Ngày tận thế và sự kiện Đại Thẩm Phán trong hội họa thời kỳ Phục Hưng

Là một sự kiện được miêu tả trong khắp các tác phẩm của thời kỳ Phục Hưng, sự kiện Đại Thẩm Phán – ngày tận thế có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tín ngưỡng Cơ đốc giáo. Đây cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho các danh họa Phục Hưng, từ Fra Angelico, Hieronymus Bosch, cho đến Michelangelo.

Một phần bức tranh “Đại Thẩm Phán” của danh họa Fra Angelico. (Ảnh: Pinterest)

Niềm tin về Đại Thẩm Phán
Nói đến Đại Thẩm Phán thì không thể không nhắc tới ngày tận thế. Đây là một chủ đề được bàn tới trong rất nhiều tín ngưỡng khác nhau. Nó không chỉ xuất hiện trong Cơ đốc giáo, mà còn hiện hữu trong Do Thái giáo, Phật giáo, Đạo giáo, cùng nhiều tôn giáo khác.

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng: Ngày tận thế và sự kiện Đại Thẩm Phán

Mái vòm kể về sự kiện Đại Thẩm Phấn tại Nhà thờ lớn Florence (Cattedrale di Santa Maria del Fiore) (Ảnh: Wikipedia)




Tận thế trong niềm tin của nhân loại thường xoay quanh sự sa ngã của đạo đức con người, sự xa rời tín ngưỡng chân chính vào Thần Phật, khiến Thần Phật không còn bảo hộ nhân loại, và các thảm họa mang tính hủy diệt nối tiếp nhau ập đến. Tuy nhiên, các tín ngưỡng cũng tin rằng, vào thời khắc cuối cùng nhất, Chư Thần sẽ lại xuất hiện để mang đi những linh hồn vẫn còn có thể cứu vớt…
Công giáo (nhánh Cơ đốc giáo lớn nhất thế giới) tin rằng, vào thời khắc Đại Thẩm Phán, những linh hồn đã tới Thiên đàng sẽ quay lại, những linh hồn dưới Địa ngục sẽ sống dậy trong thân xác thịt, và cùng với những con người đang sống, tất cả sẽ tiếp nhận thẩm phán một cách công bình nhất từ Thiên Chúa. Sự thật sẽ được khai mở cho tất cả những ai đã từng sống trên nhân thế. Những người tin vào Thiên Chúa, cùng với những người tốt không tự biết mà phù hợp với sự dạy bảo của Thiên Chúa sẽ lên Thiên đàng; còn những kẻ xấu đi ngược lại với Thiên thượng sẽ phải xuống Địa ngục.

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng: Ngày tận thế và sự kiện Đại Thẩm Phán

Bức “Đại Thẩm Phán” (1305-1306) của Giotto tại nhà nguyện Scrovegni, Padua (Ảnh: Wikipedia)




Còn Chính thống giáo Đông phương (nhánh Cơ đốc giáo lớn thứ hai thế giới) thì tin rằng, sau khi chết đi, một linh hồn sẽ tiếp nhận thẩm phán lần thứ nhất, quyết định xem người đó sẽ tạm thời ở trên Thiên đàng hay xuống Địa ngục. Và các linh hồn sẽ đợi ở đó cho đến tận thế, khi Thiên Chúa phán xét tất cả các linh hồn. Đối với những người tốt không tin vào Cơ đốc giáo, Chính thống giáo Đông phương nhìn nhận rằng số phận của họ là chưa xác định, và phụ thuộc vào sự định đoạt của Chư thần.

Trong kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu về Đại Thẩm Phán xoay quanh bức họa “Đại Thẩm Phán” (trong khoảng 1425-1431) của danh họa Fra Angelico.

“Đại Thẩm Phán” của Fra Angelico
Fra Angelico (1395-1455) có tên thật là Guido di Pietro. Ông là một danh họa vào đầu thời kỳ Phục Hưng, được đánh giá như một tài năng hiếm có và hoàn hảo, bởi vì ông vừa là một linh mục thành kính, vừa là một nghệ thuật gia. Chính vì thế, những bức tranh của ông mang theo lòng mộ đạo, sự an lành và đức tin thần thánh. Ông được phong Chân phước (Á Thánh) vào năm 1982 với danh hiệu Fra Angelico hay “thầy dòng thiên thần”.




Cũng như hầu hết các tác phẩm “Đại Thẩm Phán” khác, bức họa của Fra Angelico miêu tả Thiên Chúa nằm ở vị trí trung tâm của bức tranh, thu hút ánh mắt của người xem vì Ngài chính là vị Thần tối cao sẽ phán xử nhân loại. Ngài ngồi trên một chiếc ngai màu trắng, như trong sách Khải Huyền mô tả. Là vị Thần thẩm phán linh hồn, Ngài một tay nâng lên trên, tượng trưng cho Thiên đàng, một tay hướng xuống dưới, tượng trưng cho Địa ngục. Bên trái Ngài (nhìn từ phía người xem) là Đức mẹ Mary, bên phải là Thánh John. Chư Thần trên Thiên thượng đều chờ xem sự thẩm phán của Thiên Chúa.

Bên trái bức tranh là hình ảnh linh hồn đang được dẫn vào một cánh cửa toàn ánh sáng, tượng trưng cho cổng vào của Thiên đàng. Trong Thiên đàng là một khu vườn với các Thiên thần đang nắm tay nhau ca hát, chính là vườn Địa đàng, nơi Adam và Eve đã từng sinh sống trước khi bị trục xuất vì ăn trái cây Trí tuệ.

Bên phải bức tranh là hình ảnh các linh hồn đang chịu cực hình trong Địa ngục. Họ bị lửa thiêu, bị rắn cắn, bị ma quỷ hành hạ, bị đun trong vạc dầu. Họ cắn xé lẫn nhau và cắn xé người khác. Và ở tầng Địa ngục cuối cùng, quỷ Satan đang nhai nuốt các linh hồn tội lỗi.

Sự trừng phạt dưới Địa ngục




Ở giữa bức tranh là những ngôi mộ bật mở, chia đôi hai nhóm linh hồn. Hình ảnh các ngôi mộ bật mở là ứng với sự miêu tả về Đại Thẩm Phán, rằng vào ngày tận thế, tất cả những kẻ từng tồn tại trên Trái đất đều sẽ trở về trong thân xác thịt để chịu thẩm phán, dù kẻ đó đã lên Thiên đàng, xuống Địa ngục hay vẫn còn đang sống.

Bên trái những ngôi mộ bật mở là các linh hồn tuân theo lời dạy của Chư Thần mà bảo tồn đạo đức chân chính của nhân loại. Những linh hồn với vòng hào quang quanh đầu này đang bày tỏ niềm hân hoan trước sự xuất hiện của Thiên Chúa.

Những linh hồn với vòng hào quang quanh đầu này đang bày tỏ niềm hân hoan trước sự xuất hiện của Thiên Chúa.




Bên phải các ngôi mộ là những kẻ đi ngược lại với lời dạy bảo của Thần linh. Và trong đó, người xem thấy có cả các vị vua, các linh mục, và thậm chí là cả một vị Giáo hoàng.

Đứng giữa nhóm người bên phải là một vị Giáo hoàng đang đưa tay che mặt, thể hiện sự xấu hổ vì phải xuống Địa ngục, dù là kẻ đứng đầu tôn giáo.

Điều này đã nói lên rằng, ở vào thời của Fra Angelico, những tín đồ Cơ đốc luôn tin rằng những việc làm duy hộ tôn giáo, kể cả ở chức vị tôn giáo cao nhất là Giáo hoàng, đều không phải điều mà Chư Thần mong muốn ở con người. Điều chân chính khiến con người được cứu chính là việc tuân theo và thực hành những giá trị được Thiên thượng truyền xuống. Đây cũng không phải là điều gì quá xa lạ trong các tín ngưỡng của nhân loại. Phật giáo có giảng là làm những việc hữu vi (có thể hiểu là việc bề mặt) như xây chùa đúc tượng mà không chân thực thay đổi bản thân (tu), thì có làm nhiều nữa cũng không thành chính quả.




(Ảnh: Wikipedia) (Bấm vào để xem cỡ lớn)

Một bức “Đại Thẩm Phán” khác của Fra Angelico được lưu giữ tại phòng trưng bày Gemäldegalerie, Berlin. (Ảnh: Wikipedia)

Bức “Đại Thẩm Phán” được Fra Angelico hoàn thành vào khoảng năm 1425 đến 1431. Lúc đầu, nó được đặt tại nhà thờ Santa Maria degli Angeli, và hiện đang được lưu giữ ở bảo tàng San Marco, Florence. Bên cạnh bức “Đại Thẩm Phán” này, Fra Angelico còn thực hiện một bức vẽ tương tự vào năm 1450. Tác phẩm này hiện đang được lưu giữ tại phòng trưng bày Gemäldegalerie, Berlin.

Đề tài Đại Thẩm Phán
Những bức tranh về “Đại Thẩm Phán” thời kỳ Phục Hưng cũng thay đổi dần theo thời gian. Các tác phẩm vào thời kỳ đầu mang trong mình một sự thần thánh và tôn nghiêm. Thiên Chúa toàn năng, Thiên thần kính cẩn, và những linh hồn trên Thiên đàng mang theo sự an lành, kể cả khi đó là ngày tận thế. Trong khi đó, chỉ có những kẻ phải xuống Địa ngục mới xuất hiện trần truồng và đầy đau khổ trong sự tra tấn của quỷ dữ.

Tuy nhiên, càng về sau này, đề tài “Đại Thẩm Phán” càng có vẻ trần tục hơn, tập trung vào sự bại hoại của đạo đức hơn là sự thần thánh của Thiên thượng. Người ta có thể dễ dàng thấy được điều đó trong các tác phẩm từ Hieronymus Bosch cho đến Michelangelo.

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng kỳ I: Nhà nguyện Sistine và bức “Chúa trời tạo ra Adam”




Bức “Đại Thẩm Phán” của Michelangelo tại nhà nguyện Sistine (Ảnh: Wikipedia)

Bức “Đại Thẩm Phán” nổi tiếng nhất thế giới nằm trong nhà nguyện Sistine tại Rome và thuộc về danh họa Michelangelo. Mặc dù là bức họa nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, nhưng vào thời mới hoàn thành, nó đã gặp phải nhiều chỉ trích. Thời đó, người ta cho rằng Michelangelo đã quá theo đuổi cái gọi là thẩm mỹ nghệ thuật của ông, mà bỏ qua những khía cạnh đạo đức trong việc vẽ bức họa dành cho một nhà nguyện.




Trong tác phẩm “Đại Thẩm Phán” nguyên gốc của Michelangelo đã xuất hiện rất nhiều hình ảnh khỏa thân quá mức, lộ cả những phần kín đáo của cơ thể, kể cả đàn ông lẫn phụ nữ, kể cả nam Thần lẫn nữ Thần. Người phụ trách nghi lễ của Giáo hoàng, Biagio da Cesena, đã phải thốt lên rằng: “Thật bất kính khi tại một địa điểm thần thánh lại xuất hiện những hình ảnh khỏa thân, phơi bày cơ thể một cách trần trụi…” Có lẽ đó cũng chính là nguyên nhân mà tác phẩm của Michelangelo đã được sửa lại bởi Daniele da Volterra, thêm quần áo cho những chi tiết quá trần tục, ngay sau khi Michelangelo qua đời.

Có thể thấy rằng, càng về cuối thời kỳ Phục Hưng, các bức tranh càng có xu hướng theo đuổi nghệ thuật quá mức, mà quên đi vẻ đẹp thánh thiện trong việc ngợi ca Chư Thần. Điều đó cũng khiến cho những tác phẩm “Đại Thẩm Phán” sau này dù kỳ công và tâm huyết hơn, nhưng lại thiếu đi cảm giác an lành và thuần khiết.

Đại Thẩm Phán và Cứu Thế Chủ
Đi cùng với sự kiện “Đại Thẩm Phán” là truyền thuyết về Cứu Thế Chủ – vị Thần sẽ phán xét tất cả các linh hồn vào ngày tận thế. Các tín ngưỡng gọi Ngài là Cứu Thế Chủ, bởi vì Ngài không chỉ là người sẽ phân định sự diệt vong hay cứu rỗi cuối cùng của linh hồn, mà còn là người sẽ khiến thế giới khôi phục lại và trở nên toàn vẹn hơn, mở đầu cho một kỷ nguyên mới của vũ trụ.




Cơ đốc giáo cho rằng, Cứu Thế Chủ sẽ xuất hiện dưới hình tượng của Chúa Jesus, trong khi đó, các tôn giáo phương Tây khác không công nhận điều này. Cứu Thế Chủ tại phương Tây theo nhiều tôn giáo mang tên là Messiah.


Sự xuất hiện của Cứu Thế Chủ vào ngày tận thế không chỉ được chờ mong ở phương Tây, mà còn có trong tín ngưỡng phương Đông nữa. Phật giáo tin rằng Ngài sẽ xuất hiện dưới hình tượng Phật Di Lặc hay còn gọi là Chuyển Luân Thánh Vương, hóa giải những khổ đau trong thời Mạt Pháp. Còn Đạo giáo thì tin rằng Ngài sẽ xuất hiện dưới hình tượng Chân nhân Lí Hoằng.

Dù có sự khác biệt trong quan niệm, dù có kính ngưỡng Thần Phật hay nghi ngờ sự hiện diện của đức tin, nhân loại vẫn luôn trầm trồ trước những tác phẩm Phục Hưng đầy truyền cảm về Đại Thẩm Phán. Và khi ngắm nhìn những bức tranh này, người ta dù ít dù nhiều cũng sẽ tự hỏi: “Liệu tận thế có xảy ra không? Liệu truyền thuyết về Cứu thế chủ có là sự thật?”
Nguồn: TS

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *