Ngôi làng Bát Quái của hậu duệ Gia Cát Lượng, bài trí theo kiểu này thì chỉ có “cao nhân” mới dám ra vào

Tới làng Bát Quái Gia Cát ở Trung Quốc, bạn sẽ ngỡ như lạc giữa mê cung, không tìm thấy đường ra. Được thiết kế theo bát quái đồ của Gia Cát Lượng, “Trung Quốc đệ nhất kỳ thôn” này “thách thức” những vị du khách tới đây du lịch.

Nhiều người còn không dám bước vào khám phá ngôi làng cổ hơn 600 năm này.

Làng hậu duệ của Gia Cát Lượng.(Ảnh Bestie)

Ở Trung Quốc, có rất nhiều ngôi làng được xây dựng theo nguyên lý âm-dương và thái-cực, sử dụng bố cục Bát trận đồ. Những địa điểm này thường thu hút nhiều du khách bởi sự huyền bí và cách bài trí tinh tế được lưu truyền qua nhiều thời đại. Trong đó có một ngôi làng cổ được mệnh danh là “Trung Quốc đệ nhất kỳ thôn”, có thiết kế như một mê cung kỳ bí, dễ vào khó ra, không nhiều người dám bước vào khám phá nếu không có người thông thuộc trong thôn dẫn đường.

Làng Bát Quái Gia Cát trước có tên là làng Cao Long, được lập nên từ năm 1340, nằm ở phía tây thành phố Lan Khê, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Theo ghi chép lại, đây là nơi định cư của hậu duệ đời thứ 27 của Gia Cát Lượng.

Bố cục xảo diệu, có một không hai

Cũng chính vì vậy, cấu trúc tổng thể của làng được thiết kế và bài trí theo “Bát trạch” của Khổng Minh Gia Cát Lượng. Theo đó, người ta lấy ao Chung Trì làm trung tâm, tám con ngõ nhỏ hướng về tám hướng tạo thành bát quái. Những con ngõ trong làng có nhiều khúc quanh, thoạt nhìn như bức tranh 3D tinh tế và bí ẩn.

Địa hình của làng Gia Cát khá giống lòng chảo, ở giữa thấp và bằng phẳng, xung quanh cao dần lên. Nước chảy từ mọi hướng và tụ lại ở khu vực trung tâm ngôi làng, tạo thành một cái ao. Ao Chung Trì không lớn, có hình dáng giống Thái cực trong Cửu Cung và Bát quái đồ.

Khu vực trung tâm của Cao Long thôn là ao nước tươi mát, trong xanh. – Ảnh: Imgur

Một nửa là nước, nửa còn lại là đất, thể hiện tính bù trừ hòa hợp. Đây được coi là nơi khởi đầu cho Bát trận đồ, đồng thời cũng là điểm đặc biệt của Gia Cát Bát Quái. Dù đã trăm năm trôi qua, thiên hạ thịnh suy, nhà cửa ngày càng nhiều nhưng bố cục tổng thể của Cửu cung và Bát đồ của làng Gia Cát vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, không thay đổi.

Chính vì cấu trúc như một mê cung quanh co, phức tạp nên người ngoài thường truyền tai nhau rằng làng Gia Cát dễ vào khó ra. – Ảnh: Internet

Trong làng cũng có nhiều ngõ hẹp nối nhau theo chiều ngang, trong ngõ có hàng nghìn hộ dân, nhiều ngôi nhà cổ kính nằm rải rác giữa các ngõ ngách. Các con hẻm gần ao trung tâm lúc đầu tương đối thẳng, sau đó dần gấp khúc và mở rộng ra bên ngoài.

Tính năng phòng vệ đặc biệt của bố cục bát quái

Chính vì cấu trúc như một mê cung quanh co, phức tạp nên người ngoài thường truyền tai nhau rằng làng Gia Cát dễ vào khó ra, người không quen thuộc bị lạc đường là chuyện khó tránh. Chưa hết, làng Bát Quái Gia Cát không chỉ mang cấu trúc độc đáo mà còn là một phòng tuyến quân sự vững chắc.

Trong Chiến tranh chống Nhật của nhân dân Trung Quốc, một nhóm quân đội Nhật càn quét qua ngọn đồi Cao Long, chiếm đánh các thôn xung quanh làng Gia Cát. Song điều kỳ lạ là nhóm quân đội này không hề phát hiện ra ngôi làng.

Toàn cảnh làng Bát Quái khi nhìn từ trên cao. Ảnh Ntdtv

Chỉ có một vài người lính Nhật không tin vào ma quỷ đến khu vực lân cận Làng Gia Cát trong cuộc truy quét, nhưng họ cuối cùng đều bỏ đi mà không tìm ra được gì. Mặc kệ thế giới bên ngoài đảo lộn ra sao, thôn nhỏ vẫn đứng vững, như chưa từng bị quấy rầy, người dân nơi đây không bị một chút tổn thất nào.

Lại có một câu chuyện khác, xưa kia có một nhóm đạo tặc xông vào làng tấn công nhà dân và cướp bóc. Chúng chạy ra khỏi con đường trông giống như đường thông nhưng chạy mãi thì lại vào ngõ cụt. Cuối cùng do không tìm được lối ra nên đành phải đầu hàng, giơ tay chịu trói. Đó chính nhờ bố cục “trận đồ” – một cảnh giới trí tuệ siêu việt của vị Tướng quốc lừng danh sống cách đây hơn 1700 năm: Gia Cát Lượng.

Những điểm đặc biệt của làng Gia Cát

Làng Gia Cát là nơi tụ họp lớn nhất của con cháu Gia Cát Lượng, phần lớn các hộ trong thôn đều mang họ Gia Cát. Toàn bộ ngôi làng là một di tích văn hóa sống khổng lồ, một hình mẫu của sự bảo tồn hoàn chỉnh các kiến trúc cổ của Trung Quốc. Khi đến ngôi làng kỳ lạ này, chỉ cần nhắm mắt và chỉ ngẫu nhiên, bạn cũng sẽ chỉ ra ra được một ngôi nhà có tuổi đời hơn trăm năm.

Cảnh quan của làng rất đa dạng và mỹ lệ, bao gồm hàng dãy nhà cổ kính và một trung tâm thương mại cổ kính được xây dựng xung quanh một cái ao, cả làng đã tạo thành một tổng thể thống nhất và phong phú.

Cảnh quan của làng rất đa dạng và mỹ lệ, bao gồm hàng dãy nhà cổ kính. – Ảnh: cafef.vn

Với tính năng phòng vệ mạnh mẽ, Gia Cát kỳ thôn như một viện bảo tàng sống, bảo tồn nguyên vẹn rất nhiều văn vật và kiến trúc cổ của ba triều đại Nguyên – Minh – Thanh. Có hơn 200 ngôi nhà và các kiến trúc cổ được bảo tồn rất tốt trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, bao gồm 18 hội trường lớn nhỏ, bốn ngôi đền và ba mái vòm bằng đá.

Kiến trúc nhà hai tầng thời nhà Minh (ảnh 19lou).

Ngoài ra, giống với bố cục lòng chảo của thôn, người dân ở Gia Cát trấn chủ yếu áp dụng phương thức tứ hợp viện để xây dựng nhà cửa, tức là bốn mặt nhà đóng kín, chỉ để ở giữa một khoảng sân lớn. Mặt trước của ngôi nhà thường cao hơn các mặt khác, mỗi khi trời mưa nước tập trung hết ở khoảng sân ở giữa. Người làng Bát Quái gọi đây là “phì thủy bất ngoại lưu” (dòng nước trong lành, tươi tốt không chảy ra ngoài), sẽ mang đến may mắn và thịnh vượng cho gia đình.

Phong tục tập quán tốt đẹp nhờ thiết kế đặc biệt

Theo một thống kê trong Hội thảo về Gia Cát Lượng lần thứ 7, có khoảng 16.000 hậu duệ của Gia Cát Lượng ở Trung Quốc. Trong đó, một phần tư (khoảng 4.000 người) sống tập trung tại Gia Cát trấn. Trải qua thời gian, cộng đồng dân cư này cũng hình thành một lối sống rất độc đáo, khác biệt với thế giới bên ngoài. Đó là lối sống bình dị, chân thật nhưng cũng đầy thú vị.

Trong những con ngõ nhỏ, các ngôi nhà không được xây đối diện nhau mà tất cả đều được đan xen so le theo lối “môn không đăng, hộ không đối”.

Điều này được lý giải bởi theo quan niệm của người dân ở đây, nếu hai nhà “cổng đối cổng”, ngày ngày mọi người trong gia đình ra vào, qua lại nhiều quá dễ dẫn đến mâu thuẫn không đáng có. Vì vậy, nếu xây nhà theo lối đan xen thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Cách bài trí tinh vi “môn không đăng, hậu không đối” của những ngôi nhà Gia Cát (ảnh tourtrungquoc).

Nhà nhà san sát nhau, nhưng mỗi gia đình đều có được không gian sinh hoạt riêng tư. Không chạm mặt thường xuyên cũng khiến người dân giữ lễ nghĩa với nhau như khách đường xa. Tình làng nghĩa xóm vì thế mà thêm phần tốt đẹp.

Có lẽ chỉ có hậu duệ của chính trị gia, nhà chỉ huy quân sự tài hoa Gia Cát Lượng mới có thể nghĩ ra phương pháp giữ mối quan hệ tốt đẹp hiệu quả mà lại vô cùng đơn giản như vậy.


Cuộc sống ở làng cổ Bát Quái Gia Cát vô cùng thanh bình, không khí trong lành và cảnh quan xanh mát. Đây chính là không gian lý tưởng để du khách nghỉ dưỡng sau những ngày làm việc căng thẳng. Đã có rất nhiều khách du lịch nước ngoài tìm đến đây để được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên và tự trải nghiệm cấu trúc độc đáo của ngôi làng.

Thả bước dạo quanh trong những con hẻm với bầu không khí tràn đầy sức sống này, thời gian như trôi chậm lại. Những bức tường loang lổ, những phiến đá rêu phong, những cây cột cũ kỹ, theo năm tháng đã để lại vài vết tích sâu có, nông có. Một cái ao cong phản chiếu các tòa nhà thanh lịch, nơi lưu dấu dòng chảy lịch sử.

Nguồn: VDH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *