Nghiên cứu liên quan đến việc cấy các tế bào của người vào phôi động vật, có thể tạo ra hợp thể khảm giữa người và thú (Chimera). Việc này luôn là một chủ đề bí mật trong cộng đồng khoa học, bởi vấn đề luân lý đạo đức và pháp lý của nó – như việc mở chiếc hộp Pandora vậy.
Tượng Nhân sư tại Cung điện La Granja, Tây Ban Nha, giữa thế kỷ 18. (Ảnh: Håkan Svensson/Wikimedia Commons)
Ngày 4 tháng 8 năm 2016, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, gọi tắt là NIH, thông báo với công chúng rằng, họ đang có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm tài trợ cho nghiên cứu liên quan đến việc cấy ghép tế bào của người vào phôi động vật.
Tuy nhiên, trên thực tế, vào tháng 9 năm 2015, họ đã ban hành lệnh cấm tài trợ cho những nghiên cứu hợp thể khảm người và thú, và cho biết cần phải cân nhắc kỹ hơn các vấn đề đạo đức liên quan.
Không ngờ, chưa đầy một năm, NIH lại quyết định bỏ lệnh cấm, đã khiến dư luận dậy sóng. Một số người lo ngại việc này sẽ bật đèn xanh cho việc tạo ra một con quái vật giống Chimera trong thần thoại Hy Lạp.
Chimera là gì?
Người Hy Lạp tin rằng Chimera là một trong những đứa con của Typhon và Echidna sinh ra. Typhon là tên khổng lồ quái vật vô cùng nguy hiểm. Gã kết đôi với một sinh vật nửa người nửa rắn là Echidna. Sự kết đôi kỳ dị này đã tạo ra những con quái vật cực kỳ nguy hiểm trong thần thoại Hy Lạp như Lynean, Sư tử Nemean, Cerberus, Hydra, Sphinx và Chimera.
Bề ngoài của Chimera được miêu tả khá kinh khủng. Nó có phần thân từ đầu đến đuôi giống với sư tử cái với bộ ngực lớn và đôi tai đặc trưng. Tuy nhiên, một cái đầu khác của nó lại giống với đầu con dê đực khi có sừng và râu. Phần đuôi của con quái vật có hình dạng như một con rắn độc. Cũng giống như nhiều sinh vật mang hình dạng lai tạp khác trong thần thoại, Chimera độc ác, hoang dã. Nó thường xuyên sục sạo các ngôi làng để giết hại gia súc và người vô tội.
Chimera nguy hiểm không chỉ bởi hình dáng ghê gớm bên ngoài. Nó có sức mạnh của sư tử, sự xảo quyệt của một con dê và nọc độc của rắn. Mỗi hơi thở từ đầu dê của nó đều phun ra lửa. Chimera trở thành điềm báo cho các thảm họa thiên nhiên, chẳng hạn như núi lửa.
Hình Chimera (quái vật có đầu và thân mình giống sư tử, lưng lại có thêm đầu dê và đuôi hình rắn) trên đĩa Apulian màu đỏ, khoảng năm 350 – 340 trước Công nguyên, trưng bày ở Bảo tàng Louvre. (Ảnh: Wikipedia)
Hiện tượng Chimera tự nhiên trong đời thực
Các nhà khoa học hiện đại gọi hiện tượng những người bình thường có ít nhất hai bộ DNA là hiện tượng Chimera. Nói cách khác, trong cơ thể của người này có một người khác.
Câu chuyện bắt đầu với một vụ kiện. Năm 2002, tại bang Washington, Hoa Kỳ, cô Lydia và chồng có hai người con, sau khi ly hôn họ đã nộp đơn xin trợ giúp của chính phủ.
Nhưng trong quá trình này, cô cần phải làm giám định quan hệ mẹ con, theo logic mà nói, đây không phải là vấn đề lớn, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy hai đứa trẻ không có quan hệ huyết thống với cô, nên việc xin trợ cấp là không hợp lệ, và cô còn bị chính quyền bang kiện vì tội lừa đảo khiến cô không khỏi hoang mang.
Mặc dù Lydia đã cung cấp rất nhiều bức ảnh về những lần mang thai và khi sinh nở trước đây của cô, nhưng các công tố viên chỉ tin vào báo cáo xét nghiệm DNA.
Vào thời điểm đó, Lydia đang mang thai đứa con thứ ba nên tòa đã cử một nhân viên đến chứng kiến tận mắt việc sinh con của cô tại bệnh viện. Điều kỳ lạ là báo cáo giám định quan hệ mẹ con cũng cho thấy, gen của đứa con thứ ba cũng không khớp với của Lydia. Mặc dù sự việc này không đủ để thuyết phục thẩm phán từ bỏ tố tụng, nhưng nó đã thu hút sự chú ý của luật sư Tindell. Ông đã quyết định thụ lý vụ kiện để bào chữa cho Lydia.
Trong quá trình tìm kiếm bằng chứng, Tindell tình cờ đọc được một báo cáo đăng trên Tạp chí Y học New England vào ngày 16/5/2002, trong đó giới thiệu trường hợp của một bệnh nhân nữ cần ghép thận – Karen Keegan, trường hợp của cô rất giống Lydia.
Theo báo cáo, Karen và hai con trai thành niên đã trải qua xét nghiệm DNA để xác định ai là người hiến tặng phù hợp vì cô cần ghép thận, nhưng kết quả cho thấy rằng DNA của hai người con trai hoàn toàn không khớp với cô. Cô không phải là mẹ của chúng.
Chứng minh hiện tượng Chimera tự nhiên trong đời thực
Sau một số nghiên cứu mới phát hiện ra rằng Karen có hai bộ DNA khác nhau, nói cách khác, trong cơ thể cô có một người khác, cô chính là hợp thể khảm và hiện tượng này được gọi là chimera của con người.
Như vậy, người khác tồn tại trong thân thể này là ai?
Để xác định xem một người có phải là hợp thể hay không, người ta phải thu thập mẫu DNA từ nhiều bộ phận của cơ thể để xác minh, vì vậy trường hợp của Karen sau khi được luật sư Tindell đưa ra tòa, các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu tóc, má, da và máu trên cơ thể Lydia để xét nghiệm.
Kết quả cho thấy DNA được tìm thấy trong các mẫu đều thuộc một phổ hệ DNA khác, duy nhất chỉ có mẫu phẩm lấy từ cổ tử cung là một phổ hệ DNA khác. Đây là mẹ thực sự của các con của Lydia.
Điều này cũng đã chứng minh rằng Lydia cũng là một hợp thể khảm chimera, vì thế thẩm phán cuối cùng đã thừa nhận lỗi và bác bỏ tố tụng.
Trước đây, người ta đều rất tin tưởng và không nghi ngờ về việc DNA là bằng chứng phá án. Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt của Lydia khiến nhiều người lo ngại về sử dụng DNA là chứng cứ chắc chắn trong hệ thống pháp luật.
Lý giải hiện tượng Chimera tự nhiên trong đời thực
Vậy câu hỏi đặt ra là trên thế giới có bao nhiêu người mắc hiện tượng chimera? Đây là vấn đề mà các nhà khoa học và y học hiện nay chưa thể trả lời được, bởi vì cho dù một người là loại chimera này, thì từ bề ngoài cơ thể cũng không có gì bất thường, và có thể không khác gì một người bình thường.
Người đó có thể không bao giờ biết mình là một chimera trừ khi họ đi xét nghiệm DNA và lấy các tế bào hợp khảm làm mẫu. Vậy bộ DNA khác là đến từ đâu? Trong trường hợp của Lydia, đó là DNA của anh chị em sinh đôi chưa sinh của cô, điều này xảy ra khi một trong hai phôi thai chết trong bụng mẹ trong khi cặp song sinh đang ở trong tử cung của người mẹ, thai nhi sống sót có thể đã hấp thụ một số tế bào từ thai nhi còn lại.
Khi đó đứa bé sống sót sẽ có DNA của anh chị em song sinh của chúng trong cơ thể, và lúc đó hình thức chimera sẽ xảy ra.
Tất nhiên có những trường hợp khác, ví dụ, hiện tượng phổ biến hơn tồn tại trong quá trình mang thai và sinh nở của phụ nữ, đó là các tế bào của đứa trẻ sẽ tồn tại trong cơ thể mẹ và được máu mang đến các cơ quan khác nhau, hoặc ngược lại, một số lượng nhỏ tế bào từ mẹ sẽ được thai nhi hấp thụ. Loại tình huống này được gọi là vi hợp khảm, và nó là một hiện tượng tương đối phổ biến. Ngoài ra còn có trường hợp chimera nhân tạo.
Trong quá trình truyền tế bào gốc hoặc tủy xương, bệnh nhân nhận và hấp thụ tế bào của người hiến tặng vào cơ thể của chính mình.
Chúng ta biết rằng mỗi loài đều có DNA độc nhất của riêng mình, DNA này giống như mã của sinh mệnh, phân biệt các loài khác nhau.
Tuy nhiên, trong khi khám phá không ngừng, một số nhà khoa học đã chọn cách vượt qua ranh giới này và mở chiếc hộp Pandora.
Chiếc hộp Pandora trong thần thoại Hy Lạp
Trong thần thoại Hy Lạp, chiếc hộp Pandora là một chiếc hộp mà nàng Pandora – người phụ nữ đầu tiên đến thế giới loài người sở hữu. Câu chuyện được kể rằng: để trừng phạt Prometheus và loài người vì chôm lửa của thần, Zeus sai Hephaistos tạo ra Pandora từ đất sét và gả cho em trai của Prometheus.
Thần Zeus tặng cho Pandora một cái hộp rất đẹp làm quà cưới nhưng dặn rằng tuyệt đối ko được mở ra. Tuy nhiên, do ko cưỡng lại được sự tò mò Pandora đã mở cái hộp ra và thả ra mọi điều xấu xa, độc ác tới toàn bộ thế giới loài người. Từ đó, con người mới có những đức tính xấu như kiêu ngạo, lòng tham, lười biếng, sự đố kỵ, giả dối, phản bội … từ đó dẫn tới hận thù, tranh giành và chém giết nhau.
Pandora mở pithos do thần Zeus tặng, từ đó thả ra tất cả các tai ương của thế giới. (Ảnh: Phạm vi công cộng)
Nói chung hộp của pandora thường được dùng để chỉ những thứ mà khi làm nó sẽ mang lại những hậu quả không lường trước được. Theo như nhiều phiên bản của truyền thuyết, chiếc hộp chỉ còn sót lại một điều là “hy vọng” để cho loài người để có thể tiếp tục sống.
Chiếc hộp Pandora đã được mở ra?
Bỏ qua tình huống tự nhiên đã thảo luận ở trên, trong thế giới khoa học hiện đại, cái gọi là chimera chỉ đơn giản là một loài hỗn hợp được tạo ra bằng cách tiêm tế bào gốc của phôi người hoặc động vật vào phôi nang của động vật khác.
Phương pháp tiêm phôi nang được phát minh từ giữa thế kỷ trước, nhưng do các nhà khoa học muốn lấy tế bào gốc phôi người nên phải tiêu hủy trứng đã thụ tinh, kéo theo đó là vấn đề sát sinh.
Theo quan điểm tôn giáo, Giáo hội Công giáo từ lâu đã phản đối việc nghiên cứu tế bào gốc phôi người và bất kỳ hình thức nhân bản nào của con người, vì chúng vi phạm các quy luật tự nhiên của hôn nhân và sinh sản cũng như phôi thai người.
Cha xứ Ngải Lập Cần, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đạo đức Sinh học của Trường Thần học Đại học Công giáo Phụ Nhân, Đài Loan, và nhà nghiên cứu Ninh Vĩnh Hâm, người Đài Loan, đã đề cập trong bài báo “Chuyện hoang đường về nghiên cứu tế bào gốc phôi thai” rằng: “Bất kể phôi được lấy từ phôi người thụ tinh trong ống nghiệm, hay phôi thai người được tạo ra qua sự dịch chuyển thể tế bào, việc phá hủy nó và sau đó lấy các tế bào gốc để làm thí nghiệm là phi đạo đức”.
Bởi vì ông cho rằng phôi thai đã là khởi đầu của một cuộc sống độc lập mới của con người. Vì vậy, năm 2006, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp Nhật Bản Shinya Yamanaka đã đưa ra “tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng” (IPSC) hay còn gọi là “tế bào đa năng”. Đây là phương pháp biến đổi tế bào xôma thành tế bào gốc có khả năng biệt hóa đa chức năng bằng phương pháp chuyển gen, phương pháp cảm ứng này không cần phá hủy một phôi thai người, vì vậy không có vấn đề đáng lo về tôn giáo, và bạn có thể nhận được nhiều nguồn tế bào đa năng hơn.
Mở chiếc hộp Pandora
Theo các nhà chuyên môn, với trình độ công nghệ hiện nay, nếu con người muốn tạo ra một chimera cùng loài, chẳng hạn tạo ra một chimera giữa bất kỳ loài chuột nào thì đã đạt đến mức có thể làm tuỳ ý.
Sau khi Nhật Bản bỏ lệnh cấm thí nghiệm chuyển đổi phôi người và động vật vào năm 2019, một nhà khoa học tế bào chuyển đổi cũng trở thành người đầu tiên nhận được hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, để tạo ra phôi động vật có chứa tế bào người, và cấy chúng vào động vật thay thế.
Người đó là Hiromitsu Nakauchi, người lãnh đạo các nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tokyo và Đại học Stanford. Kế hoạch của ông Hiromitsu là nuôi cấy tế bào người trong phôi chuột lớn và chuột nhỏ, sau đó cấy những phôi đó vào động vật sẽ mang thai.
Mục đích cuối cùng là, những động vật tạo ra với các cơ quan có tế bào của con người, và chúng có thể được cấy ghép vào cơ thể con người. Sau hàng loạt thí nghiệm, kết quả rất lạc quan. Nhưng các nhà khoa học chưa muốn dừng lại ở đó, họ còn có những kế hoạch lớn hơn, đó là tạo ra các chimera giữa con người và động vật không phải con người.
Vào ngày 15 tháng 4 năm 2021, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature, báo cáo rằng, các nhà khoa học đã lần đầu tiên thành công trong việc tạo ra một phôi khỉ có tế bào con người.
Người đứng đầu nghiên cứu này là nhà sinh vật học Belmonte, họ đã tiêm tế bào gốc người vào phôi khỉ, và quan sát thấy các tế bào của người và khỉ phân chia và phát triển cùng nhau trong một đĩa petri. Kết quả cho thấy có ít nhất ba phôi sống sót đến 19 ngày.
Trường hợp thành công lần này đã gây tranh cãi trong giới sinh vật học. Một số người đặt câu hỏi liệu có thực sự cần thiết sử dụng động vật linh trưởng làm động vật thí nghiệm hay không? Các nhà khoa học lo lắng rằng thí nghiệm như vậy có thể gây ra phản ứng dữ dội từ công chúng.
Khi các thí nghiệm liên quan tới tế bào của con người, người ta bắt đầu lo ngại về việc liệu kết quả của các thí nghiệm này sẽ có vấn đề gì hay không.
Vấn đề đạo đức khi nghiên cứu chimera
Trên thực tế, vào năm 2016, việc dỡ bỏ lệnh cấm của NIH về nghiên cứu chimera giữa người và động vật cũng bao gồm một chi tiết được chú ý. NIH rõ ràng đang tập trung việc cấy tế bào gốc của người vào động vật cao cấp hơn loài gặm nhấm, chủ yếu để cho phép tế bào người định hình lại não của động vật.
Giáo sư Robert Klitzman, Giám đốc Chương trình Đạo đức Sinh học của Đại học Columbia, cho biết thí nghiệm này có ý nghĩa to lớn đối với việc nghiên cứu bệnh tâm thần phân liệt, và các bệnh ung thư liên quan đến trầm cảm Alzheimer, mang lại cho hàng triệu bệnh nhân trợ giúp rất lớn.
Bởi vì các nhà khoa học không thể sử dụng tế bào não của bệnh nhân cho phân tích khi thực hiện các nghiên cứu này. Nhưng thí nghiệm não bộ chắc chắn là cánh cổng bí ẩn lớn, nó có thể hướng lên thiên đường và cũng có thể hướng xuống địa ngục.
Một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng về chimera cho biết rõ ràng là một con vật, nhưng khi nó nhìn bạn với ánh mắt giống như con bạn, và đối xử với bạn với suy nghĩ giống như con bạn, nó thực sự đáng sợ. Phía sau cánh cửa là gì, không ai có đủ khả năng gánh trách nhiệm. Ngay cả các nhà khoa học cũng có lo ngại này.
Trong khi mong chờ thí nghiệm, giáo sư Robert đã thúc giục NIH đưa các vấn đề đạo đức vào phạm vi giám sát. Ông cho rằng, các nhà khoa học phải tránh sự xuất hiện đột ngột của các đặc điểm con người ở một số đối tượng thí nghiệm trong quá trình nghiên cứu, đây là một vấn đề đạo đức rất nghiêm trọng.
Những người dám thách thức vấn đề đạo đức này thực sự đã sớm xuất hiện từ thế kỷ trước, và nó đã trở thành một trong những thí nghiệm giật gân nhất trên thế giới.
Thí nghiệm gây chấn động nhất thế giới
Vào tháng 2 năm 1926, nhà sinh vật học Liên Xô cũ Ivanov đã đến Guinea ở Tây Phi, ông dự định tiến hành một thí nghiệm giật gân nhất thế giới tại đây. Ivanov là một chuyên gia trong lĩnh vực thụ tinh nhân tạo, đã tạo ra nhiều loại động vật lai tạp khác nhau, lần này ông sẵn sàng thử những thí nghiệm kéo dài giữa vượn và con người.
Đối mặt với một thử nghiệm gây nhiều tranh cãi, chính phủ Liên Xô cũ đã mở cửa cho Ivanov vào thời điểm mà rất ít người Nga được phép rời khỏi đất nước, và còn tài trợ cho Ivanov.
Kể từ khi tin tức về việc tạo ra loài vượn người chimera được lan truyền, nhiều người đã đồn đoán rằng chính phủ Liên Xô cũ muốn tạo ra một đội quân siêu chiến binh đột biến, và lý do thực sự có thể không đơn giản như vậy.
Khi Ivanov trình bày đề xuất của mình với Viện Hàn lâm Khoa học, ông đã lấy cớ đó để thuyết phục chính phủ. Ông mô tả thí nghiệm điên rồ của mình là một thí nghiệm chứng minh rằng, con người tiến hóa từ loài vượn. Ông nhấn mạnh rằng bằng cách chứng minh Darwin đúng, điều này sẽ có tác dụng hiệu quả đối với tôn giáo mà chính phủ Liên Xô đang cố gắng xóa bỏ, và ông cũng tuyên bố rằng, thành công của thí nghiệm này sẽ không chỉ nâng cao danh tiếng của Liên Xô trong khoa học, mà còn cung cấp những tuyên truyền chống tôn giáo hữu ích.
Cụ thể Ivanov đã cho thụ tinh trứng của loài tinh tinh với tinh trùng người. Thậm chí ông ta còn cố gắng ghép buồng trứng của một phụ nữ vào một con tinh tinh có tên là Nora, nhưng con vật này đã chết trước khi có thể thụ thai. Tuy thất bại, Ivanov vẫn không dừng lại, đã quyết định tìm 5 phụ nữ Liên Xô tình nguyện làm người mang thai.
Đáng tiếc, người cha tương lai có tên là Tarzan đã chết vì xuất huyết não trước khi có thể tham gia dự án này. Việc làm của Ivanov cuối cùng đã bị lật tẩy, ông đã bị bắt và lưu đày tại Kazakhstan năm 1930, vì những thí nghiệm được xem là kỳ cục, phi nhân đạo và phản khoa học.
Thay lời kết
Các nhà khoa học đưa ra lý do khi tiến hành các thí nghiệm phi đạo đức khác nhau là để mang lại lợi ích cho nhân loại, nhưng rốt cuộc liệu những thí nghiệm như vậy có thực sự tồn tại được không? Ngay cả khi các phương pháp thử nghiệm được các nhà khoa học sử dụng đều cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức của các thử nghiệm công khai, nhưng hậu quả như thế nào thì không ai có thể đoán trước được.
Con người thật nhỏ bé, dù đối mặt với thiên tai trên thế giới thì con người chúng ta cũng rất yếu ớt, huống hồ là trong vũ trụ bao la. Vũ trụ có những quy luật nhất định và nó không được phép tuỳ tiện phá vỡ. Nếu con người thực sự do Thần tạo ra, thì các quan điểm và thí nghiệm khoa học hiện đại, cho dù là để thực hiện sự lai tạp giữa con người và động vật, hay chỉnh sửa gen, v.v., nói thẳng ra là vì họ không tin vào sự tồn tại của Thần.
Nhưng một thứ đi ngược lại với quy luật của vũ trụ làm sao có thể được phép xảy ra? Ít nhất là nó sẽ gặp phải những thất bại trong thí nghiệm. Ivanov, người muốn chứng minh thuyết tiến hóa, là một ví dụ sống động.
Tất nhiên, lý do bề mặt có thể là do công nghệ của nhân loại chưa đủ tiên tiến, nhưng lý do thực tế là gì, con người có thể không bao giờ biết được. Hy vọng con người ngày nay sẽ không mắc sai lầm mà mở ra chiếc hộp Pandora như quá khứ.
Nguồn: NTDVN – Theo Earthinn
- Sách cổ Trung Quốc ghi chép vụ UFO ngoài hành tinh “bắt cóc” con người
- 100 năm trước, nhà tiên tri “vô danh” đã dự đoán chính xác về 2 cuộc Thế chiến khiến người ta kinh ngạc
- Gia Cát Lượng và 2 lời tiên tri lạ lùng, chuẩn xác đến từng chữ