Dù là địa điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách khi tới Bắc Kinh, Trung Quốc, Tử Cấm Thành vẫn là một trong những địa điểm rùng rợn và ma mị nhất của thành phố này.
Tử Cấm Thành.
Di sản văn hóa thế giới
Nằm giữa trung tâm thủ đô Bắc Kinh, trong suốt 600 năm qua, Tử Cấm Thành được xem là hoàng cung của Trung Quốc từ Triều Minh cho tới cuối nhà Thanh. Cố cung này có diện tích 720 nghìn mét vuông, gồm 800 cung, 9,9 nghìn phòng, nằm ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh và đã tồn tại được 600 năm.
Du khách đến Tử Cấm Thành sẽ dễ dàng nhận thấy nơi đây được chia làm hai khu, gồm Tiền Triều và Hậu Cung, nối với nhau bởi một sân dài. Tiền Triều ở phía nam dành cho các lễ nghi, còn Hậu Cung nằm ở phía bắc, nơi vua và hoàng hậu cùng hoàng thất sinh sống. Trung tâm Hậu cung là ba cung lớn: Càn Thanh cung (nơi vua ở), Giao Thái Điện (nơi giữ 25 loại ấn quan trọng của nhà Thanh) và Khôn Ninh cung (nơi ở của hoàng hậu).
Ngày nay, Tử Cấm Thành còn có tên gọi khác là Cố Cung, nằm trong lòng thành phố Bắc Kinh nhộn nhịp, ngay cạnh quảng trường Thiên An Môn. Đây là nơi cất giữ báu vật nghệ thuật quan trọng nhất của Trung Quốc, bao gồm nhiều cổ vật và hội họa. Hàng năm, nơi đây đón khoảng 10 triệu khách đến tham quan. Năm 1987, UNESCO công nhận Tử Cấm Thành là di sản văn hóa thế giới.
Chữ “Tử” trong từ “Tử Cấm Thành” có nghĩa là màu tím, lấy ý theo thần thoại Tử Vi Tiên. Đây được xem là nơi ở của Thần Mặt trời, trong khi đó, vua được coi là con trời nên nơi ở của vua cũng gọi là “Tử”. “Cấm Thành” là khu cấm dân thường ra vào. Nhìn bề ngoài, nơi này rất bề thế, xa hoa và hầu như ai cũng muốn được bước vào dù chỉ một lần. Để xây dựng xong công trình này, hàng trăm người cũng đã phải bỏ mạng và cũng có rất nhiều vụ ám sát xảy ra đằng sau 4 bức tường thành mà bên ngoài không hề hay biết.
Hơn nữa, không chỉ giới hoàng tộc, đây còn là nơi sinh sống của nhiều phi tần và người hầu, những người sẵn sàng phản bội, hãm hại nhau để tranh giành địa vị, quyền lực. Với lịch sử “đẫm máu” như vậy, không lạ khi có nhiều người đang làm việc ở Tử Cấm Thành cho rằng từng nhìn thấy ma lởn vởn trong hoàng cung. Dù chưa được kiểm chứng nhưng nhiều người cũng tin vào sự xuất hiện của những bóng người đi lại vào mỗi tối trong tòa thành này, dần dần trở thành những giai thoại đầy huyền bí.
Những câu chuyện ma mị và bí ẩn
Tử Cấm Thành xuất hiện trong không biết bao nhiêu bộ phim đình đám châu Á. Bởi thế, chắc chẳng ai còn lạ gì những vụ xung đột tranh giành quyền lực, những câu chuyện chết chóc hãm hại nhau nơi đây. Chính vì lẽ đó, các câu chuyện lạ lùng về ma quái từ đó được lan truyền. Nếu có dịp đến thăm Tử Cấm Thành và trò chuyện với người dân địa phương, bạn có thể được nghe họ kể thêm nhiều câu chuyện ma quái nữa liên quan đến điểm du lịch đông khách này.
Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất tại Tử Cấm Thành kể về một người phụ nữ hay vận đồ trắng toát, đi lại trong khuôn viên Tử Cấm Thành với tiếng khóc nỉ non. Nhiều người canh gác ở đây còn cho biết họ nghe thấy tiếng sáo cất lên giữa đêm từ bên trong di tích.
Với người dân Trung Quốc, một trong những tin đồn đáng sợ và có vẻ “chân thật” nhất được kể bởi một người lính có tên Fat Fu. Anh từng làm lính gác tại Tử Cấm Thành vào năm 1995. Fat nhớ lại một buổi tối tháng 10 khi hai người bạn của anh đã chạm trán một thứ gì đó mà anh cho là ma. “Chúng tôi đang xem ti vi trong phòng gác.
Lúc 9h tối, hai người vừa đi trực gác trở về phòng với khuôn mặt rất sợ hãi”, Fu nhớ lại. Theo những người đồng nghiệp của anh, họ đã gặp một người phụ nữ với mái tóc dài và bộ trang phục màu đen. Hai người lính đã gọi người phụ nữ nhưng cô ta đã chạy đi ngay lập tức. Họ nhận ra cô gái này không phải người làm tại đây.
Họ đuổi theo cô vì nghĩ có thể cô ta là một kẻ trộm. Cuối cùng, khi hai người dồn cô vào một đường cụt và yêu cầu cô quay lại. Khi cô ta quay mặt lại, cả hai người kia trở nên khiếp sợ tới nỗi rơi cả đèn pin vì người phụ nữ kia không có mặt mà chỉ có mái tóc. Sau đó, Fu đã cầm súng và trở lại địa điểm kia để kiểm tra xem những gì họ nói có đúng không nhưng không có ai ở đó, chỉ còn chiếc đèn pin vẫn đang nằm trên sàn.
Hay theo lời kể của ông Qu Zhengyin, một chuyên gia về văn hóa dân gian người Mãn Châu, một trong những câu chuyện ma đáng sợ là mọi người thường nghe thấy tiếng nhạc phát ra từ phía trong vào ban đêm. Những người gác cổng cũng nhìn thấy một nhóm nô tỳ và hoạn quan đi ngang qua sân, rồi biến mất vào một góc tối nào đó. Một người bảo vệ thậm chí còn bị quấy rầy bởi một cô gái. Ông tưởng đó là một du khách nghịch ngợm, cố tình thâm nhập Tử Cấm Thành vào ban đêm.
Do đó, người bảo vệ đã đuổi theo bằng được để mời ra ngoài. Khi bắt kịp, cô gái từ từ quay lại và người bảo vệ gần như ngất xỉu khi người đứng trước ông không có mặt. Dù không biết thực hư ra sao nhưng những câu chuyện trên cũng làm bao người cứng bóng nhất cũng phải sợ hãi.
Ngay cả việc thời gian đóng mở cửa Tử Cấm Thành cho du khách vào tham quan cũng gắn liền với một lời đồn đại. Vào các tháng mùa hè, thời gian mở cửa của Tử Cấm Thành từ 8h30 đến16h10, các tháng mùa đông giờ đóng cửa là 15h40. Người ta kể là, bất kể thời tiết nóng nắng hay thế nào, cứ vào 17h mỗi ngày, không khí ở Tử Cấm Thành đều rất lạnh và u ám. Chính vì thế, Cố cung sẽ không bao giờ mở cửa muộn hay mở xuyên đêm cũng là vì nguyên do này.
Nhiều người già ở Bắc Kinh đều có niềm tin vào việc Tử Cấm Thành có ma, đặc biệt là những tiếng khóc vào ban đêm. Một du khách cho biết, có lần anh đã tới thăm một triển lãm về trang sức và khăn đội đầu của các cung tần, mỹ nữ ở Tử Cấm Thành. Khi đêm về, vị khách đó liên tục nghe thấy tiếng la hét của một người và lời thì thầm: “Những món đồ trang sức đó là của ta! Điều này khiến tôi thực sự sợ hãi”, du khách đó đã kể lại trên Beijingtoday.
Có một chiếc giếng bên trong Tử Cấm Thành, được cho là nơi một cung nữ đã gieo mình tử tự. Nếu có ai nhìn xuống giếng nước thì sẽ không thấy bóng của mình mà thay vào đó là bóng của người cung nữ năm nào. Tuy nhiên, cũng không ai rõ đó là chiếc giếng nào trong khuôn viên rộng 720 nghìn mét vuông của Tử Cấm Thành.
Không chỉ ở trong hoàng thành, những người dân cao tuổi sinh sống ở Bắc Kinh cũng tin rằng, các hồn ma tồn tại thực sự. Có người kể lại rằng, sau khi mua được đồ trang sức cổ từng được sử dụng trong Tử Cấm Thành, ban đêm họ thường nghe thấy “hồn ma” hét lên quanh mình rằng: “Nó là của tôi! Nó là của tôi!”. Đây quả là câu chuyện đáng ghê rợn với những ai mua phải đồ cổ như vậy.
Trên trang Beijing Today từng kể lại câu chuyện của một du khách đến tham quan triển lãm về trang sức và khăn đội đầu của các cung tần, mỹ nữ ở Tử Cấm Thành. Ác mộng đã đến với anh vào lúc nửa đêm khi anh nghe thấy tiếng la hét của một người và những lời rên rỉ: “Những món đồ trang sức đó là của ta”…
Cho tới nay, vẫn chưa có bất kỳ cuộc điều tra khoa học nào diễn ra trong Tử Cấm Thành để nghiên cứu về các “hồn ma”. Nguyên do là vì người dân đã có niềm tin quá lớn vào sự tồn tại của những hiện tượng siêu nhiên, mặt khác cũng vì chính sách bảo vệ của chính phủ Trung Quốc. Vì vậy mà, tấm màn bí ẩn về những điều kì quái diễn ra mỗi khi màn đêm bao phủ quanh Tử Cấm Thành vẫn còn đó và tiếp tục phát triển.
Nguồn: BPL
- Bí ẩn những cơn mưa động vật kì lạ
- Thần đồng tiên tri Ấn Độ dự báo mới nhất: Thế giới đối mặt 3 vấn đề lớn, tương lai u ám?
- Bí ẩn thành phố chìm của Cuba