Một ngoại hành tinh dạng Sao Mộc nhưng lớn hơn nhiều lần, vừa được tìm thấy trong một “hệ mặt trời” trẻ cách chúng ta chỉ 63,4 năm ánh sáng.
Một nhóm nghiên cứu thiên văn học đa quốc gia, dẫn đầu bởi tiến sĩ Anne-Marie Lagrange từ Viện Khoa học hành tinh và Vật lý thiên văn Grenoble (Pháp) đã sử dụng công cụ Tim kiếm hành tinh vận tốc xuyên tâm độ chính xác cao (HARPS) của Đài Thiên văn Nam Âu (ESO) để xác định hành tinh thứ 2 quay quanh ngôi sao trẻ mang tên Beta Pictoris, thiên thể chỉ khoảng 26 triệu tuổi.
Ảnh đồ họa mô tả ngoại hành tinh mới được xác định – ảnh: P. Rubini/A.M. Lagrange
Năm 2008, ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt trời) đầu tiên quay quanh ngôi sao này đã được xác định. Nó được đặt tên Beta Pictoris b, ước tính có khối lượng gấp 9-13 lần Sao Mộc, trong khi bản thân Sao Mộc đã nặng gấp 318 lần trái đất của chúng ta.
Hành tinh thứ 2 mới phát hiện – Beta Pictoris c, sau một thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học xác định được nó là một hành tinh khí nặng gấp 9 lần Sao Mộc, tương đương 2.862 lần trái đất.
Nó mang tên Beta Pictoris c vì được phát hiện sau, nhưng thật ra là hành tinh gần hơn với sao mẹ, cách sao mẹ khoảng cách tương đương 2,7 lần khoảng cách mặt trời – trái đất. Gã khổng lồ khí này sở hữu quỹ đạo lệch tâm, mỗi năm dài bằng 1.200 ngày trên trái đất.
Ngôi sao mẹ trẻ trung Beta Pictoris sáng gấp 8,7 lần mặt trời của chúng ta, nên việc tìm ra một hành tinh quay gần nó đến vậy rất khó khăn, bởi hành tinh sẽ bị quầng sáng của sao mẹ vùi lấp. Để tìm ra nó, các nhà khoa học đã phải phân tích hơn 10 năm dữ liệu quang phổ độ phân giải cao của HARPS và rất nhiều bước nghiên cứu khác để vẽ nên bức phác họa về thiên thể này.
Các nhà khoa học dự định tìm hiểu thêm về khí quyển và các mặt trăng của hành tinh mới này từ dữ liệu vệ tinh Gaia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và Kính viễn vọng Extremely Large đặt tại Chile.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.
Nguồn: NLĐ – Theo Sci-News, Astronomy Magazine