Phát hiện hình tròn kỳ lạ giữa đại dương trên Google Earth, làm dấy lên tranh cãi về “UFO”

Tại sao giữa đại dương trên Google Earth lại có một hình tròn hoàn hảo như thế?

Scott Waring, chủ sở hữu của một trang web chuyên đăng tải những “bằng chứng” về người ngoài hành tinh, vừa qua đã chia sẻ tấm ảnh cho thấy một hình tròn giữa biển trên Google Earth, làm dấy lên tranh cãi về “UFO”.

Hình tròn kỳ lạ này nằm ngoài khơi bờ biển gần khu vực đường vẽ Nazca của Peru, một loạt các hình vẽ khổng lồ được người Nazca tạo nên cách đây gần 2.000 năm. Waring ước tính hình tròn mà mình tìm thấy có đường kính khoảng 6,8 km, có thể nhìn thấy cách bờ biển Lima khoảng 566 km. Hình tròn dường như nhô lên khỏi đáy biển giống như một ngọn núi.

Tuy nhiên, tin buồn cho fan của đĩa bay, hình tròn này chỉ là khối dữ liệu của Google. Những hình dạng kỳ lạ thế này có thể xuất hiện ở một số khu vực đại dương trên Google Earth, công ty sử dụng dữ liệu từ nhiều nguồn để lập bản đồ biển. Các nguồn này có độ phân giải hoặc mức độ chi tiết khác nhau và khi chúng được ghép lại với nhau, đôi khi xuất hiện các hình dạng kỳ lạ tại điểm ghép.

Trong một bài đăng trên blog năm 2016, các nhà phát triển của Google đã xác nhận một vài xung đột dữ liệu có thể dẫn đến các hình ảnh giống như đồi núi và thung lũng kỳ lạ trên bản đồ.

Ví dụ, bản đồ đại dương dựa trên bản đồ do Viện Hải dương học Scripps thực hiện, sử dụng các phép đo trọng lực từ vệ tinh để lập bản đồ sơ bộ về sự trồi sụt của đáy biển, thể hiện độ sâu đại dương.

Để lập bản đồ chi tiết hơn, công ty lấy dữ liệu từ sonar trên tàu, đây là kỹ thuật sử dụng sự lan truyền âm thanh để tìm đường di chuyển, liên lạc hoặc phát hiện các đối tượng trên mặt, trong lòng nước hoặc dưới đáy nước, sau đó ghi lại tiếng vọng để có được hình ảnh độ phân giải cao. Đôi khi, các phép đo dựa trên vệ tinh và các phép đo trên tàu không thống nhất với nhau và có thể dẫn đến những thứ giống như một ngọn đồi hoặc chỗ lõm.


Đáng chú ý, “UFO” do Waring phát hiện nằm ngay giữa đường cắt ngang, nơi rõ ràng đã được khảo sát sonar từ tàu, có thể hình dạng này là tác dụng phụ của việc ghép nhiều nguồn dữ liệu lại với nhau. Những đường dài này có thể nhìn thấy khắp đại dương trên Google Earth và đôi khi bị nhầm với dấu hiệu của một nền văn minh đã mất.

Cho đến ngày nay, phần lớn đại dương vẫn còn là bí ẩn đối với con người. Theo cơ quan khí quyển và đại dương Mỹ, chỉ 5% đại dương đã được lập bản đồ bởi công nghệ sonar hiện đại.

Nguồn: Genk – Tham khảo: LiveScience

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *