Phát hiện ‘kiến địa ngục’ thời tiền sử: Hàm lớn và sừng gia cố kim loại

Một mẫu vật hổ phách 98 triệu năm tuổi khai quật ở Myanmar đã cho thấy một loài mới có tên “kiến địa ngục” với cái miệng kim loại gai góc dùng để hút máu từ con mồi.

2019711.7.1

Mẫu vật trong hổ phách (ảnh: P. Barden & D. A. Grimaldi)

Nhà sinh vật học người Mỹ – E.O. Wilson – ước tính rằng số cá thể kiến trên thế giới tại bất kỳ thời điểm nào là khoảng 1 đến 10 triệu tỷ con, có khối lượng sinh học “bằng với cả loài người.” Theo một bài viết của tờ World Info, người ta tính toán rằng số kiến trên Trái Đất nhiều gấp 1 triệu lần dân số loài người. Và cho dù thỉnh thoảng bạn có thể bị kiến cắn rất khó chịu, hãy vui vì bạn đã không gặp phải tổ tiên của chúng.




2019711.7.2

Loài kiến lửa nhiệt đới (Solenopsis geminata) tuy cắn rất đau, nhưng thua xa Linguamyrmex vladi về vẻ hầm hố (ảnh: Wiki)

Dàn vũ khí của kiến địa ngục
Theo tin của tờ Geology In, loài kiến thời tiền sử mới tìm ra này có tên Linguamyrmex vladi, thuộc về nhánh của “kiến địa ngục” (haidomyrmecines), một loài thuộc kỷ Creta giờ đã tuyệt chủng.

Đặc điểm của chúng là “hàm (miệng) mở theo chiều dọc có thành phần kim loại kỳ lạ.” Kiến địa ngục đã tuyệt chủng trước khi tổ tiên của loài kiến hiện đại xuất hiện và thay vì có càng hướng xuống, chúng lại có “lưỡi hái to hướng lên, sắc nhọn như gươm – một đặc điểm bạn sẽ chẳng thể thấy ở kiến ngày nay,” ông Phillip Barden thuộc Viện công nghệ New Jersey, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.

2019711.7.3

Ảnh ngang của kiến địa ngục (ảnh: wiki)

Những chiếc hàm gai góc này được bao phủ lông xúc giác giúp chúng đóng bập lại rất nhanh. Khi những chiếc càng hướng lên ngoạm vào con mồi, phần nhô ra giống như sừng ở trên đầu chúng cũng góp phần kẹp chặt con mồi lại. Ông Barden cho biết đã “phát hiện đường ống rỗng nằm trong càng” có thể dùng để hút máu từ con mồi hoặc haemolymph (một chất lỏng trong hệ tuần hoàn của động vật chân đốt, tương tự như máu và dịch giữa các tế bào).




Mẫu vật được nghiên cứu nằm trong một lớp hổ phách, bên cạnh một ấu trùng bọ – con mồi có cơ thể mềm, rất lý tưởng với loài hút chất dịch như kiến địa ngục. Tuy càng của kiến chưa cắm vào thân của ấu trùng nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng vị trí trong mẫu hổ phách cho thấy đây chính là con mồi của kiến.

Nửa kiến, nửa kim loại
Chúng ta đã từng xem các bộ phim khoa học viễn tưởng, trong đó các quái vật nửa máy nửa sinh học rượt đuổi con mồi. Khi quét qua tia X, các nhà khoa học cũng kinh ngạc bởi một đặc tính tương tự ở loài kiến này.

Mặt dưới của sừng trên đầu nó “được gia cố bởi các hạt kim loại” cho thấy con vật này có khả năng thu gom thành phần kim loại từ thức ăn và tái phân bổ tới các bộ phận cơ thể cần được gia cố.


2019711.7.4

Con kiến cổ đại này có thể xử lý kim loại trong thức ăn và dùng để tăng độ cứng cho cơ thể (ảnh: P. Barden, H.W. Herhold, D.A. Grimaldi)




“Các loài côn trùng nổi tiếng với khả năng thu gom kim loại – cụ thể là canxi, mangan, kẽm và sắt – ở ống đẻ trứng hay càng, nhằm gia tăng độ cứng và giảm mài mòn. Việc có sừng gia cố kim loại sẽ cho phép loài kiến địa ngục chịu được con mồi giãy giụa, chiến đấu và giúp đâm xuyên qua cơ thể miếng mồi dễ dàng hơn.”

Suy đoán về mục đích thu thập kim loại của loài kiến này, ông Vincent Perrichot ở đại học Rennes đã có một bài viết đăng trên tạp chí Sinh học Ngày nay. Ông tin rằng “kim loại giúp cho cái sừng không bị hư hỏng.” Ông Barden cũng đồng tình với điều này, “có lý khi gia cố chiếc sừng vì nó sẽ chịu nhiều áp lực liên tục khi phối hợp với những chiếc càng.”

Nguồn: Ancient-Origins

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *