Ngoài những kim tự tháp và tượng Nhân sư là công trình cổ đại hoành tráng và bí ẩn bậc nhất thế giới, châu Phi còn có nhiều công trình hàng ngàn năm tuổi mà đến nay các nhà khoa học vẫn chưa giải mã được.
1. Những vòng đá Senegambia
Di chỉ khảo cổ đặc biệt này bao phủ trên một phần khá rộng lớn gần 30.000 km2 nằm ở Senegal và Gambia, bao gồm 29.000 khối đá, 17.000 tượng đài và 2.000 công trình đơn lẻ chứa mộ, mảnh vỡ sành sứ và các vòng đá khổng lồ.
Hầu hết công trình được làm bằng những khối đá ong đã gia công, có chiều cao và kích cỡ khá đồng đều, nặng từ vài trăm kg cho đến trên 1 tấn.
Các nhà nghiên cứu chưa thể xác định chắc chắn niên đại của các vòng tròn đá, nhưng ước tính nó được xây dựng từ năm 300 TCN đến năm 1600.
Theo các nhà khảo cổ, để xây dựng được những vòng đá lớn này cần đến công sức của rất nhiều người. Điều này chứng tỏ nơi đây đã từng tồn tại một xã hội phát triển thịnh vượng.
Những vòng đá hình thành theo dòng thời gian và được sử dụng làm chỗ hội họp rồi bị chôn vùi trong 700 năm sau đó. Hiện nay vẫn còn dấu tích của hàng trăm ngôi nhà, cột đá, tầng tầng lớp lớp công trình xây dựng qua thời gian.
2. Đại Zimbabwe
Vào năm 1868, một đoàn các nhà thám hiểm Châu Âu khi đi du lịch Châu Phi đã vô tình phát hiện ra một bãi đá hoang tàn rộng mênh mông ở vùng Zimbabwe. Di tích này được gọi là “Đại Zimbabwe” và nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới thời gian sau đó.
Tàn tích Đại Zimbabwe.
Mặc dù có giả thuyết rằng, “Đại Zimbabwe” là tên quốc gia nhưng thực ra cái tên Zimbabwe là từ bị tiếng Anh hóa xuất phát từ cụm từ của người châu Phi có nghĩa là “Ngựa đá”.
“Đại Zimbabwe” được xây dựng cách đây khoảng 900 năm và được gọi là “tường đá khô”. Các nhà khảo cổ ước tính quần thể công trình xây dựng này là nơi cư trú của hơn 18.000 người và được xây dựng trong hơn 300 năm.
Nhiều nơi trong quần thể đã bị đổ nát, nhưng vẫn còn một số công trình đứng sừng sững. Toàn bộ di chỉ đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Từ khi được phát hiện, nhiều huyền thoại đã được người châu Âu gán lên di tích Đại Zimbabwe. Họ cho rằng, nơi đây chính là khu đất có mỏ vàng của Quốc vương Salomon được nhắc tới trong Thánh Kinh Cựu Ước. Tường bảo vệ thành ở nơi đây được xây dựng mô phỏng theo kiểu mà Vua Salomon xây dựng cung điện trên núi Molia.
Cho đến này, chủ nhân vương quốc Đại Zimbabwe là ai, vì sao vương quốc này lại suy tàn vẫn là một ẩn số không lời giải đối với các nhà nghiên cứu lịch sử.
3. Những nhà thờ Lalibela ở Ethiopia
Lalibela được coi là thành phố linh thiêng nhất ở Ethiopia. Vào thế kỷ 12, Thánh địa Jerusalem bị người Hồi giáo chiếm giữ khiến người Cơ đốc giáo không thể hành hương đến nên vua của Lalibela đã quyết định xây dựng 11 nhà thờ bằng đá nguyên khối.
Được chia thành 3 cụm (Bắc, Tây và Đông), những nhà thờ có mái ngang bằng với mặt đất và đào sâu xuống khoảng 13 m. 4 trong 7 ngôi nhà thờ ở cụm thứ 1 tự đứng trên nền của mình và số còn lại dựa vào vách đá đều có hình dáng rất rõ ràng.
Nhà thờ Lalibela được xây bằng đá nguyên khối.
Nhà thờ tạc Lalibela là kiệt tác xây dựng bằng đá nguyên khối được đục đẽo từ trên xuống, bao gồm 2 lớp đá bazan núi lửa, tạo thành cửa ra vào, cửa sổ, cột… được nối với nhau bằng hệ thống đường hào. Những nhà thờ Lalibela thực sự có giá trị lịch sử và tôn giáo riêng của địa phương.
Cụm nhà thờ Lalibela mang một nét thẩm mỹ và sức mạnh thần bí kiểu Angkor Wat (Campuchia) hay Machu Picchu (Peru) và lợi thế là chưa bị dòng du khách làm ảnh hưởng nhiều.
4. Bức tranh “Quý bà da trắng” trên núi Brandberg ở Namibia
Núi Brandberg là một trong số ít nơi ở Nambia có bộ sưu tập trên 1.000 bức tranh trên hang đá. Những bức tranh cho thấy cảnh săn bắn, nghi lễ tôn giáo, nhảy múa của người cổ xưa. Hầu hết các bức tranh ít nhất đã 2.000 năm tuổi.
Bức tranh “Quý bà da trắng”.
Trong đó có bức tranh “Quý bà da trắng” nổi tiếng. Trong tranh có nhiều nhân vật, ở giữa là hình người phụ nữ mang cung tên và đeo nhiều đồ trang sức.
Không ai biết người phụ nữ đó là ai và vì sao có bức tranh này nên người ta đã đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau để giải thích về bức tranh
Ví dụ, bức tranh mô tả một pháp sư đã vẽ bức tranh màu trắng trong khi thực hiện nghi lễ nhảy múa.
Giả thuyết khác cho rằng đó là nữ vận động viên điền kinh người Knossos. Cũng có giả thuyết cho rằng trong tranh là những người Phoenicia.
Giả thuyết có vẻ hiện đại hơn cho rằng bức tranh vẽ một du khách người Địa Trung Hải đến đây vào thế kỷ 15, trước người Bồ Đào Nha. Thay vì vẽ người phụ nữ bằng màu trắng thì người xưa dùng tông màu da hồng tự nhiên.
Tuy nhiên, mọi giả thuyết đều chưa giải thích thỏa đáng, bức tranh “Quý bà da trắng” vẫn là điều bí ẩn.
5. Tàn tích Bakoni 200.000 năm tuổi ở Nam Phi
Người dân địa phương gọi Bakoni là “thành phố đã mất của châu Phi”. Thật khó tin là tàn tích này có niên đại tới 200.000 năm tuổi.
Các chuyên gia địa phương cho rằng Bakoni là bằng chứng cho nền văn minh cổ đại ở châu Phi trước khi người châu Âu đặt chân đến lục địa đen.
Tàn tích Bakoni là quần thể rộng lớn, bao gồm các khu định cư, cánh đồng và đường sá cho thấy kỹ thuật tiến bộ và nông nghiệp phát triển.
Nguồn : Soha