Vi Cao (746 – 805), là cháu đời thứ 7 của Đại tướng quân Vi Nguyên Lễ thời Bắc Chu, là danh thần, danh tướng thời Đường Đức Tông. Trước khi thành danh, có một thầy pháp từng thấy có rất nhiều tùy tùng âm giới theo sau bảo vệ.
Vi Cao. (Ảnh từ lishiquwen)
Khi Vi Cao còn chưa nhập ngũ, đã từng vân du đến khu vực cửa khẩu Kiếm Các Kiếm ở vùng Đông Bắc Tứ Xuyên. Vợ của Tiết độ sứ Trương Diên Thưởng ở Tây Xuyên lúc bấy giờ rất quý Vi Cao, nên đã gả con gái cho ông.
Trước khi Vi Cao làm quan, đã sống một khoảng thời gian ngắn tại nhà của cha mẹ vợ. Mặc dù Vi Cao có tài năng, nhưng lại có chút cẩu thả, không chú ý tiểu tiết, nên cha vợ Trương Diên Thưởng không đánh giá cao ông, thậm chí còn có chút khinh thường, điều này khiến cho Vi Cao cảm thấy buồn bực.
Vợ của Vi Cao nhìn thấy chồng mình bị tủi thân, đã khích lệ ông ra ngoài ở riêng. Lúc ấy thời vận của Vi Cao vẫn chưa đến, ông vẫn luôn hy vọng rằng sẽ xin được một chức quan nhờ vào những mối quan hệ của cha vợ, nhưng mãi vẫn không có tiến triển. Khi nghe lời nói của vợ, ông mới thức tỉnh và hạ quyết tâm tự lực cánh sinh, đi ra ngoài lăn lộn.
Thầy pháp nhìn thấy những quan sai âm phủ theo sau hộ tống
Vi Cao từ biệt cha mẹ vợ, rồi đi từ sảnh lớn về phía căn nhà phía Tây và chuẩn bị rời khỏi phủ nhà họ Trương. Lúc đó, có một nữ thầy pháp từ Ích Châu đến phủ nhà họ Trương, từ xa đã trông thấy Vi Cao.
Vị thầy pháp liền hỏi Trương phu nhân: “Người mặc áo xanh vừa bước vào căn nhà phía Tây là ai vậy?”. Phu nhân nói: “Là Vi Cao, con rể nhà ta”.
Thầy pháp nói: “Người này cực kỳ cao quý, tương lai anh ta sẽ vô cùng vinh hiển. Sự nghiệp quan trường của anh ta sắp sửa phát triển rồi, không lâu sau nữa sẽ cai quản đất Tây Xuyên, các người nên tiếp đãi anh ta tử tế. Thành tựu sau này của anh ta sẽ không thua kém Trương lão gia đâu”.
Trương phu nhân bối rối, liền hỏi bà ta sao mà biết được chuyện tương lai? Thầy pháp nói: “Bên cạnh người cao quý, chắc chắn sẽ có tùy tùng ở âm giới đi theo. Đằng sau Trương Tiết độ sứ cũng chỉ có một hay hai vị quan sai của âm giới, còn tùy tùng đi theo người thanh niên mặc áo xanh kia có đến cả hơn trăm người”.
Sau khi Vi Cao rời đi, phía trước ông là một tương lai tươi sáng. Một phần trong bức “Đào hoa nguyên đồ” của Cừu Anh – Thời Minh. (Ảnh: walltyper)
Thời cơ xoay chuyển, tiền đồ rộng mở
Sau khi Vi Cao rời khỏi phủ nhà họ Trương, đi hơn một tháng thì đến Kỳ Châu. Trưởng quan của Kỳ Châu biết Vi Cao là con rể của Tiết độ sứ Tây Xuyên Trương Diên Thưởng, nên đã mời ông nhậm chức Mộ liêu (tương đương như thư ký, trợ lý ngày nay), rồi bổ nhiệm ông làm Đại lý bình sự (tương đương như quan thẩm phán); không lâu sau đó, do ông thẩm tra các vụ án công chính liêm minh, nên đã được lên làm quan Giám sát.
Sau khi Thứ sử Long Châu qua đời, Vi Cao được triệu đến tiếp nhận chức quan Thứ sử Long Châu. Vào năm thứ 4 Kiến Trung (783), trong triều xảy ra cuộc binh biến Kinh Nguyên, chiến tranh nổ ra, Chu Thử tạo phản nổi dậy tấn công kinh thành.
Hoàng đế Đức Tông chạy trốn đến Phụng Thiên (nay là huyện Càn, tỉnh Thiểm Tây). Khi đó, tài lực ở khắp nơi đã bị cắt đứt, trước mắt không thể tiếp tế nổi y phục và lương thực cho các binh lính nữa, duy chỉ có nguồn cung ứng từ Long Châu nơi Vi Cao cai quản là liên tục vận chuyển đến được. Cũng vì công lao này mà Vi Cao được thăng chức làm Ngự sử trung thừa, làm quan cai quản lương thực cung ứng cho hoàng đế lúc du hành.
Không lâu sau đó, phản quân Chu Thử đã được dẹp yên. Khi hoàng đế hồi kinh, đã bổ nhiệm Vi Cao là Binh bộ thượng thư, Tiết độ sứ Kiếm Nam Tây Xuyên. Đây là chuyện xảy ra vào năm đầu Trinh Nguyên (785), tính từ lúc Vi Cao rời khỏi phủ nhà họ Trương chỉ mới hơn một năm, thì đã được thay vào chức vị của cha vợ Trương Diên Thưởng.
Khi nhậm chức Tiết độ sứ Kiếm Nam Tây Xuyên, Vi Cao đã nhiều lần đánh bại quân Tây Tạng. Năm thứ 17 Trinh Nguyên (801), Vi Cao đưa quân vào Tây Tạng, dẹp sạch 16 vạn quân Tây Tạng, chiếm đóng thành trại tại đây, tấn công Duy Châu, bắt sống Phan Vương đem về cho triều đình.
Vì công trạng này mà ông được thăng chức thành Kiểm giáo tư đồ, kiêm Trung thư lệnh (phò trợ hoàng đế, nắm lệnh chính quyền, là một trong những vị tể tướng), được phong làm Nam Khang Quận vương, Tốt thụy trung vũ.
Công trình Hưng Kiện kéo dài 90 năm, và được gọi là tượng Phật khổng lồ Lạc Sơn ở Tứ Xuyên nổi tiếng khắp thế giới, cũng được hoàn thành khi Vi Cao nhậm chức tại Tứ Xuyên, khi ấy ông đã quyên góp 50 vạn tiền bổng lộc của mình cho công trình này. (Ảnh: Internet)
Vi Cao cai quản Tây Xuyên 21 năm. Công trình Hưng Kiện kéo dài 90 năm, và được gọi là tượng Phật khổng lồ Lạc Sơn ở Tứ Xuyên nổi tiếng khắp thế giới, cũng được hoàn thành khi Vi Cao nhậm chức tại Tứ Xuyên, khi ấy ông đã quyên góp 50 vạn tiền bổng lộc của mình cho công trình này. “Gia Châu Lăng Vân tự Đại Di Lặc thạch tượng ký” của Vi Cao đã ghi chép về công trình xây dựng tượng Phật khổng lồ này.
“Tư trị thông giám – quyển thứ 236” đã viết về Vi Cao như sau: “Vi Cao đã ở Thục (Tứ Xuyên) trong 21 năm, người Thục khâm phục mưu trí và kinh sợ uy phong của ông, cho đến nay đã dựng các bức tượng của ông thành Thổ thần, nhà nhà đều thờ cúng”.
Nguồn: TS – Theo Epoch Times
- Huyền thoại về một Phượng Hoàng, quên mình thức tỉnh thế nhân
- Câu chuyện Nhãn thần: Vạn vật thế gian đều có Thần linh cai quản
- Nghiên cứu hàng ngàn trải nghiệm cận tử: Tinh thần con người độc lập với bộ não