Nghiên cứu: Người hiện đại xuất hiện ở châu Phi sớm hơn 30.000 năm so với hiểu biết trước đây

Một vụ phun trào núi lửa lớn làm rung chuyển Ethiopia hàng trăm nghìn năm trước đã tiết lộ những hóa thạch lâu đời nhất của người hiện đại (Homo sapien) được tìm thấy ở miền đông châu Phi có niên đại sớm hơn nhiều so với các ước tính trước đây.

Ảnh mô tả về người hiện đại 15.000 năm trước tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở New York. (Ảnh: Flickr/Neil R)

Vào cuối những năm 1960, các nhà khoa học đã phát hiện ra di tích của người hiện đại trong Thành hệ Omo Kibish ở tây nam Ethiopia, một khu vực có hoạt động núi lửa cao với nhiều di cốt và hiện vật cổ xưa của con người.

Những di cốt – được gọi là Omo I – là các ví dụ lâu đời nhất được biết đến về hóa thạch người hiện đại, và các nhà khảo cổ đã cố gắng xác định tuổi chính xác của những di cốt kể từ khi họ phát hiện ra chúng. Những nghiên cứu trước đó cho thấy các hóa thạch có niên đại gần 200.000 năm tuổi.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới do Đại học Cambridge thực hiện đã xác định những di tích này có trước một vụ phun trào núi lửa khổng lồ xảy ra trong khu vực vào khoảng 230.000 năm trước.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra chênh lệch về niên đại kể trên bằng cách phân tích “dấu vân tay hóa học” của các lớp tro núi lửa bên trên và bên dưới lớp trầm tích có các hóa thạch người hiện đại được tìm thấy.

Để xác định niên đại của các di tích núi lửa, các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu đá bọt từ trầm tích núi lửa và nghiền chúng đến kích thước dưới milimét.

“Mỗi vụ phun trào đều có dấu vân tay của riêng nó – câu chuyện tiến hóa của chính nó bên dưới bề mặt được xác định bởi dòng chảy magma”, Céline Vidal, nhà nghiên cứu thuộc Khoa Địa lý của Cambridge và là tác giả chính của bài báo, cho biết trong một thông cáo báo chí.

Vidal cho biết: “Khi bạn đã nghiền nát đá, bạn giải phóng các khoáng chất bên trong và sau đó bạn có thể xác định niên đại của chúng và xác định dấu hiệu hóa học của thủy tinh núi lửa, thứ gắn kết các khoáng chất lại với nhau”.

Một phân tích địa hóa đã cho thấy mối liên hệ giữa “dấu vân tay” của lớp tro bụi với vụ phun trào của núi lửa Shala cách đó khoảng 248 dặm (400 km).

Để tìm hiểu xem vụ phun trào Shala đã diễn ra cách đây bao lâu, một nhóm nghiên cứu khác ở Glasgow đã đo tuổi của những viên đá và thông báo cho các nhà nghiên cứu Cambridge rằng nó xảy ra cách đây khoảng 230.000 năm.


Bởi vì các di cốt Omo I được tìm thấy bên dưới lớp tro bụi núi lửa, các nhà nghiên cứu xác định rằng chúng phải có niên đại ít nhất 230.000 năm tuổi.

Vidal nói: “Khi tôi nhận được kết quả và phát hiện ra rằng những hóa thạch người hiện đại lâu đời nhất trong khu vực có độ tuổi lớn hơn so với những gì tôi đã nghĩ trước đây, tôi thực sự rất vui mừng”.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.

Bằng chứng lâu đời nhất được biết đến về giải phẫu người hiện đại là các hóa thạch được tìm thấy tại Jebel Irhoud, Maroc, có niên đại khoảng 360.000 năm trước. Tuy nhiên, có một số cuộc tranh luận cho rằng chúng thuộc về một chủng người có quan hệ họ hàng gần chứ không phải người hiện đại.

Nguồn: NTDVN 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *