nối với mạng lưới sẽ được hưởng lợi thế và có khả năng phục hồi rõ rệt. Và nếu tách biệt một cái cây ra khỏi mạng lưới, nó sẽ dễ bị tổn thương. Thông thường, những cây như thế này sẽ có tỷ lệ không thể chống chọi được với mầm bệnh cao hơn nhiều so với những cây khác.

Đáng buồn rằng, các hoạt động như chặt phá rừng hoặc thay thế rừng bằng một loài cây duy nhất đã hủy hoại hệ sinh thái phức tạp này. Những loài cây không nằm trong mạng lưới cộng đồng rất dễ nhiễm mầm bệnh và sâu bọ, từ đó khiến khả năng hấp thụ và trao đổi dưỡng chất của chúng trở nên kém hiệu quả hơn.

Simard nói: “… Cây cối giao tiếp với nhau. Thông qua các cuộc trò chuyện qua lại, [cây cối] sẽ củng cố khả năng phục hồi của cả cộng đồng cây. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến xã hội con người, cũng như gia đình, ít nhất là một số gia đình.”




Tín ngưỡng cổ xưa và cây cối

Ngày nay, các nhà khoa học có thể chứng minh rằng cây cối giao tiếp theo phương thức xã hội. Tuy nhiên, đây lại không hẳn là một khái niệm mới mẻ.

Ví dụ trong nhiều thế kỷ, người dân bản địa của vùng duyên hải Tây Bắc Thái Bình Dương, được gọi là người Tsimshian đều biết rằng các loài thực vật có trong khu rừng được kết nối với nhau.

Sm’hayetsk Teresa Ryan – sinh viên tốt nghiệp về sinh thái rừng là một người Tsimshian. Trong một bài viết gần đây của tờ New York Times, Ryan đã đưa ra những lý giải cho thấy các nghiên cứu của Simard về mạng lưới nấm rễ cộng sinh có điểm tương đồng với quan niệm truyền thống của người Tsimshian. Tuy nhiên, nhiều người dân châu Âu đã nhanh chóng bác bỏ ý kiến ​​này.

Ryan cho biết: “Mọi thứ đều được kết nối với nhau, gần như toàn bộ mọi thứ. Có nhiều nhóm thổ dân sẽ kể cho bạn nghe những câu chuyện cho thấy toàn bộ các giống loài trong rừng đều liên kết với nhau, và nhiều người sẽ kể về các mạng lưới dưới mặt đất.”




Rừng Menominee

Rừng Menominee. (Ảnh qua Line)

Ryan đã lý giải cách thức bộ lạc Menominee bản địa của Mỹ khai thác bền vững khu rừng Menominee rộng 230.000 mẫu Anh (khoảng 930 km2) tại Wisconsin. Thay vì tập trung vào cái lợi trước mắt thì họ tập trung vào hệ sinh thái và thu lợi được rất nhiều từ nó.

“Người dân Menominee tin rằng, tính bền vững có nghĩa là nghĩ đến toàn bộ hệ thống, toàn bộ các mối liên kết, hệ quả và vòng sinh tử của chúng.

Họ gìn giữ một số lượng các loài cây trên quy mô lớn, lâu đời và phát triển đa dạng, ưu tiên loại bỏ những cây chất lượng thấp và ốm yếu thay vì những cây khỏe hơn, và để cây cối có thể sống đến 200 năm trở lên, để chúng trở thành thứ mà Simard gọi là cây tổ.




Khi duy trì được sự tăng trưởng của các cây lâu đời, khu rừng vẫn tiếp tục sinh lợi, khỏe mạnh, với mật độ cây cối dày đặc cho đến ngày nay.


Kể từ năm 1854, hơn 2,3 tỷ mét khối đã được khai thác, gần gấp đôi khối lượng của toàn bộ khu rừng, nhưng hiện nay, lượng gỗ thẳng vẫn nhiều hơn so với khi bắt đầu khai thác.”

Người Menominee viết trong một ghi chú: “Đối với nhiều người, khu rừng của chúng tôi trông vô cùng nguyên sơ và chưa từng bị tác động tới.”

“Nhưng trên thực tế, nó là một trong những khu rừng được quản lý chặt chẽ nhất ở Hoa Kỳ.”

Điều gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ các khu rừng đều được quản lý bằng lối tư duy của các bộ lạc bản địa? Hãy nghĩ xem sẽ có những tiềm năng gì nếu các khu rừng luôn được phát triển bền vững thay vì bị khai thác để thu lợi ngắn hạn?

Nguồn: TH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *