Đầu tháng 11 vừa qua, những bức ảnh về một chiếc đĩa bay xuất hiện cả trên báo chính thống cũng như báo lá cải ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến người dân nước này vô cùng háo hức.
Ảnh chụp “đĩa bay” ngày 4/11/2007. (Ảnh: Todayzaman)
Ngày 4/11, một nhà quay phim nghiệp dư trong số nhiều nhân chứng khác đã may mắn ghi lại hình ảnh một vật thể bay tại khu vực Karaköprü, tỉnh Şanlıurfa vào khoảng 4 giờ. Quả cầu 6 cạnh bay lượn trên bầu trời tỏa ra những ánh sáng đỏ, xanh và trắng. Nó chuyển động chập choạng nhưng rất nhanh.
Sau 15 phút quả cầu biến mất không dấu vết, và cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích chính xác nó là cái gì.
Bất chấp một số bình luận trên internet hướng về giả thuyết hiện tượng “Quả Cầu Lửa Xanh”, nhiều người không tin và cho rằng đây chỉ có thể là một ngôi sao được phóng đại khi quay phim. Những người hoài nghi hơn thì nói đó chẳng qua là hình của máy bay do thám Mỹ đang giám sát biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Đây không phải lần đầu tiên người ta nhìn thấy đĩa bay tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng xuất hiện đều đặn với lần mới đây nhất là tại Konya vào tháng 3/2007. Ngày 4/1 tại İstanbul, người dân tại khu vực Yenibosna đã nhìn thấy một vòng tròn quay với những ánh sáng sặc sỡ trên bầu trời.
Ông Haktan Akdoğan, người đứng đầu Trung Tâm nghiên cứu khoa học vũ trụ Sirius UFO của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết số trường hợp nhìn thấy đĩa bay tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác đang tăng dần trong những tháng gần đây.
Việc nhìn thấy đĩa bay tập trung nhiều nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ và có lẽ được ghi lại nhiều nhất khoảng từ năm 2001 đến 2002. Dường như chuỗi hình ảnh về đĩa bay bắt nguồn từ các sự kiện đặc biệt vào ngày 7/6/2001, khi cả 10 dân quân làng Dondurmaz, tỉnh Adıyaman đi tuần đêm khẳng định đã nhìn thấy ánh sáng chói hình “cái mâm” tròn to cỡ ngôi nhà sáng rực trên bầu trời. Họ nhìn thấy nó bay hướng về ngọn núi Ulubaş và sau đó lập loè biến mất.
Bức tranh vẽ quả cầu lửa xanh bất ngờ xuất hiện trên bầu trời đêm New Mexico trên tạp chí LIFE số ra ngày 7/4/1952 (Ảnh: Answers)
Chỉ huy dân phòng làng Dondurmaz đã xem xét những lời trình bày của họ rất nghiêm túc. Đích thân ông chủ tịch Halil Işık tỉnh Adıyaman tách họ ra thẩm vấn từng người. Không chỉ lời miêu tả của họ trùng hợp mà các bức tranh họ vẽ cũng giống nhau một cách kỳ lạ. Ông Işık ngay sau đó gửi một bản báo cáo chi tiết lên Bộ trưởng Bộ nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ.
Đến ngày 13/6/2001, báo Sabah chạy dòng tít lớn “Mọi người đang tìm kiếm đĩa bay” với nội dung về việc dân địa phương ném đá… đĩa bay khiến một người ngoài hành tinh bị rơi xuống.
“Người ngoài hành tinh” bị dân làng Uşak ném đá rơi khỏi đĩa bay. (Ảnh: Todayszaman)
Nói thêm về Trung Tâm nghiên cứu khoa học vũ trụ Sirius UFO của Thổ Nhĩ Kỳ:
Giám đốc Trung tâm – ông Akdoğan là nhân vật thường xuyên xuất hiện trong những sự kiện liên quan tới đĩa bay tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên theo một số nhà bình luận, động cơ của ông không đơn giản chỉ vì khoa học. Akdoğan là chủ sở hữu của Bảo tàng İstanbul UFO mở cửa từ năm 2002 (sau một loạt các sự kiện đĩa bay) và kinh doanh khá thành công.
Trong 6 bảo tàng về đĩa bay trên thế giới, thì có tới 3 bảo tàng nằm tại Thổ Nhĩ Kỳ (İstanbul, Denizli và Göreme tại Cappadocia). Ý định không giấu diếm của Akdoğan là mở các bảo tàng về đĩa bay trên khắp đất nước để “nâng cao hiểu biết của người Thổ Nhĩ Kỳ và thu hút khách du lịch”. Tổ chức của ông cung cấp tư liệu và thiết bị lắp đặt cần thiết để mỗi bảo tàng mới là một bản copy của cái trước.
Liệu các bảo tàng có thu lời hay không chưa được đề cập đến, nhưng khi bảo tàng Göreme mở cửa năm 2006, đã có hơn 5.000 du khách đến thăm chỉ trong một tháng, đặc biệt được người Nhật rất quan tâm.
Nguồn: KH
- Sửa mũi, trồng răng, khoan sọ: Công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ thời cổ đại
- Sự thật về các hội kín có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới
- Giải mã các bức ảnh ma bí ẩn