Các nhà cổ sinh vật học phát hiện bộ xương hoàn chỉnh hiếm thấy của một loài chim sống trong kỷ Phấn trắng với đặc điểm tiến hóa khác thường.
Loài chim kỳ dị mang tên Cratonavis zhui đã được khai quật trong tình trạng rất tốt, còn giữ nguyên được tư thế khi chết và những chi tiết tinh vi, cho thấy nó có một cái đầu “nửa mùa” với hộp sọ y hệt khủng long nhưng bộ xương phía sau hoàn toàn thuộc về loài chim.
Nó sống vào đầu kỷ Phấn Trắng, khoảng 120 triệu năm về trước. Cratonavis zhui được định vị nằm giữa nhóm chim thủy tổ Archaeopteryx (trông giống bò sát hơn) và chim Ornithothoraces (có nhiều đặc điểm giống chim hiện đại) trong cây tiến hóa.
“Kỷ Phấn Trắng là khoảng thời gian quan trọng bao gồm sự đa dạng hóa bùng nổ của các loài động vật có xương sống trên cạn, đặc biệt là thời kỳ mà các loài chim phân nhánh sớm nhất sau khi thoát khỏi tổ tiên theropod (khủng long chân thú)” – nhà nghiên cứu Min Wang từ Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết.
Tiến sĩ Wang đã nghiên cứu hộp sọ và bộ xương sau sọ của con vật bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính có độ phân giải cao và tái hiện một chiếc hộp sọ giống hộp sọ của T-rex – khủng long bạo chúa – dù nhỏ hơn nhiều.
Xương vai của chúng cũng thể hiện những đặc điểm tiến hóa dở dang, cho thấy chúng đang nỗ lực thay đổi để sở hữu khả năng bay linh hoạt hơn, giống một kiểu thử nghiệm về hình thái.
Xương cổ chân con vật cũng đang “nửa đường” tiến hóa để trở nên ngắn hơn.
Với các đặc điểm đó, mẫu vật đã cung cấp một mảnh ghép thú vị cho bức tranh tiến hóa của loài chim, một cái gì đó hoàn thiện hơn những con chim giống khủng long đầu tiên nhưng vẫn chưa trút bỏ được hết đặc điểm bò sát.
“Đặc điểm hộp sọ nguyên thủy nói lên thực tế rằng hầu hết các loài chim thuộc kỷ Phấn trắng như Cratonavis zhui không thể di chuyển mỏ trên của chúng một cách độc lập đối với nắp sọ và hàm dưới – một sự thay đổi về chức năng được thấy rộng rãi ở các loài chim còn sống, góp phần tạo nên sự đa dạng sinh thái to lớn của chúng”, Tiến sĩ Li Zhiheng từ Viện Cổ sinh vật học Động vật có xương sống và Cổ nhân loại học (IVPP) của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích.
“Chúng tôi theo dõi những thay đổi của xương bả vai xuyên suốt quá trình chuyển đổi từ khủng long chân thú sang chim và nhận thấy xương bả vai dài ra có thể làm tăng lợi thế cơ học của cơ đối với việc co/xoay xương cánh tay, giúp bù đắp cho khả năng bay kém phát triển ở loài chim sơ khai này”, Wang nói.
Nghiên cứu cũng cho thấy xương bàn chân đầu tiên của Cratonavis đã được chọn lọc trong quá trình chuyển đổi giữa khủng long và chim để có chiều dài ngắn hơn, chưa bằng 1/4 chiều dài của xương bàn chân thứ hai. Sau đó, nó mất khả năng tiến hóa khi đạt đến kích thước tối ưu.
Theo đồng tác giả Zhou Zhonghe, Tiến sĩ tại IVPP, các hình thái bất thường của xương bả vai và xương bàn chân ở Cratonavis làm nổi bật độ linh hoạt của bộ xương ở những loài chim sơ khai.
Thay đổi trong các yếu tố này cho thấy khả năng tiến hóa cụ thể của chúng do tương tác giữa sự phát triển, chọn lọc tự nhiên và cơ hội sinh thái.
Nguồn: VND
- Những bí ẩn tôn giáo vẫn là thách thức chưa thể lý giải nổi
- Nhà tiên tri Vanga thuộc văn minh tồn tại trước con người?
- Nhìn lại 5 trường hợp trẻ em nhớ được tiền kiếp của mình