Mới đây, các nhà khảo cổ Ai Cập đã khai quật được thành phố cổ hơn 7.000 năm tuổi và một nghĩa trang ở thành phố Abydos, hứa hẹn sẽ vén mở nhiều bí mật về vương quốc cổ đại bí ẩn này.
Thành phố cổ mới phát hiện có khả năng là nơi lưu giữ “dấu ấn” của nhân vật có địa vị cấp cao.
Các nhà khảo cổ tìm thấy di chỉ này trong dự án khai quật tại khu đền Vua Seti I ở thành phố Abydos, được cho là một trong những kinh đô đầu tiên của Ai Cập, do Bộ Cổ vật Ai Cập chỉ đạo thực hiện.
Các chuyên gia khảo cổ cho hay, Abydos là thủ đô của Ai Cập vào cuối thời kỳ Tiền triều đại (trước năm 3.100 TCN) và kéo dài trong suốt thời gian cai trị của 4 triều đại đầu tiên.
Vị trí của thành phố cổ 7.000 năm tuổi được phát hiện nằm cách đền thờ Pharaoh Seti I khoảng 400m, ngay trong khu du lịch Luxor nổi tiếng.
Thành phố cổ này có khả năng là nơi lưu giữ “dấu ấn” của nhân vật có địa vị cấp cao và những người xây dựng.
Các ngôi mộ và dấu tích của một thành phố cổ đã được phát hiện gần Abydos. (Ảnh: Bộ Cổ vật Ai Cập)
Các nhà khảo cổ đã phát hiện những túp lều, cốt gốm, các công cụ sắt và 15 ngôi mộ rất lớn, một số ngôi mộ thậm chí còn lớn hơn những ngôi mộ hoàng gia ở Abydos.
Đặc trưng của những khu nghĩa trang đó là có nhiều nhà mồ, một kiểu mộ cổ Ai Cập được xây bằng gạch bùn, mộ hình chữ nhật, hai bên nghiêng và mái phẳng. Ở một số nghĩa trang có tới 4 nhà mồ.
“Kích thước của các ngôi mộ được phát hiện ở nghĩa trang lớn hơn một số ngôi mộ của các vị vua có nguồn gốc từ triều đại đầu tiên ở Abydos. Điều này chứng tỏ vai trò quan trọng và địa vị xã hội rất cao của những người được chôn cất ở đây trong thời kỳ đầu của lịch sử Ai Cập cổ đại“.
Đồ gốm và các công cụ cũng được tìm thấy tại điểm khai quật. (Ảnh: Bộ Cổ vật Ai Cập)
Bộ Cổ vật Ai Cập nhận định: “Phát hiện khảo cổ “bước ngoặt” này có thể mang lại những hiểu biết mới về Abydos, một trong những thành phố lâu đời nhất ở Ai Cập cổ đại“.
Các chuyên gia hy vọng, phát hiện này sẽ góp phần chứng minh cho giả thuyết của họ, rằng Abydos là kinh đô của Ai Cập trong các vương triều đầu tiên.
Ngoài ra, đây có thể là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành công nghiệp du lịch đang gặp nhiều khó khăn của Ai Cập, do ảnh hưởng của những bất ổn chính trị kéo dài kể từ năm 2011.
Hơn 14,7 triệu khách du lịch đến thăm Ai Cập vào năm 2010. Nhưng trong quý đầu năm 2016 con số này giảm xuống còn 1,2 triệu người, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2015 là 2,2 triệu khách.
Nguồn: TH
- Người khổng lồ từng xuất hiện? Những dấu chân khổng lồ trên khắp thế giới
- “Ngày con người tiếp cận người ngoài hành tinh sẽ là ngày tận diệt của Trái Đất”
- Bí ẩn về ngày tận thế: Sách cổ và các nhà tiên tri