Những sự thật nực cười nhất trong lịch sử thế giới

Đôi khi những sự kiện lịch sử xảy ra cực kỳ vô lý, đến mức chúng dường như quá kỳ lạ khi được kể lại ở thời hiện đại.

James Madison, tổng thống thứ 4 của Hoa Kỳ.

Những năm 1780, sau khi được bầu làm Tổng thống Mỹ, George Washington đã quyết định gửi một lá thư tới Quốc hội với nội dung cơ bản là: “Mong được làm việc với các bạn, điều này sẽ rất thú vị!”

Tuy nhiên, George không giỏi giao tiếp cho lắm, và nói chung là bận rộn. Vì vậy ông đã nhờ người bạn thân James Madison soạn bức thư gửi cho Quốc hội. Khi các thành viên Quốc hội nhận được lá thư, họ quyết định cần phải đáp lời, không muốn xem nhẹ tổng thống mới. Họ muốn gửi lại một bức thư về cơ bản có nội dung: “Chúng tôi rất vui vì bạn thấy vui mừng, chúng tôi cũng vậy!”. Và họ quyết định rằng không có ai trong số họ viết lá thư tốt hơn… James Madison. Vì vậy, James viết thư phản hồi cho bức thư mà ông đã viết ngay từ đầu, để gửi nó cho George.

George quyết định trả lời bằng một vài câu như: “Ồ, tốt, tôi rất vui vì các bạn cũng rất hào hứng!”, và như trước, lại nhờ người bạn thân James chắp bút. Quốc hội đã nhận được bức thư và một lần nữa không muốn khó xử, quyết định trả lời bằng một lá thư khác có nội dung cơ bản là: “Chúng tôi rất vui vì bạn đã rất vui khi thấy chúng tôi vui mừng!”. Và một lần nữa, họ đã nhờ James Madison soạn câu trả lời.

Vì vậy, James Madison, tổng thống tương lai thứ 4 của nước Mỹ, đã tự viết 4 lá thư qua lại giữa “George Washington” và “Quốc hội”. Ông đã quá xấu hổ khi không dám nói với bất kỳ ai về điều đó trong khi quá trình trao đổi thư từ này đang diễn ra.

Nhạc sĩ, nhạc công, kiêm nghệ nhân Adolphe Sax.




Là một trong mười một đứa trẻ do cặp vợ chồng nghệ nhân làm nhạc cụ Charles và Maria Sax sinh ra, Adolphe là một người cực kỳ dễ gặp tai nạn từ khi chưa đủ tuổi trưởng thành.

Lúc ba tuổi, ông rơi xuống ba tầng lầu và đập đầu xuống nền đá ở phía dưới. Ông từng uống nhầm một bát nước có tính axit vì tin rằng đó là sữa. Ông từng nuốt phải một cây kim lớn sau đó may mắn lấy ra được. Ông cũng bay ngang qua xưởng của cha mình và bị bỏng nặng khi một thùng thuốc súng phát nổ. Ông đã ngã xuống một cái chảo gang đang nóng trên bếp lò đang cháy. Ông thường xuyên ngủ trong một căn phòng nơi đồ đạc được đánh vecni và chờ phơi khô, và bằng cách nào đó tránh được ngộ độc và bị ngạt thở. Ông cũng đã bị đập vào đầu với một viên ngói bằng đá phiến khi đang đi bộ xuống phố. Ông cũng từng rơi xuống sông và suýt chết đuối.

Rồi cũng chính đứa trẻ này, người bị một thế lực nào đó liên tục ám sát thất bại, đã lớn lên và có đủ can đảm cùng trí tuệ để phát minh ra kèn saxophone.

Cuộc thi Marathon “lộn xộn” tại Thế vận hội 1904 ở St. Louis, Pháp.




Người về đích đầu tiên đã thực hiện phần lớn hành trình trên ô tô. Anh ta đã định bỏ cuộc và bắt xe trở lại sân vận động để thay quần áo, nhưng lại bắt đầu xuống chạy bộ khi nghe thấy tiếng người hâm mộ reo hò.

Người về đích thứ hai được huấn luyện viên cõng qua vạch đích với đôi chân co giật. Các huấn luyện viên đã từ chối cho anh ta nước suốt hành trình, mà thay vào đó là một hỗn hợp rượu Brandy và thuốc diệt chuột như một dạng doping. Doping chưa phải là bất hợp pháp ở thời điểm đó, vì vậy anh ta đã nhận được huy chương vàng khi gã đầu tiên bị lộ việc đi xe.

Người về đích thứ ba không ai nhớ tới, bằng một cách kỳ lạ nào đó.

Người về đích thứ tư là một người đưa thư đến từ Cuba, người đã gây quỹ để tham dự thế vận hội bằng cách chạy không ngừng trên khắp đất nước của mình. Anh ta tham gia cuộc đua trong trang phục giày tây nam và quần dài (thứ sau đó bị một đối thủ khác dùng dao chém rách từ đầu gối). Anh chàng này có lẽ đã về nhất (hoặc thứ hai, sau người đi xe hơi) nếu không phải chợp mắt mất một giờ bên lề đường đua sau khi ăn những quả táo thối mà anh ta tìm thấy ở bên vệ đường.

Người về đích thứ 9 và 12 đến từ Nam Phi, và tham gia thi chạy bằng chân trần. Nam Phi không cử đoàn vận động viên nào tham dự, và đây là những sinh viên tình cờ đến thị trấn và nghĩ rằng tham gia cuộc thi là điều gì đó nghe có vẻ vui. Người số 9 thậm chí đã bị một đàn chó dữ đuổi khoảng 1,5 km trên hành trình.

Một nửa số người tham gia cuộc thi chưa từng chạy đua trước đây. Một số đã chết. Ban tổ chức của St. Louis chỉ có một điểm tiếp nước trên toàn bộ đường chạy. Điều này cộng với việc mặt đường nhiều bụi do xe hơi qua lại được cho là đã dẫn đến những trường hợp tử vong trên.

Còn phái đoàn Nga đến muộn một tuần, vì họ vẫn đang sử dụng lịch Julian, một dạng lịch cũ.




Ngay sau khi bị bắn, Theodore Roosevelt vẫn tiếp tục bài phát biểu trong 90 phút trước khi đến bệnh viện.

Vụ ám sát xảy ra vào khoảng 8 giờ tối ngày 14/10/1912. Tổng thống Mỹ khi đó là Theodore Roosevelt đã bị ám sát bằng một khẩu súng lục ở cự ly khoảng 1,5 mét. Người bình tĩnh nhất lúc đó chính là nạn nhân, đã khuyên mọi người không giết kẻ tấn công và yêu cầu giao hắn cho cảnh sát.

Bác sĩ riêng của ông đã yêu cầu tài xế lái xe thẳng tới bệnh viện, nhưng Roosevelt cho rằng viên đạn không xuyên qua phổi, nên đã bắt lái xe đưa mình tới buổi diễn thuyết.

“Này các bạn, tôi cần các bạn giữ trật tự nhất có thể”, ông nói câu đầu tiên khi bước lên bục. Sau đó là sự thật gây chấn động: “Tôi vừa bị bắn”.

Tiếp đó ông cởi cúc áo vest, cho thấy chiếc áo sơ mi loang lổ máu bên trong. Rồi ông thò tay vào bên trong lôi ra một xấp giấy diễn văn dày khoảng 50 trang với lỗ thủng lớn bên trên. Có lẽ, xấp giấy này đã cứu ông khi ngăn viên đạn xuyên vào tim.

Sau đó, chính trị gia 53 tuổi này thực hiện bài diễn thuyết kéo dài 90 phút như kế hoạch ban đầu. Trong quá trình đó, ông không quên trừng mắt ngăn các trợ lý lên đỡ mình. Chỉ khi kết thúc bài diễn thuyết, ông mới chịu tới bệnh viện điều trị. Kết quả chụp X-quang cho thấy viên đạn đã găm vào xương sườn thứ 4 bên phải, gần hướng vào tim. May mắn là xấp giấy, bao kính bằng thép cùng áo khoác dày đã giúp cứu ông một mạng.




Cuộc bạo động tại rạp xiếc Toronto năm 1855.

Các thành viên sở cứu hỏa và một số chú hề đã gây sự do bất đồng tại một nhà chứa, và xảy ra một vụ đánh nhau. Những chú hề đã chiến thắng, nhưng sau đó những người lính cứu hỏa quay trở lại rạp xiếc và bắt đầu tấn công để trả thù. Những người lính cứu hỏa giành chiến thắng lần này, nhưng bạo lực đã bị chặn đứng khi lực lượng dân quân xuất hiện. Toàn bộ quá trình, cảnh sát không làm gì cả, vì vậy chính quyền thành phố đã sa thải tất cả cảnh sát, tất cả không trừ một ai, và bắt đầu gây dựng lại một lực lượng cảnh sát mới.




Hitler, Tito, Stalin, Trotsky và Freud, 5 chính trị gia hàng đầu thế giới đã sống trong cùng một khu phố tại Vienna, thủ đô của Áo, vào năm 1913.

Napoléon bị một bầy thỏ tấn công.




Trong một cuộc săn thỏ được thiết lập để kỷ niệm Hiệp ước Tilsit, Napoléon muốn thực hiện một chuyến đi săn và những người chịu trách nhiệm tổ chức đã kiếm được từ đâu đó hàng trăm đến hàng nghìn con thỏ. Vào ngày đi săn, họ nhốt thỏ vào những chiếc lồng xung quanh khu vực mà cuộc săn sẽ diễn ra .

Họ thả chúng ra sau khi mọi người đã ổn định, nhưng thay vì sợ hãi, những con thỏ lại tràn lên tấn công nhóm đi săn. Ban đầu, những người đi săn nghĩ rằng điều đó thật buồn cười. Nhưng sau đó mọi chuyện trở nên điên loạn và Napoléon cùng những người khác phải chạy trốn khỏi bầy thỏ.

Vị hoàng đế danh tiếng của nước Pháp không bị thương nghiêm trọng nhưng đã trải qua một phen hoảng loạn và lo lắng. Một số chuyên gia sau đó cho rằng sở dĩ đàn thỏ lao vào “tấn công” Napoleon là vì có thể chúng đã hiểu nhầm ông là người cho ăn.




Trong Thế chiến 2, cơ quan mật vụ Anh đã tạo ra một thiết bị phá hoại bao gồm một con chuột chết với chất nổ được nhét vào mông nó. Thời đó, để an toàn thì nếu bạn thấy một con chuột chết, bạn sẽ dùng thuổng hoặc xẻng vớt nó lên và cho vào lò đốt. Nhưng điều này sẽ kích hoạt chất nổ và làm nổ tung cả tòa nhà. Nỗi ám ảnh với bom chuột đủ để lực lượng Đức Quốc xã phải gọi đội rà bom của họ mỗi khi thấy một con chuột chết.

Cuộc đột kích vào Saint-Nazaire.

Cũng trong Thế chiến 2, biệt kích Anh đã chất đầy chất nổ vào một con tàu, cố gắng tiến vào ụ tàu lớn nhất của Đức. Nhưng nó bị phát hiện và tất cả các khẩu đội trên bờ đã khai hỏa, khiến con tàu liên tục trúng đạn. Nhưng bằng cách nào đó, nó không bị phát nổ. Những người lính đã cố gắng lái con tàu với tốc độ tối đa vào thẳng cổng bến tàu, tới mức đẩy con tàu lên khỏi mặt nước một nửa và mắc kẹt trên cổng khiến nó không thể bị kéo đi. Sau đó, một đội đặc nhiệm nhỏ đã tấn công các cơ sở của bến tàu trước khi rút lui, nhưng đáng buồn là con tàu đã không phát nổ vì bộ đếm thời gian đã bị lỗi.

Ngày hôm sau, một loạt sĩ quan và quan chức Đức đến kiểm tra con tàu của Anh trong khi những lính biệt kích đã bị bắt cách đó không xa và đang bị tra tấn để tìm thông tin. Đối với họ, nhiệm vụ này đã thất bại và bây giờ sẽ phải đối mặt với màn tra tấn tàn bạo.

Nhưng, chất nổ trên tàu bất ngờ phát nổ. Vụ nổ lớn đã phá hủy bến tàu, giết chết hàng trăm binh sĩ được cử đến để bảo vệ bến tàu và tất cả các sĩ quan và quan chức Đức đã đến kiểm tra con tàu.

Những người đang bị tra tấn cũng nghe thấy tiếng nổ và đã nở nụ cười vui sướng.




Một con gấu tên Wojtek đã phục vụ trong quân đội Ba Lan trong Thế chiến II, giúp đỡ những người lính của mình bằng cách mang những thùng đạn nặng nề vào trận chiến, giúp tiết kiệm vô số thời gian quý báu.

Về cơ bản, con gấu đã được nuôi lớn trong quân đội và tuyển dụng như một người lính khi sư đoàn của nó phải lên một con tàu không cho phép động vật lên tàu. Để hợp pháp hóa thân phận của con gấu, họ đã cấp sổ lương, cấp bậc và số seri cho “chàng lính” Wojtek. Họ thậm chí còn dạy con vật chào như một người lính thực thụ. Con vật đã sống qua chiến tranh và chết vì tuổi già trong một sở thú vào năm 1963.




Vào những năm 60, CIA của Mỹ đã dành hàng tháng và hàng chục triệu USD để cài đặt ăng-ten vào cơ thể một con mèo và sau đó huấn luyện nó ngồi gần các mục tiêu để nghe lén các cuộc trò chuyện riêng tư của họ. Vào ngày chạy thử nghiệm chính thức đầu tiên, họ thả con mèo ra. Nó đi lang thang trên đường và nhanh chóng bị một chiếc taxi tông phải.




Trận chiến Texel vào ngày 23/1/1795 đã xảy ra giữa kỵ binh Pháp và hạm đội tàu chiến của Hà Lan. Và đó là lần duy nhất người ta chứng kiến những người lính kỵ binh xông lên tấn công một con tàu và giành chiến thắng.

Đơn giản vì hạm đội Hà Lan đã bị mắc kẹt bởi băng ở khu vực Den Helder. Những con ngựa đã được bọc vải vào chân để có thể đi trên băng, sau đó phát động cuộc tấn công và làm kẻ thù sợ hãi. Những người lính kỵ binh đã tiếp cận và leo lên tàu với thanh kiếm ngậm giữa hai hàm răng. Một phụ nữ phụ trách căng tin nói rằng có lẽ họ sẽ không dám làm điều đó nếu cô ấy không phân phát hơi nhiều rượu trước đó.

Trong cuộc bao vây Tenochtitlán vào năm 1521, Đệ nhất hầu tước Tây Ban Nha Cortes đã xây dựng một cái lều để cất trữ thuốc súng. Tuy nhiên, quả đạn đầu tiên được bắn đi đã bay thẳng lên không trung và đáp xuống nó, phá hủy hoàn toàn chiếc lều cùng mọi thứ bên trong. Và đó là một trong những công dụng quân sự cuối cùng được ghi lại của máy phóng trebuchet.


Bác sĩ phẫu thuật Joseph Lister đã thực hiện một ca phẫu thuật có tỷ lệ tử vong là 300%.

Cụ thể, ông đã thực hiện một cuộc phẫu thuật vào năm 1851, với mục đích cắt bỏ một chân của bệnh nhân. Nhưng khi đang cắt, ông đã cắt nhầm các ngón tay của một trong những trợ lý của mình. Cả người trợ lý và bệnh nhân sau đó đều chết vì hoại tử. Và một trong những khán giả theo dõi quá trình phẫu thuật cũng đã chết vì sợ hãi.

Nguồn: Genk – Tham khảo Boredpanda

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *