Phát hiện sách cổ niên đại 2.000 năm đưa con người đến gần hơn với Đức Phật

Những Kinh sách Phật giáo lâu đời nhất được viết trên vỏ cây bạch dương và sau 2 thiên niên kỷ, chúng được phát hiện trong những chậu đất sét ở một hang động dọc biên giới phía bắc Afghanistan và Pakistan. Những quyển Kinh sách đặc biệt này đã đưa các nhà nghiên cứu đến gần hơn với những đạo lý của nhà Phật.

(Ảnh minh họa: t/h)

Năm 1994, khoảng 200 cuộn giấy kỳ lạ đã được phát hiện bên trong các chậu đất sét tại một hang động gần vùng biên giới Afghanistan và Pakistan. Nơi đây từng là vương quốc Gandhara cổ đại tồn tại từ năm 100 TCN – 200 SCN.

Vương quốc Gandhara một thời là nơi giao thoa của các nền văn hóa gồm Ấn Độ, Iran và Trung Á. Ở thời điểm rực rỡ nhất, nền văn minh này được coi là một trung tâm của Phật giáo. Từ đây, tôn giáo này được truyền sang Trung Quốc và trở thành một trong những tôn giáo lớn nhất của nhân loại.

Theo ABC News, phát hiện trên được tìm thấy bởi nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Sydney do Tiến sĩ Mark Allon dẫn đầu. 

Trên thế giới chỉ có khoảng 20 người đọc được tiếng Gandhara cổ và Tiến sĩ Allon là một trong số đó. Trao đổi với các phóng viên, ông cho biết những cuộn sách trên sẽ là “con đường [đưa chúng ta] đến gần hơn với Đức Phật”.




Những cuộn giấy rất mỏng làm từ vỏ cây bạch dương mà Tiến sĩ Mark Allon đang nghiên cứu. (Ảnh: Mark Allon)

Những cuốn Kinh sách được cuộn lại theo cách các nhà khoa học cho là hoàn toàn khác biệt so với những bản văn tự khác được tìm thấy trong khu vực. Chúng có hình dạng giống như điếu xì gà và đặc biệt rất mỏng, đến mức nếu có ai đó dùng lực mạnh một chút thì chúng sẽ vỡ vụn ra. Tiến sĩ Allon cho biết, trước khi bóc những trang giấy ra, ông phải cho chúng tiếp xúc với hơi ẩm rồi mới từ từ bóc chúng.




Quá trình phiên dịch những thông điệp từ Phật Giáo nguyên thủy
Năm 1994, Thư viện Anh Quốc đã mua lại những cuộn sách này và trong năm 1996, Dự án Bản thảo Phật giáo nguyên thủy được thành lập tại Đại học Washington. Theo thông tin trên website của trường đại học, mục đích của dự án này là để thúc đẩy nghiên cứu, in ấn và xuất bản 27 cuốn Kinh sách Phật giáo được viết bằng chữ Brahmi và chữ Gandhara.

Tiến sĩ Allon đã từng học tiếng Phạn, tiếng Tây Tạng, một ít tiếng Trung và tiếng Pali vốn là ngôn ngữ quan trọng của Phật giáo nguyên thủy đang lưu truyền tại Đông Nam Á. Ông cho biết nội dung những cuốn sách này là những lời cầu nguyện, những câu chuyện tiền kiếp của Đức Phật, các giới luật cho tu sĩ Phật giáo và nhiều triết lý nhân sinh.

Văn tự được viết trên những mảnh vỏ cây bạch dương từ thời vương quốc Gandhara cổ đại. (Ảnh: Thư viện Anh)





Theo Tiến sĩ Allon, sở dĩ đây được cho là những kinh thư gần với Đức Phật là vì có những bằng chứng cho thấy các nhà sư chép kinh là những người thuộc trường Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka), một trong 18 hoặc 20 trường phái Phật giáo đầu tiên, có nguồn gốc từ Hóa Địa Bộ (Mahīśāsakas).

Trong cuốn bách khoa toàn thư về tôn giáo và xã hội của William H. Swatos xuất bản năm 1998 đã nhấn mạnh rằng: “Hóa Địa Bộ là một trong những trường phái Phật giáo đầu tiên tách ra sau cuộc tranh chấp huyền thoại từ hội đồng Phật giáo thứ hai. Còn giáo phái Pháp Tạng Bộ được cho là đã tách ra từ Giáo phái Hóa Địa Bộ vào đầu thế kỷ thứ nhất TCN”.
Nguồn: TH – Theo Ancient Origins

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *