NASA trả lương cho các linh mục, giáo sĩ, thầy tế để bàn cách đối phó với người ngoài hành tinh

Một chương trình đối phó với người ngoài hành tinh do NASA tài trợ đã thu hút các chức sắc tôn giáo như linh mục, giáo sĩ Do Thái và thầy tế Hồi giáo… cùng tham gia.

Cuộc sống trên thiên đàng

Cho tới nay, khoa học vẫn chưa có một khẳng định chắc chắn nào rằng: người ngoài hành tinh – nếu xuất hiện – thì họ sẽ là các thiên thần từ thiên đường bước xuống, là các ET (Extra-Terrestrial) đến trong hòa bình hay những chiến binh khát máu muốn thôn tính trái đất.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) muốn biết chính xác thì các tôn giáo trên thế giới sẽ phản ứng như thế nào nếu họ tìm thấy bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh. Đó là lý do tại sao cơ quan này lại tài trợ một chương trình nghiên cứu để tìm hiểu điều đó.

Tờ The Times đưa tin: từ năm 2016, NASA đã tập hợp 24 nhà thần học tại Trung tâm Điều tra Thần học ở Princeton để phục vụ cho một chương trình kéo dài một năm có tên “Những ý nghĩa xã hội của sinh vật học thiên văn”. Nhóm nghiên cứu được giao nhiệm vụ phải trả lời được: chính xác thì các tôn giáo sẽ phản ứng như thế nào khi phát hiện ra sự sống ngoài hành tinh.




Thoạt nghe thì chủ đề nghiên cứu khá kỳ khôi, nhưng nghĩ sâu xa một chút thì nhiệm vụ này thực sự có giá trị. Hàng tỷ người trên khắp thế giới đều đang theo một tôn giáo nào đó – dù bằng hình thức này hay hình thức khác. Vậy sự sống ngoài hành tinh sẽ thay đổi nhận thức của họ về Chúa như thế nào? Nó sẽ ảnh hưởng ra sao đến những câu chuyện đã lưu truyền ngàn đời trong Kinh thánh? Liệu có hay không việc các tôn giáo sẽ phải thay đổi học thuyết của họ?

Người ngoài hành tinh chẳng phải là trở ngại




Tiến sĩ Andrew Davison, một linh mục và nhà thần học tại Đại học Cambridge với bằng tiến sĩ hóa sinh từ Oxford, nằm trong số 24 nhà thần học được NASA tuyển chọn để đánh giá cách con người sẽ phản ứng nếu sự sống ngoài hành tinh được tìm thấy trên các hành tinh khác và tác động của khám phá này như thế nào. ý niệm của chúng ta về các vị thần và sự sáng tạo

Hóa ra, thực tế có vẻ như sẽ không có nhiều thay đổi. Một trong số những người tham gia chương trình, tiến sĩ Andrew Davison vừa là một linh mục Anh giáo, đồng thời cũng là một nhà thần học tại Đại học Cambridge, đã xuất bản một cuốn sách mới về chương trình nghiên cứu này có tiêu đề “Sinh vật học thiên văn và Học thuyết Cơ đốc giáo”. Trong đó, ông cho biết: “Phần lớn kết quả cho thấy rằng không quá khó khăn để những người theo đạo truyền thống có thể chấp nhận ý tưởng về người ngoài hành tinh.”.

Andrew Davison




Davison nói thêm rằng cộng đồng phi tôn giáo nói chung có xu hướng “thổi phồng những thách thức mà người theo đạo sẽ gặp phải” nếu chúng ta phát hiện ra bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh.

Một giáo sĩ Do Thái, một thầy tế Hồi giáo và một linh mục Anh giáo khác cũng nói với tờ The Times rằng giáo lý Cơ đốc, Do Thái và Hồi giáo vẫn sẽ ổn nếu một ngày nào đó chúng ta phát hiện ra sự sống ngoài hành tinh.

Sự thật ở ngoài kia

Thật thú vị khi NASA tập hợp một nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo lại với nhau để “bàn chuyện” về người ngoài hành tinh trong suốt một năm ròng. Tuy nhiên, đây cũng là một tín hiệu cho thấy mức độ tự tin của cơ quan này về việc khám phá ra bằng chứng về sự sống ngoài Trái đất trong tương lai gần.

Thêm vào đó, bằng việc kính viễn vọng không gian James Webb mới toanh trị giá 10 tỷ USD vừa được phóng lên, phải chăng chúng ta sắp trả lời được câu hỏi: liệu có sự sống ở “ngoài đó” hay không? Do vậy, hành động của NASA cũng khá hợp lý, và có lẽ họ chỉ muốn đảm bảo rằng phần lớn mọi người sẽ vẫn ổn với kết quả khám phá mà thôi.

Thông tin bên lề

Kính thiên văn không gian James Webb (JWST), trước đó gọi là Kính thiên văn không gian thế hệ tiếp theo (NGST), là một kính viễn vọng không gian đã được chế tạo và đã được phóng lên vào 19 giờ 20 phút ngày 25 tháng 12 năm 2021. Kính JWST có độ nhạy và độ phân giải chưa từng có với khả năng thu thập từ bước sóng khả kiến cho tới hồng ngoại trung, và là thế hệ kính thiên văn kế tiếp của kính thiên văn không gian Hubble và kính thiên văn không gian Spitzer. Kính viễn vọng này có đặc điểm bao gồm một gương chính ghép mảnh đường kính 6,5 mét được tên lửa đưa tới điểm L2 của hệ Mặt Trời-Trái Đất. Các tấm chắn Mặt Trời lớn sẽ giữ cho gương và bốn thiết bị khoa học luôn ở dưới 50 K (−220 °C; −370 °F).

Khả năng của JWST sẽ cho phép khảo cứu trên diện rộng đối với lĩnh vực thiên văn học và vũ trụ học. Một mục tiêu quan trọng đó là quan sát những thiên thể ở xa nhất trong Vũ trụ, vượt phạm vi khả năng nghiên cứu của các thiết bị mặt đất và kính viễn vọng không gian hiện tại. Chúng bao gồm những ngôi sao đầu tiên, kỷ nguyên tái ion hóa, và sự hình thành của các thiên hà đầu tiên. Một mục tiêu khác đó là tìm hiểu sự hình thành sao và hành tinh. Để làm điều đó, JWST sẽ chụp ảnh các đám mây phân tử và các cụm mây hình thành sao, nghiên cứu các đĩa khí bụi bao quanh các sao trẻ, chụp ảnh trực tiếp các hành tinh, và ghi lại phổ của bầu khí quyển các hành tinh đi ngang qua ngôi sao mẹ.


Nguồn: Genk

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *