NASA phát hiện tinh hệ giống như Hệ Mặt trời cách Trái đất hơn 2000 năm ánh sáng

Hệ sao Kepler-90 được xem là một hệ sao song sinh của Hệ mặt trời với số lượng 8 hành tinh bay quanh ngôi sao chủ

Hệ Mặt trời đã trở nên bớt đặc biệt đi một chút sau công bố này của NASA. Bởi từ trước đến nay, chúng ta vẫn coi Thái dương hệ của chúng ta đặc biệt. Có 2 lý do làm nên sự đặc biệt ấy. Đầu tiên là Trái đất – hành tinh duy nhất trong tầm hiểu biết của con người có thể nuôi dưỡng sự sống. Và thứ 2, đây là hệ sao – hành tinh có nhiều hành tinh nhất, với 8 tinh cầu xoay quanh Mặt trời.

Theo Independent, hệ sao Kepler-90 được xác nhận có tổng cộng 8 hành tinh, chính thức san bằng số lượng tinh cầu xoay một ngôi sao với hệ Mặt trời của chúng ta.

Các hành tinh của Kepler-90 và Hệ mặt trời (Ảnh: NASA)

Phát hiện này có được là do NASA đã tìm ra một hành tinh mới. Được đặt tên là Kepler-90i, nó là một “hòn đá Vũ trụ” nóng. Nó có quỹ đạo kéo dài 14,4 ngày quay quanh một ngôi sao “giống Mặt Trời” có tên Kepler-90, nằm cách Trái Đất 2.545 năm ánh sáng.

Một điểm đặc biệt khác khiến công bố này được chú ý là NASA tìm được hành tinh này là nhờ sử dụng hệ thống machine learning của Google, phân tích những dữ liệu mà kính thiên văn Kepler thu thập được trong sứ mệnh quan sát vũ trụ của mình. Cụ thể, hệ thống AI này có thể “tự học” (machine learning – máy tự học) và phân tích các thông tin trong hệ thống dữ liệu của Kepler trong quá trình thu nhận tín hiệu từ các ngoại hành tinh và rồi xác nhận được tín hiệu của một hành tinh mới.


Kepler – 90 có số lượng hành tinh tương đương Hệ Mặt trời nhưng quỹ đạo nhỏ hơn (Ảnh: NASA)

Kepler-90i có kích cỡ khá ấn tượng, lớn hơn Trái đất khoảng 30%. Tuy nhiên, bề mặt hành tinh rất nóng – ước tính trên 420 độ C, tương đương với sao Thủy trong hệ Mặt trời. Hành tinh xa nhất của Kepler-90 là Kepler-90h có khoảng cách tương đương với Trái đất tới Mặt trời. Kepler-80g cũng là một hành tinh có kích cỡ ngang với Trái đất. Cùng với những hành tinh lân cận, chúng tạo thành một chuỗi cộng hưởng, giúp cho cả hệ trở nên ổn định, giống như “hệ Mặt trời 2.0” TRAPPIST-1 được tìm thấy vào tháng 2/2017.


Kính thiên văn Kepler của NASA (Ảnh: nightsky.jpl.nasa.gov)

Trong vòng 4 năm, kho dữ liệu của Kepler đã thu thập được 35.000 tín hiệu “có khả năng” là một hành tinh mới. NASA và Google tin rằng công nghệ mới này sẽ giúp họ tìm ra được thêm nhiều hành tinh ngoài hệ Mặt Trời khác nữa.

Nguồn: ĐKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *