Nhà khoa học tự chế hệ thống cảnh báo sờ tay lên mặt, chưa vào đâu thì bị tắc luôn cục nam châm trong mũi

Rất may, anh chàng này đã được cấp cứu kịp thời và không nguy hiểm đến tính mạng.
Giới khoa học vẫn đang tích cực tiến hành nhiều nghiên cứu, thử nghiệm để góp phần giúp nhân loại đẩy lùi đại dịch Covid-19 càng sớm càng tốt. Mới đây, nhà vật lý thiên văn học Daniel Reardon đã nảy ra ý tưởng về 1 hệ thống cảnh báo tự động mỗi khi chúng ta định sờ tay lên mặt – thói quen xấu tiềm ẩn nguy cơ giúp virus xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, khi mà phát minh còn đang dở dang chưa đâu vào đâu, Daniel đã phải nhập viện cấp cứu vì vài cục nam châm vô tình mắc kẹt trong sống mũi của mình.

khoahoc1

Hiện tại, tình trạng sức khỏe của nhà khoa học người Australia này đã ổn định trở lại. Chia sẻ với Gizmodo, Daniel cho biết mặc dù khẩu trang và găng tay là 2 vật dụng quan trọng trong cuộc chiến với Covid-19 lúc này, nhưng anh vẫn muốn giúp mọi người từ bỏ thói quen sờ tay lên mặt một cách khoa học: “Bạn biết đấy, chúng ta chỉ cần rửa tay thường xuyên và dừng ngay hành động sờ mặt mình là đã có thể giảm nguy cơ nhiễm virus rồi”.




khoahoc2

Tiến sĩ Daniel Reardon vô tình làm tắc nam châm trong mũi khi muốn phát minh hệ thống cảnh báo mỗi khi sờ tay lên mặt.

Ý tưởng ban đầu của Daniel liên quan đến 1 chiếc vòng cổ và 1 chiếc vòng tay. Chiếc vòng cổ này tích hợp mạch điện và sẽ tự động phát ra tiếng “beep” mỗi khi cảm nhận được từ trường xung quanh. Còn chiếc vòng tay thì tích hợp nam châm. Khi kết hợp 2 chiếc vòng này, ta sẽ có 1 hệ thống khép kín, cứ hễ người dùng đưa tay qua gần mặt (thực chất là gần cổ) là hệ thống sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo ngay lập tức.

Tuy nhiên, đây lại là 1 thất bại toàn diện bởi chiếc vòng cổ liên tục kêu “beep” đầy khó chịu, và chỉ dừng lại khi được ở gần chiếc vòng tay – trái ngược hoàn toàn với ý tưởng ban đầu của Daniel. Điều này cũng không có gì khó hiểu khi thất bại luôn là 1 phần trong quá trình thử nghiệm phát minh mới. Đó là chưa kể đến việc chuyên ngành của Daniel là ẩn tinh (những ngôi sao chỉ có thể phát hiện qua radar), và anh không có nhiều kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về mạch điện.




Quyết tâm không bỏ cuộc, Daniel tiếp tục với 1 ý tưởng mới, táo bạo hơn: Gắn nam châm vào lỗ tai, và sau đó là lỗ mũi của bản thân. Tuy nhiên, chưa biết kết quả lần này thế nào, anh đã gặp phải 1 tai nạn oái oăm khi những cục nam châm ở sâu trong lỗ mũi hút chặt lấy nhau và bám vào vách mũi, không chịu rơi ra ngoài. Anh đã thử dùng 1 cục nam châm khác và cố điều khiển những cục bên trong nhưng bất thành, thậm chí cục mới này còn bị hút dính vào cùng. “Đến lúc này thì tôi hết nam châm để sử dụng rồi”, anh hóm hỉnh chia sẻ.

khoahoc3

Daniel đã không thể lường được sức hút cực mạnh của các cục nam châm trong bài thử nghiệm của mình (ảnh minh họa).

“Sau đó, vợ tôi đã phải đưa tôi đến bệnh viện của cô ấy để cấp cứu, đồng thời không quên gọi toàn bộ đồng nghiệp ra cười vào mặt tôi. Đội ngũ bác sĩ sau khi lôi đống nam châm ra đã đùa rằng đây chính là hậu quả của việc tự cách ly ở nhà mà không có gì làm”.




Tuy nhiên, ngay cả khi đến bệnh viện kịp thời, số của anh chàng này vẫn chưa hết nhọ. Các bác sĩ chỉ có thể lấy ra 2 trong số 3 cục nam châm trong mũi anh bằng biện pháp gây tê. Cục còn lại rơi thẳng vào họng anh khiến anh phải ho và khạc mãi nó mới chịu bắn ra.

Trong cái rủi vẫn còn cái may. Theo trường Cao đẳng American College of Emergency Physicians cho biết tính Daniel có thể gặp nguy hiểm chết người nếu lỡ nuốt 2 hay nhiều cục nam châm. Chúng sẽ không thể phân hủy, bám vào và dần dần ăn mòn thành ruột.

Mặc dù vậy, Daniel cho biết anh vẫn rất lạc quan về 1 hệ thống nam châm điện giúp mọi người hạn chế sờ tay lên mặt: “Vẫn còn rất nhiều cách khác mà tôi muốn thử nghiệm, và ý tưởng ban đầu của tôi vẫn có thể trở thành hiện thực. Tôi sẽ không bỏ cuộc đâu. Tôi cũng đã nhận được khá nhiều gợi ý từ phía độc giả, những người đọc được bài viết về tai nạn hi hữu này”.


Không khó hiểu khi Daniel lại quyết tâm phát minh bằng được hệ thống độc đáo của mình. Các nhà nghiên cứu cho biết trung bình con người sẽ sờ tay lên mặt khoảng 16 – 23 lần/giờ. Trong đó bao gồm rất nhiều hành động đơn giản như dụi mắt, gãi lông mày, ngoáy mũi và kể cả vuốt tóc. Điều này sẽ tạo cơ hội cho virus dễ dàng xâm nhập cơ thể, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức căng thẳng. Daniel cũng cho biết anh sẽ cẩn thận hơn trong các nghiên cứu sắp tới của mình: “Tôi sẽ không nghịch dại với những cục nam châm nữa đâu”.

Nguồn: Trithuctre – Theo Gizmodo
http://ttvn.toquoc.vn/nha-khoa-hoc-tu-che-he-thong-canh-bao-moi-khi-so-tay-len-mat-chua-dau-vao-dau-thi-bi-tac-luon-cuc-nam-cham-trong-mui-7202044212556813.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *