Ngoài ấn vàng, bảo vật nào tượng trưng cho quyền lực của vua triều Nguyễn?

Theo “Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn”, ấn vàng (hay còn gọi là kim bảo) là vật biểu tượng cho quyền lực tối cao của vua, trọng khí quốc gia.

Ấn “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn đang đấu giá với mức khởi điểm 2-3 triệu Euro. Ảnh: MILLON

Ngày 30.8.1945, ngay sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, tại tầng 2 lầu Ngũ Phụng trên nền đài Ngọ Môn trước Đại Nội Huế đã diễn ra nghi thức trao ấn kiếm thoái vị của vua Bảo Đại cho phái đoàn đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Tháng 12.1946, bắt đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ sưu tập bảo vật này được di tản đi bảo quản, cất giữ ở Liên khu 5. Trải qua 9 năm kháng chiến với vô vàn khó khăn gian khổ, nhưng số bảo vật này vẫn được giữ đầy đủ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, sưu tập được đưa về Bộ Tài chính quản lý và đến cuối năm 1959, Bộ Tài chính bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) lưu giữ.

Trong số đó, những bảo vật tượng trưng cho quyền lực của nhà vua được chế khắc tinh xảo, làm từ chất liệu hiếm.

Kim bảo, ngọc tỷ

Biểu trưng cho quyền lực tối cao của các vua và vương triều Nguyễn là các loại ấn. Ấn làm từ vàng, bạc gọi là kim bảo. Ấn làm bằng ngọc gọi là ngọc tỷ.

Kim bảo, ngọc tỷ được coi là trọng khí của quốc gia, là vật bảo chứng cho sự hiện diện của và xác nhận ý chí, mệnh lệnh của các hoàng đế. Hiện trong sưu tập bảo vật triều Nguyễn ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn giữ được 85 kim bảo, ngọc tỷ.

Mỗi loại kim bảo, ngọc tỷ được dùng cho một hoặc vài loại văn thư được chỉ định. Ngoài kim bảo và ngọc tỷ, bảo kiếm cũng là vật biểu trưng quyền lực của các hoàng đế triều Nguyễn.

Trong đó, chiếc ấn sắp được MILLON đấu giá vào ngày 31.10 tới là kim bảo “Hoàng đế chi bảo” – được cho là kim bảo lớn nhất, đẹp nhất và quý nhất của nhà Nguyễn. Ấn này đúc bằng vàng ròng vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4.

Ấn “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” dùng cho những bản sắc mệnh ban cho các nước chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ. Ấn được làm năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), là ngọc tỷ quý và lớn nhất trong số các ngọc tỷ của nhà Nguyễn. Ảnh: BT

Bảo kiếm

Ngoài kim bảo và ngọc tỷ, vật biểu trưng quyền lực của các hoàng đế triều Nguyễn còn có bảo kiếm. Dưới chế độ quân chủ, ấn kiếm thường là những vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của vua chúa. 

Đáng chú ý nhất là thanh An dân bảo kiếm niên hiệu Khải Định có chuôi vàng nạm đá quý, vỏ đồi mồi bọc vàng.




Thanh kiếm An dân bảo kiếm (trái) là bảo vật quý, có giá trị mà bảo tàng lịch sử lưu giữ. Ngoài ra, các thanh kiếm khác có chuôi bọc ngọc vàng hoặc chuôi ngà. Ảnh: BT

Kim sách

Kim sách là một loại thư tịch cổ đặc biệt, dùng để ghi lại sắc mệnh, chiếu dụ vua ban về các việc chính sự, lễ nghi triều đình.

Kim sách Đế hệ thi chép 20 chữ bộ Nhật và bài ngự chế Đế hệ thi do hoàng đế Minh Mệnh ban năm 1823, dùng tới 13 tờ vàng. Với bài ngự chế này, vua Minh Mệnh mong muốn thế hệ sau truyền nối ngôi vua tới 20 đời, được 500 năm, nhưng cuối cùng chỉ dừng lại ở chữ Vĩnh, tức đời thứ 5, do 11 vua nối tiếp thuộc cả chi khác hoặc thế hệ trước.




Đế hệ thi được đúc bằng vàng vào tháng Giêng, niên hiệu Minh Mệnh thứ 4, 1823. Ảnh: BT

Kim sách bằng vàng chế tác năm Gia Long thứ nhất (1802). Hoàng đế Gia Long ca tụng công đức và tấn tôn thân mẫu là quốc mẫu vương thái phi Nguyễn Thị Hoàn làm vương thái hậu. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Mũ bình thiên

Mũ miện của các vua triều Nguyễn được gọi là mũ bình thiên. Vua đội mũ bình thiên vào dịp tế Trời – Đất hàng năm ở đàn Nam Giao để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình.


Gọi là mũ bình thiên vì đỉnh mũ là một mặt phẳng hình chữ nhật, trước và sau mũ mỗi phía kết 12 tua hạt ngọc lẫn hạt vàng, tượng trưng cho 12 tháng. Ngoài ra, mỗi bông hoa, hình mặt trời bằng vàng gắn trang trí trên mũ đều được tô điểm thêm bằng cách cẩn ngọc hoặc đá quý, san hô, kim sa.

Mũ thượng triều được nhà vua sử dụng mỗi khi thiết triều, giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia, thực hiện các nghi lễ khánh tiết của nhà nước, hoặc yết kiến sứ giả các nước bang giao, thực hiện các nghi lễ tế tôn miếu, tổ tông. Ảnh: BT

Nguồn: LD

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *