NASA từng phát hiện ra sự sống trên sao Kim vào năm 1978 nhưng không nhận ra?

Nếu sự sống tồn tại trên sao Kim, NASA có thể đã phát hiện ra chúng lần đầu tiên vào năm 1978, nhưng họ đã không để ý đến phát hiện đó trong 42 năm qua.

Vào ngày 14 tháng 9, một nhóm các nhà khoa học đã đưa ra một thông báo đáng chú ý trên tạp chí Nature Astronomy: Sử dụng kính thiên văn, họ đã phát hiện ra Phosphine, một loại khí độc từ lâu được cho là dấu hiệu có thể có sự sống của vi sinh vật ngoài hành tinh, ở lớp không khí dày của hành tinh.

Hình minh họa của NASA cho thấy các đầu dò của Pioneer 13 đang đi xuống các đám mây của sao Kim. (Ảnh: NASA)

Phát hiện là một bước ngoặt trong cuộc săn lùng sự sống trong hệ Mặt trời mà trước đây chủ yếu tập trung vào sao Hỏa và một vài mặt trăng quay quanh sao Mộc và sao Thổ. Sao Kim, nóng và độc hại, từ lâu đã được coi là nơi không thích hợp cho sự sống.

Nhưng giờ đây, khi xem lại dữ liệu lưu trữ của NASA, Rakesh Mogul, một nhà hóa sinh tại Cal Poly Pomona ở California, và các đồng nghiệp đã tìm thấy một chút hợp chất Phosphine do đầu dò của sứ mệnh Pioneer 13 thu được trên sao Kim vào tháng 12 năm 1978.

Mogul nói với Live Science: “Khi các bài báo trên tạp chí [Nature Astronomy] được xuất bản, tôi nghĩ ngay đến phương pháp khối phổ kế thừa”.

Mogul và các đồng tác giả của ông đã rất quen thuộc với dữ liệu từ các nhiệm vụ, ông nói: “Vì vậy, đối với chúng tôi, phương pháp khối phổ là bước tự nhiên tiếp theo để cung cấp cho dữ liệu một cái nhìn khác. Do đó, sau khi tham khảo ý kiến của các đồng tác giả, chúng tôi đã xác định các bài báo khoa học ban đầu và nhanh chóng bắt đầu tìm kiếm các hợp chất Phospho”.

Khám phá, được công bố trên cơ sở dữ liệu mở arXiv vào ngày 22 tháng 9. Dữ liệu năm 1978 đến từ Khối phổ Kế Trung tính Lớn (LNMS), một trong số các thiết bị gửi xuống bầu khí quyển của sao Kim trong khuôn khổ sứ mệnh Pioneer 13.




Một hình ảnh cho thấy đầu dò của Pioneer 13, mang theo LNMS, lao qua các đám mây của sao Kim. (Ảnh: NASA)

Pioneer 13 đã thả đầu dò có mang theo LNMS vào các đám mây của sao Kim; đầu dò đã thu thập dữ liệu và đưa nó trở lại Trái đất. LNMS lấy mẫu khí quyển và phân tích các mẫu đó thông qua phương pháp khối phổ, một kỹ thuật phòng thí nghiệm để xác định các hóa chất chưa biết. Khi các nhà khoa học lần đầu tiên mô tả kết quả LNMS vào những năm 1970, họ không thảo luận về các hợp chất của Phospho như Phosphine, thay vào đó tập trung vào các hóa chất khác.

Các nhà nghiên cứu viết, khi nhóm của Mogul khảo sát lại dữ liệu LNMS, họ đã tìm thấy các dấu hiệu rất giống Phosphine. Họ cũng tìm thấy bằng chứng xác thực về các nguyên tử Phospho trong khí quyển.




Tuy LNMS không được chế tạo để săn tìm các hợp chất giống như Phosphine, nhưng mẫu của Pioneer 13 có chứa bằng chứng về một số phân tử có trong không khí có cùng khối lượng với Phosphine.

Mogul nói: “Tôi tin rằng bằng chứng về [các chất hóa học có thể là dấu vết của sự sống] trong dữ liệu kế thừa đã bị giảm giá trị vì lúc đó người ta cho rằng sự sống không thể tồn tại trong khí quyển. Tôi nghĩ rằng nhiều người hiện đang xem xét lại khái niệm về sao Kim là một môi trường oxy hóa hoàn toàn” – một môi trường không bao gồm Phosphine hoặc hầu hết các hóa chất khác được coi là dấu hiệu của sự sống.


Mogul và các đồng nghiệp của ông cũng tìm thấy những gợi ý về các chất hóa học khác không nên xuất hiện tự nhiên trong các đám mây của sao Kim – những chất như Clo, Oxy và Hydrogen Peroxide.

Họ viết: “Chúng tôi tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy có các chất hóa học chưa được khám phá mà thuận lợi cho sự sống”.

Họ viết rằng điều cần thiết là phải duy trì các khám phá về sao Kim.

Mogul nói: “Chúng ta cần một cách tiếp cận lâu dài hơn để khám phá sao Kim giống như làm trên sao Hỏa”.

Ông đề xuất rằng NASA và các cơ quan vũ trụ châu Âu, Ấn Độ và Nga cần có kế hoạch gửi các đầu dò sao Kim để truy tìm sự sống tại đây.
Nguồn: NTDVN – Theo Live Science

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *