Phát hiện hố đen vũ trụ nhỏ nhất và gần Trái đất nhất 

Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một hố đen có thể lập một hoặc hai kỷ lục mới – nó vừa là hố đen nhỏ nhất từng được phát hiện, vừa là hố đen gần Trái đất nhất được tìm thấy cho đến nay.

Được đặt tên là The Unicorn – Kỳ Lân, hố đen mới phát hiện nằm cạnh một ngôi sao khổng lồ màu đỏ có tên V723 Mon trong chòm sao Monoceros. Nó chỉ cách Trái Đất 1.500 năm ánh sáng và vật thể này dường như có khối lượng gấp ba lần Mặt Trời.

Hình minh họa về hố đen Unicorn và các hiệu ứng kéo giãn đối với ngôi sao đồng hành của nó. (Ảnh: Lauren Fanfer)

Theo thông tin từ Đại học Ohio State, hố đen này có thể tạo nên hai kỷ lục mới: hố đen nhỏ nhất và gần Trái Đất nhất. Trước đó, hố đen nhỏ nhất có khối lượng gấp 3,3 lần Mặt Trời. Năm ngoái, các nhà thiên văn học cho rằng hệ sao HR 6819 là nơi chứa hố đen gần nhất, cách Trái đất 1.120 năm ánh sáng, nhưng các nghiên cứu sau đó đặt nghi ngờ về sự tồn tại của hố đen này.

Với bản chất hút tất cả mọi thứ vào trong, kể cả ánh sáng, các nhà thiên văn học chỉ phát hiện ra hố đen thông qua tác động của nó đến môi trường xung quanh. Trong trường hợp này, sự thay đổi cường độ ánh sáng được phản ánh rõ trên quỹ đạo của ngôi sao màu đỏ, chứng tỏ thiên thể này đang bị kéo giãn bởi một lực hút gần đó. “Cũng giống như lực hấp dẫn của Mặt Trăng tác động lên đại dương Trái Đất và tạo ra hiện tượng thủy triều thì hố đen đang kéo giãn và làm biến dạng ngôi sao”, Todd Thompson, đồng tác giả của nghiên cứu từ Đại học Ohio State cho biết.

Qua phân tích về độ biến dạng, vận tốc và chu kỳ quỹ đạo của ngôi sao, các nhà thiên văn học có thể tính toán hố đen Unicorn có khối lượng gấp ba Mặt trời.

Đối với những thiên thể có khối lượng lớn, gấp 10 lần khối lượng Mặt Trời, khi kết thúc quá trình tiến hóa sẽ bước sang giai đoạn suy sụp hấp dẫn. Thiên thể sẽ co nén vào tâm với tốc độ tăng dần và xảy ra hai trường hợp:


Nếu áp suất tại tâm tăng đủ lớn để ngừng quá trình suy sụp hấp dẫn, tâm thiên thể là một sao neutron đặc, độ sáng của thiên thể tăng lên hàng triệu lần và nó hình thành sao siêu mới.
Nếu áp suất bên trong của thiên thể không ngăn được sự co nén, vật chất sẽ tiếp tục suy sụp và khối tâm lúc đó trở thành một hố đen.
Như vậy hoặc là trở thành sao neutron hoặc trở thành hố đen, các thiên thể lớn khi kết thúc quá trình tiến hóa liệu còn chuyển sang dạng thức nào khác không?

Phát hiện về Unicorn gợi mở cho các nhà nghiên cứu thấy nhiều hố đen vũ trụ sẽ được phát hiện hơn với công nghệ tiên tiến và dữ liệu thiên văn được phân tích tốt hơn. Nghiên cứu hiện được đăng tải trên Chuyên đề của Hội Thiên văn Hoàng gia Anh.

Nguồn: NTDVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *