Tháng 4/2021, đài thiên văn của NASA sẽ phóng vào không gian từ Trung tâm vũ trụ Kennedy, mang theo sứ mệnh nghiên cứu chi tiết các vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ.
Vnexpress dẫn theo Newsweek cho hay , Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã ký hợp đồng kéo dài 2 năm vhooới SpaceX để phóng một đài thiên văn mới tiên tiến giúp các nhà khoa học nghiên cứu chi tiết những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ.
Theo đó, tên lửa Falcon 9 của SpaceX sẽ chở tàu vũ trụ NASA cùng đài thiên văn phân cực kế tia X để quan sát hố đen vào năm 2021.
Đài thiên văn này có tên gọi Imaging X-Ray Polarimetry Explorer (IXPE). Đây là đài thiên văn được thiết kế để thu thập dữ liệu ánh sáng phân cực từ các hiện tượng đặc biệt như hố đen và sao neutron – những vật thể cực đặc còn sót lại sau khi các ngôi sao lớn phát nổ trong vụ nổ siêu tân tinh.
Imaging X-Ray Polarimetry Explorer (IXPE) sẽ được phóng vào năm 2021. (Ảnh: Futurism)
IXPE gồm 3 kính viễn vọng vũ trụ giống nhau trang bị công nghệ máy dò cực nhạy cho phép thăm dò trường hấp dẫn, điện trường và từ trường quanh các vật thể. Độ nhạy của IXPE sẽ cao hơn phân cực kế tia X trên kính viễn vọng Orbiting Solar Observatory-8.
Paul Hertz, giám đốc ban vật lý thiên văn NASA, chia sẻ:
“Mặc dù không thể chụp ảnh trực tiếp những gì diễn ra gần các vật thể kỳ lạ như hố đen và sao neutron, nhưng nghiên cứu ánh sáng phân cực của tia X phát ra từ môi trường xung quanh chúng sẽ hé lộ tính chất vật lý của những vật thể này”.
(Ảnh: Twitter)
IXPE cũng cung cấp dữ liệu cho nghiên cứu về hoạt động của nhân thiên hà, sao từ (một dạng sao neutron có từ trường vô cùng mạnh) và tinh vân gió sao xung (tinh vân nằm bên trong xác của siêu tân tinh). NASA đã lên lịch phóng IXPE vào tháng 4/2021 từ tổ hợp 39A ở Trung tâm vũ trụ Kennedy, Mũi Canaveral, bang Florida. Cơ quan này hy vọng dự án IXPE sẽ giúp khám phá nguồn gốc và kết cục của vũ trụ, bao gồm bản chất của hố đen, năng lượng tối, vật chất tối và lực hấp dẫn.
Hợp đồng NASA ký với SpaceX trị giá 50,3 triệu USD, bao gồm chi phí phóng tên lửa Falcon 9.
Hố đen là gì?
Được mệnh danh là “quái vật vũ trụ” hay “quái vật không gian”, hố đen (còn gọi là lỗ đen, Black Hole) là một trong những bí ẩn vĩ đại nhất trong hành trình khám phá vũ trụ của loài người.
Thuyết tương đối năm 1916 của nhà vật lý lý thuyết người Đức Albert Einstein (1879-1955) từng tiên đoán về sự tồn tại của hố đen, hướng tới giả định rằng, hố đen đúng là một “con quái vật” có khả năng nuốt chửng mọi loại vật chất, kể cả ánh sáng. Vật chất, năng lượng, ánh sáng, bức xạ điện tử… một khi đã bị nuốt vào “con quái vật” không đáy ấy sẽ không bao giờ thoát ra được.
Ngày 10/4/2019 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu hố đen: Lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có được bức ảnh chứng minh sự tồn tại của lỗ đen.
Hình ảnh hố đen do kính EHT chụp được, được các nhà khoa học cung cấp hôm 10/4/2019. (Ảnh: EHT)
Bức ảnh này là thành quả sau hơn 1 thập kỷ dày công nghiên cứu của đội ngũ các nhà khoa học quốc tế hơn 200 người thuộc Chương trình quan sát siêu lỗ đen ở trung tâm các thiên hà có tên Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (EHT).
EHT đã chụp được hố đen nằm tại trung tâm thiên hà Messier 87 (M87), cách chúng ta 53 triệu năm ánh sáng, nằm gần cụm thiên hà Xử Nữ.
Siêu lỗ đen này có khối lượng gấp 6,5 tỷ lần khối lượng Mặt Trời, có kích cỡ gần bằng dải Ngân Hà của chúng ta, rộng 38 tỷ km (tương đương 1,5 ngày ánh sáng).
Nguồn: DKN/Futurism/