Người c.h.ế.t sau trăm năm bất ngờ sống lại

Người chết mà sống lại, rốt cuộc đó là chuyện gì, đến nay vẫn là bí ẩn của nhân loại, khoa học hiện đại càng không thể giải thích rõ ràng.

Trong thế giới rộng lớn vô biên này, không chuyện kỳ lạ nào là chưa từng xảy ra, ví như chuyện về người đã chết mấy ngày lại “hoàn dương” hoặc đã chết hàng chục năm, hàng trăm năm mà vẫn có thể sống lại, dưới góc nhìn của rất nhiều người mà nói, thì thật khó tin, cứ ngỡ như đang nghe truyện thần thoại nghìn lẻ một đêm vậy. Tuy nhiên trong kho tàng sách cổ dân gian thì những ghi chép này không phải là hiếm.

Trong lúc quá bi ai, chàng trai đã đào xuống phần mộ và mở nắp quan tài, bỗng nhiên cô gái sống lại. (Ảnh: Pixabay)

Cung nữ hồi sinh sau hàng trăm năm
Quách Phác là một trong những vị Tông sư về thuật phong thủy, ông đã để lại cho hậu thế những tuyệt tác phong thủy như Táng thư (coi mộ phần) và Thuật tướng địa (xem thế đất), nên được tôn xưng là tị tổ, ông tổ ngành địa lý, ngoài ra ông còn là một nhà văn học, nhà chú giải các Kinh Điển nổi tiếng đời Đông Tấn. Trong sách Sơn Hải Kinh, phần Hải Nội Tây Kinh, Quách Phác đã ghi chép một câu chuyện kỳ lạ rằng: 

Vào thời Tào Ngụy, có người khai quật mộ phần của Chu Linh Vương, Thiên tử nhà Đông Chu, thì phát hiện trong mộ có một cung nữ tuẫn táng theo, người cung nữ ấy ở trong trạng thái không chết không sống. Từ ngoài mà nhìn thì ước chừng tuổi tác khoảng ngoài 20. Cung nữ được đưa ra khỏi mộ, trải qua vài ngày thì hít thở nhẹ nhàng, qua mấy tháng thì bỗng tỉnh lại và còn có thể nói chuyện. Tuy nhiên khi mọi người hỏi cô về những chuyện xảy ra trước đây thì cô hoàn toàn không nhớ.

Sự tình này khiến người khai quật mộ vô cùng kinh ngạc nên đã đưa cô đến Kinh sư. Khi đó, Quách Thái hậu tỏ ra rất thích cô cung nữ này và giữ cô ở lại bên cạnh mình. Khoảng 10 năm sau thì Quách Thái hậu qua đời, cô cung nữ này cũng đau buồn thương tiếc Thái hậu khôn nguôi, cô cứ ngày đêm đẫm lệ và đã qua đời một năm sau đó.




Chu Linh Vương mất năm 545 trước Công nguyên, Quách Thái hậu mất năm 263 sau Công nguyên, tính theo cách này, người cung nữ được chôn trong ngôi mộ cũng đã hàng trăm năm, sự thật này quả là khó tưởng tượng nổi.

Quách Phác từng nhậm chức Tá lang thời Tấn Nguyên Đế, ông ghi chú sự kiện này chỉ cách 50 năm sau khi Ngụy Quách Thái hậu qua đời, nên cũng không có gì phải nghi ngờ về tính chân thật của ghi chép ấy, hơn nữa Quách Phác còn là một người giỏi về chiêm bốc, thuật toán âm dương ngũ hành, tuyệt không phải là người tùy tiện biên tạo hư cấu. Ngoài ra, câu chuyện này cũng được tìm thấy trong Bác Vật Chí.

Mọi người hỏi cô về những chuyện xảy ra trước đây thì cô hoàn toàn không nhớ. (Ảnh miền công cộng)

Sự hồi sinh của tỳ nữ nhà họ Phạm và con gái nhỏ nhà họ Hề 
Trong Bác Vật Chí cũng có ghi chép về hai trường hợp chết đi sống lại. 

Hoắc Quang là một chính trị gia nổi tiếng vào giữa thời Tây Hán, là một trong những phụ chính đại thần nổi tiếng nhất, sánh ngang với Y Doãn đời nhà Thương, Chu Công đời nhà Chu, Gia Cát Lượng đời Thục Hán hay Trương Cư Chính đời nhà Minh. Hoắc Quang có người con rể tên là Phạm Hữu Minh. Sau khi Phạm Hữu Minh mất, một tỳ nữ được mai táng trong mộ phần của ông tình cờ được phát hiện ra là vẫn còn sống. Sau khi tỳ nữ sống lại, cô thường đi chu du khắp nơi, không ở cố định nơi nào cả.

Còn có nghĩa binh Hề Nùng Ân của Trung lang Tạ Chương Bộ do đại tướng, Đại Tư mã Tào Hưu thống lĩnh thời kỳ Tào Ngụy, ông có một cô con gái nhỏ bốn tuổi mắc bệnh chết, nhưng sau năm ngày thì sống lại và ăn uống sinh hoạt như bình thường.




Một tỳ nữ sống lại sau hàng chục năm
Trong Tấn Thư ghi chép, vào thời Tấn Huệ Đế, có một người tên là Đỗ Thang, trong nhà có người già qua đời. Trong quá trình chôn cất, một người hầu gái đi lạc vào khu mộ và không thể trở ra, đành phải ở trong ấy. 

Hơn mười năm sau, trong nhà lại có người già mất, Đỗ Thang đã mở khu mộ để hợp táng, thì bất ngờ phát hiện tỳ nữ ấy vẫn còn sống. Mọi người hỏi cô làm thế nào có thể sống qua trên 10 năm như thế, tỳ nữ nói, đầu tiên dường như chìm vào giấc ngủ, sau đó dần dần tỉnh lại, giống như trải qua một giấc ngủ mà thôi.

Người tỳ nữ lúc chôn cất chỉ mới 15 hoặc 16 tuổi, khi ra khỏi mộ, dung mạo của cô vẫn như cũ, hơn 10 năm rồi mà trên mặt không hề có chút vết nhăn. Về sau, cô ấy còn kết hôn và sinh con như bao người phụ nữ khác.

Đỗ Thang đã mở khu mộ để hợp táng, thì bất ngờ phát hiện tỳ nữ ấy vẫn còn sống. (Ảnh miền công cộng)

Vị hôn phu trở về, thiếu nữ hồi sinh
Vào năm Nguyên Khang đời Tấn Huệ Đế, ở nước Lương (nay là Hà Nam, Tuy Dương) có một thiếu nữ được hứa hôn với một chàng trai nọ, phía nhà gái cũng đã tiếp nhận lễ vật, chỉ còn chờ ngày xuất giá. Không ngờ, trước ngày hôn lễ, vị hôn phu được triệu tập đến bảo vệ Trường An, chàng đi nhiều năm mà không thấy trở về, bặt vô âm tín.

Cha mẹ cô gái đợi mãi mà không thấy tin tức của chàng trai nên muốn con gái mình cải giá, nhưng cô gái không nguyện ý, tìm mọi cách thoái thác và lẩn tránh. Tuy nhiên cuối cùng thì dưới sự ép buộc quá mạnh mẽ của cha mẹ, cô không thể không tái giá. Cô gái cũng vì chuyện này mà đau buồn khôn nguôi, nên cô ấy đã mắc bệnh qua đời không lâu sau khi kết hôn.

Rồi một hôm, sau bao tháng ngày đằng đẵng, cuối cùng thì vị hôn phu của cô gái cũng trở về, chàng hỏi thăm tình hình hôn thê của mình và được mọi người kể lại đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, vị hôn phu cảm thấy rất đau lòng, nên đã đến khóc thảm thiết trước mộ phần của vị hôn thê xấu số. Trong lúc quá bi ai, chàng trai đã đào xuống phần mộ và mở nắp quan tài, bỗng nhiên cô gái sống lại. Cả hai vừa vui mừng vừa ngạc nhiên quá đỗi, họ nắm tay nhau cùng trở về nhà.




Chẳng bao lâu, người chồng cũ của cô gái nghe được chuyện này, đã dâng cáo trạng lên quan phủ, yêu cầu nương tử của mình trở về nhà. Trước sự kiện kỳ lạ này, quan phủ đương nhiệm cũng không biết phân xử ra sao, càng khó đưa ra phán quyết cuối cùng, nên lại báo sự việc lên triều đình. Khi đó Vương Đạo nhậm chức Bí thư lang, sau này làm quan đến chức Tể tướng, đã kiến nghị rằng: “Đây là một chuyện hy hữu hiếm gặp, không thể chiểu theo lý thông thường mà nhận định, dù gì thì cô ấy đã xuất giá, nên quay về nhà chồng cũ mới thuận đạo.” Triều đình đã thi hành theo kiến nghị của Vương Đạo. Sự việc này được ghi chép lại trong Tấn Thư, trùng hợp với thời gian Tể tướng Vương Đạo đương quyền.

Còn có một số ghi chép khác
Vào tháng 12 năm Hàm Ninh thứ 2 thời Tấn Vũ Đế, trong Tấn Thư cũng có ghi chép, Nhan Kỳ là người ở Lang Gia (Lang Gia Vương thị) mắc bệnh qua đời. Sau một thời gian dài, những người trong nhà đều nằm mộng thấy Nhan Kỳ nói rằng: “Ta nay hồi sinh rồi, hãy mau mau mở nắp quan tài.” Thế là người nhà vội mở nắp quan khiêng ông ta ra. Vài ngày sau đó, Nhan Kỳ đã có thể ăn uống, có thể co duỗi người và nhìn được xung quanh nhưng không thể nói chuyện hay đi lại được. Hai năm sau thì thật sự qua đời.

Còn có một người khác là Đới Dương, người ở Trường thành Ngô Hưng, vào năm 12 tuổi mắc bệnh qua đời, nhưng đã sống lại sau 5 ngày.

Ngoài ra, căn cứ vào ghi chép trong Sưu Thần Ký của Can Bảo thời Đông Tấn, kể về một người tên là Hạ Vũ ở quận Cối Kê, tự là Ngạn Cư, trong lúc lâm trọng bệnh thì hôn mê bất tỉnh, chỉ có tim và đầu vẫn còn một chút ấm nóng. Hạ Vũ chết sau 3 ngày thì sống lại.

Theo Sơn Trai Khách Đàm của Cảnh Tinh Tiêu ở triều đại nhà Thanh chi chép, sau khi Cao Thừa Tước ở Phủ viện An Huy nhà Thanh bãi quan, con gái của ông đột nhiên mắc bệnh qua đời, và được chôn cất ở biệt trang Thông Châu. Một người hầu canh gác ở nghĩa trang biết rằng có rất nhiều vật phẩm quý giá phong phú được an táng cùng nên đã mở nắp quan để trộm. Tuy nhiên, khi hắn nhìn thấy Cao tiểu thư dung mạo xinh đẹp, thân thể vẫn còn ấm nóng, mềm mại, không giống như dáng vẻ của người đã chết nên cũng nảy sinh tà niệm. Nhưng khi ấy Cao tiểu thư bất ngờ mở mắt tỉnh lại, nắm chặt tên trộm khiến hắn sợ phát khiếp và bỏ chạy. Cao tiểu thư không tha thứ, cô đã đuổi theo hắn hơn 25 dặm, sau cùng thì may mắn gặp quan binh đang đi tuần tra giúp đỡ nên tóm được hắn. Cuối cùng thì tên trộm đã bị xử tử.

Phụ thân Cao Thừa Tước và anh trai Cao Kỳ Bội của Cao tiểu thư đều là công thần có danh tiếng trong triều Thanh, Cao Kỳ Bội từng đảm nhận trọng trách bảo vệ Chiết Giang, còn là một nam tử hán tài hoa.

Nói một chút về kẻ trộm mộ ấy, hắn đại diện cho kiểu người thấy mới tin, không thấy thì không tin, không sợ Trời cũng chẳng kính đất, nên chuyện xấu gì cũng dám làm. Xét ra thì những người ấy là đáng thương nhất, bởi trong vô tri vô giác mà tạo biết bao tội nghiệp, kết cục chờ đợi cũng thật bi thảm, bị xử tội chết trên thế gian chỉ là bề mặt, mà sự đày đọa vĩnh viễn của sinh mệnh nơi địa ngục mới là thống khổ kinh hoàng nhất.

Người chết sống lại, rốt cuộc thì đó là chuyện như thế nào, theo sử sách ghi chép khá rõ ràng thì đây không phải là chuyện thêu dệt hay cổ tích nghìn lẻ một đêm, đến nay điều kỳ lạ này vẫn là bí ẩn của nhân loại, khoa học hiện đại càng không thể nào lý giải nổi. Nhưng đối với tín ngưỡng nhân gian, với văn hóa truyền thống, với những người sống có hàm dưỡng, người mà thật sự kính ngưỡng Trời đất, trong tâm tin tưởng có sự tồn tại của Phật, Đạo, Thần… thì vấn đề này không phải là điều gì đó quá kỳ lạ huyền bí không thể giải thích. 


Theo Epoch Times

Tài liệu tham khảo:

Bác Vật Chí

Tấn Thư, Ngũ Hành Chí. Đới Dương truyện

Sưu Thần Ký

Sơn Trai Khách Đàm
Nguồn: NTDVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *