Các nhà nghiên cứu đại học Harvard đã nhận các khoản tiền khổng lồ để nói giảm tác hại của đường trong việc gây ra bệnh tim.
(ảnh: Flickr/Andrei Niemimäki)
Trở lại thập niên 1960, ngành công nghiệp đường đã đút lót những tấm ngân phiếu kếch xù cho một nhóm các nhà nghiên cứu của đại học Harvard để họ nói giảm mối liên hệ giữa đường và bệnh tim mạch trên một tạp chí y khoa nổi tiếng – và các nhà khoa học đã làm như vậy, theo các tài liệu lịch sử được báo cáo vào ngày 12/9 trên tạp chí JAMA Internal Medicine.
Một trong những nhà nghiên cứu đại học Harvard khi đó – D. Mark Hegsted – đã trở thành người đứng đầu về dinh dưỡng tại Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, nơi ông lập nền tảng cho những hướng dẫn chế độ ăn uống hiện tại của chính phủ liên bang.
Tóm lại, trong nửa thế kỉ, những nhà nghiên cứu và khoa học bị bóp méo đã đẩy sự chú ý của công chúng ta khỏi đồ ngọt, và nhắm mũi nhọn vào chất béo. Hiện nay, chế độ ăn nhiều đường, ít chất béo mà các chuyên gia khuyến khích chính là thủ phạm của vấn nạn béo phì gia tăng.
Những tiết lộ gây sốc này đến từ 320 tài liệu lưu trữ của Tổ chức Nghiên cứu về đường (bây giờ là Hiệp hội đường), được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học California. Đây là một bài học cay đắng khi các nghiên cứu do ngành công nghiệp tài trợ được lobby thành chính sách, nó cũng cho thấy sức mạnh của ngành đường trong việc thao túng truyền thông.
“Các phát hiện này, phân tích của chúng tôi và sự phê phán của Hiệp Hội đường lên các bằng chứng cho thấy Sucroza gây ra bệnh tim mạch, cho thấy ngành công nghiệp này có thể đã gây ảnh hưởng tới chính sách liên bang trong một thời gian dài”, các tác giả kết luận.
Trong một tuyên bố ngày 13/9, Hiệp Hội Đường nói rằng họ ”đáng lẽ nên minh bạch hơn trong các hoạt động nghiên cứu.” Nhưng tập đoàn thương mại đã hỏi các nhà nghiên cứu về động cơ công bố và đào bới vấn đề này để ”thuận theo xu hướng bài xích đường hiện nay.”
Ngoài ra Hiệp Hội cũng quở trách tạp chí đã cho xuất bản những phân tích này, ngụ ý rằng chúng không đáng kể và chỉ để giật gân. “Đáng lo ngại nhất là việc sử dụng tiêu đề câu khách để lấn át nghiên cứu khoa học có chất lượng – chúng tôi thất vọng khi thấy một tạp chí tầm cỡ như JAMA đang sa vào xu hướng này”, Hiệp Hội đã viết.
Nhưng các nhà khoa học đã không đồng ý với ý kiến này, theo giáo sư dinh dưỡng Marion Nestle của đại học New York và các nhà nghiên cứu tại UCSF, tuy đây là việc 50 năm trước, nhưng nó vẫn liên quan đến một số vấn đề quan trọng trong thời đại này.
Xem thêm: Những nhà khoa học lỗi lạc nhất tin vào thuyết vô thần hay hữu thần?
Dự án 226
D. Mark Hegsted
Năm 1965, Tổ chức nghiên cứu về đường (SRF) đã tài trợ ” Dự án 226″, viết một bài đánh giá nói giảm về vai trò của đường trong bệnh tim và đổ lỗi cho chất béo bão hòa. Bù lại các nhà nghiên cứu đã nhận được tổng cộng 6.500 đô la – tương đương với 48.900 đô la ở thời điểm hiện tại.
Nhà nghiên cứu Hegsted của đại học Harvard và 1 nhà nghiên cứu khác đã viết và kết luận trong tạp chí ý khoa New England (NEJM) năm 1967, sử dụng mẫu nghiên cứu có chọn lọc và nói quá mức độ tin cậy của dữ liệu, từ đó khẳng định rằng chất béo là nguyên nhân chính của bệnh tim. Bài viết tuyên bố “không nghi ngờ gì nữa” cách duy nhất để tránh bệnh tim là để giảm bớt chất béo bão hòa.
Bài viết không hề nhắc tới việc nhận tiền tài trợ từ ngành công nghiệp đường.
Sau bài viết trên cho đến thập niên 1980, ít có người quan tâm đến vai trò của đường trong việc gây ra bệnh tim. Hướng dẫn dinh dưỡng năm 1980 của Mỹ thì chỉ nhấn mạnh vào việc giảm chất béo và cholesterol để ngừa bệnh tim.
Giáo sư dinh dưỡng Marion Nestle chỉ ra rằng, hiện nay “cán cân đã chuyển sang hướng ít lo ngại về chất béo và cảnh báo nhiều đối với đường.” Nhưng, câu chuyện này vẫn nhắc nhở chúng ta về tác hại tiềm tàng to lớn của những nghiên cứu được ngành công nghiệp bỏ tiền tài trợ.
Làm khoa học rất cần có đạo đức
“Bài đánh giá lệch lạc này không chỉ định hình quan điểm cho công chúng về nguyên nhân gây bệnh tim, mà còn tác động đến quan điểm của giới khoa học,” Cristin Kearns, một tác giả của bài viết đăng trên JAMA, phát biểu.
Trong một vụ việc tương tự, tháng 8/2015, Coca-Cola đã bị vạch trần vì trả tiền cho các nhà nghiên cứu để khẳng định rằng hoạt động thể chất có thể làm giảm tác hại của nước ngọt.
Thử tưởng tượng bao nhiêu tiền và sinh mạng đã có thể được cứu nếu ngành đường không thao túng các nhà nghiên cứu như vậy. Thử tưởng tượng bao nhiêu công sức của cộng đồng khoa học và các nghiên cứu khác, vì dựa vào nghiên cứu sai lệch này, đã đổ sông đổ biển trong những thập niên qua.
Bởi vì bản thân những người làm khoa học cũng có thể bị mua chuộc, đối với người đọc báo và tiếp thu thông tin hằng ngày, cũng cần có sự suy xét trước khi áp dụng các kiến thức mới nào đó. Đừng vội tin vào tất cả mọi thứ được dán nhãn ”khoa học.”
Nguồn: Trithucvn