Ngôi đền Ai Cập cổ đại tiết lộ những chòm sao chưa từng được biết

Theo thông tin từ các chuyên gia đến từ Đức và Ai Cập, việc trùng tu một ngôi đền Ai Cập cổ đại đầy bồ hóng đã tiết lộ tên của các chòm sao Ai Cập cổ đại trước đây chưa từng được biết đến.

Việc trùng tu cũng đã phát hiện ra màu sắc nguyên bản tuyệt đẹp mà người Ai Cập cổ đại đã sử dụng để vẽ nên ngôi đền 2.000 năm tuổi.

Khi các công nhân ở Ai Cập loại bỏ bồ hóng và bụi bẩn khỏi ngôi đền, các bức chạm khắc và chữ tượng hình nguyên bản bên dưới trở nên sống động đến mức trông như mới được vẽ ngày hôm qua, giáo sư Christian Leitz, trưởng dự án cho biết.

Hình ảnh mô tả của người Ai Cập cổ đại về chòm sao Bắc Đẩu, được nhìn thấy ở đây với hình dạng chân của một con bò đực.




Đáng chú ý, trong quá trình khai quật, các nhà nghiên cứu đã làm sạch các cảnh chạm khắc cổ đại mô tả các chòm sao, bao gồm cả chòm sao Bắc Đẩu và Thợ Săn. Họ cũng tìm thấy những chữ khắc về các chòm sao chưa từng được biết đến trước đây, bao gồm một chòm sao được gọi là “Apedu n Ra”, vị thần Mặt trời của Ai Cập cổ đại.

Tuy nhiên, nếu không có hình ảnh kèm theo những mô tả này, không có cách nào để biết chúng mô tả những ngôi sao nào trên bầu trời đêm.

Mô tả hiện đại đầu tiên về ngôi đền, được gọi là Đền Esna, có từ năm 1589, khi một thương nhân người Venice đến thăm Ai Cập. Thị trấn Esna, cách khoảng 60km về phía nam của thủ đô cổ xưa của Luxor, đã từng có nhiều ngôi đền. Tuy nhiên, sau thời gian dài bị lãng quên khiến ngôi đền trở nên bẩn thỉu, phủ đầy bồ hóng và phân chim.

Ngày nay còn có thể thấy cấu trúc bằng đá sa thạch lớn với 24 cột và 18 cột đứng tự do được trang trí bằng các bức tranh khắc vẽ thực vật. Nó có kích thước 37 x 20 x 15 mét.


Leitz cho biết, việc xây dựng và trang trí ngôi đền, bao gồm các thiết kế mô tả thiên văn trên trần nhà, có thể mất đến 200 năm.




Trong lần trùng tu gần đây nhất, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những chữ khắc mới, bao gồm cả những chữ khắc của các chòm sao chưa biết.

Leitz lưu ý rằng khi người Ai Cập cổ đại trang trí ngôi đền, đầu tiên họ sẽ vẽ thiết kế bằng mực đen, sau đó nhờ một nghệ nhân chạm khắc phù điêu và sau đó để một họa sĩ vẽ phù điêu. Trên trần ngôi đền, nhiều chữ khắc được vẽ bằng mực, nhưng không được chạm khắc hay sơn.

“Trước đây chúng không bị phát hiện dưới lớp bồ hóng và hiện đang được phơi bày từng mảnh”, Leitz cho biết thêm.

Dự án bắt đầu vào năm 2018, là sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Cận Đông Cổ đại (IANES) tại Đại học Tübingen với Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập.
Nguồn: Dantri

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *