Một vài mẩu chuyện của Tổ sư Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma

Tổ sư Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma là đệ tử đời thứ 28 của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài có trí huệ phi phàm, sáng suốt thông tỏ, cả đời chuyên tâm tu luyện Phật Pháp Đại thừa.

Đàm đạo với Lương Võ Đế

Năm Phổ Thông thứ nhất đời Lương Võ Đế (năm 520), Bồ Đề Đạt Ma đến Quảng Châu. Lương Võ Đế sai sứ giả mời Ngài đến kinh thành và hỏi rằng: “Từ khi lên ngôi đến nay, trẫm đã xây dựng chùa, tinh xá, ấn tống kinh sách, cúng dường, độ tăng nhân nhiều không đếm xuể, xin hỏi có được công đức gì?”.




Ngài trả lời: “Chẳng có công đức gì”.

Võ Đế hỏi tại sao, Ngài nói: “Bởi vì đó là hữu lậu. Tuy xem ra là có công đức, nhưng nó không chân thực”.

Võ Đế lại hỏi: “Thế nào là chân công đức?”.

Ngài nói: “Trí huệ thanh tịnh diệu màu viên mãn, thân thể hoàn toàn hư không tĩnh lặng, như thế công đức không thể cầu ở việc thế sự được”.

Võ Đế lại hỏi: “Thế nào là Thánh đế đệ nhất nghĩa?”.

Đạt Ma đáp: “Đại ngộ hoàn toàn không có Thánh”.




Lương Võ Đế không hiểu được huyền cơ trong đó. Bồ Đề Đạt Ma bèn rời bỏ nước Lương ra đi, bẻ một cọng lau vượt sông Trường Giang đến địa phận Bắc Ngụy. Ngài đến Lạc Dương, tu hành ở chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn, ngồi quay mặt vào vách đá 9 năm tọa thiền, chứng được quả La Hán chính quả. 

Thoát khỏi lồng
Thế nhưng mọi người đều không tin vào Phật Pháp mà Ngài truyền. Một hôm đang đi trên đường, Ngài nghe thấy một con vẹt trong lồng nói: “Phương Tây đến, phương Tây đến, xin Ngài dạy phép thoát khỏi lồng”. 

Đạt Ma nhìn con vẹt và trả lời: “Thoát khỏi lồng, thoát khỏi lồng, hai mắt nhắm, duỗi thẳng chân, nín nhịn khí, đó là phép để ngươi thoát khỏi lồng”.




Con vẹt làm theo như vậy. Khi chủ nhân đến xem thì không hiểu tại sao con vẹt bỗng nhiên lại chết. Xem ra mới chết không lâu, thân thể vẫn còn ấm. Thế là chủ nhân đem vẹt ra khỏi lồng và đặt lên bãi cỏ. Chỉ chờ như vậy, con vẹt lập tức bay vọt đi.

Câu chuyện này không biết có thực hay chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn, là phương tiện để Đạt Ma truyền dạy một đạo lý rằng, muốn khỏi khỏi chiếc lồng Tam giới kiên cố này thì cần phải làm được ba điều:

Thứ nhất: Hai mắt nhắm. Thế gian hỗn độn, muôn màu muôn vẻ, thế nên người tu luyện trước tiên cần phải không bị mê hoặc bởi giả tướng nơi trần thế, không hướng ngoại nhìn, mà phải hướng vào nội tâm mình, quan sát nội tâm mình.




Thứ hai: Duỗi thẳng chân. Thứ mê hoặc con người nhất trên đời là danh vọng, lợi ích và sắc tình, thế nên người tu luyện cần phải biết ngừng bôn ba truy cầu danh vọng, ngừng chạy theo lợi ích, và buông bỏ thất tình lục dục.

Thứ ba: Nín nhịn khí. Con người sống chết trong một hơi thở, tranh giành được mất, thiệt hơn, thắng thua bởi một khẩu khí. Thế nên người tu luyện cần phải không tức giận, không oán không hận. Làm được việc tu khẩu chính là đã đóng được cổng địa ngục.

Những người làm được ba điều này thì có thể thoát khỏi cái lồng tam giới này.

Truyền Pháp cho Thần Quang
Huệ Khả (487 – 593) còn có tên Tăng Khả, tục tính Cơ, tên Quang, hiệu Thần Quang, là người Hổ Lao, Lạc Dương, Hà Nam. Thần Quang thiếu thời là Nho sinh học nhiều hiểu rộng, thông tuệ hơn người. Sau khi xuất gia, Thần Quang học nhiều hiểu rộng, nhớ nhiều kinh điển Phật giáo, thường giảng Pháp và có rất đông người đến nghe.




Một hôm Thần Quang tay lần chuỗi tràng hạt đang giảng Phật pháp cho mọi người thì Bồ Đề Đạt Ma cũng đến nghe. Sau khi nghe xong, Đạt Ma nói với Thần Quang rằng: “Phật pháp mà ông giảng không thể độ nhân thoát khỏi sinh tử được, ông đã dẫn dắt đệ tử đi sai đường rồi”. 

Thần Quang tức giận, giơ tay trái lên đập chuỗi tràng hạt bằng thép vào Đạt Ma, Ngài ngả đầu về phía sau tránh, chuỗi tràng hạt đánh trúng vào răng làm gãy hai chiếc răng cửa. Đạt Ma biết rằng nếu nhổ răng ra đất thì trong bán kính trăm dặm sẽ bị đại hạn ba năm. Vì không muốn thiên tai này xảy ra, nên Ngài đã nuốt răng vào bụng.

Một đêm, Thần Quang nhìn thấy hai vị Hắc Bạch Vô Thường tay cầm thẻ bài lấy hồn người và nói với ông về thời gian ông chết. Thần Quang kinh ngạc hỏi rằng: “Tôi thành tâm tu Phật đã nhiều năm, mà vẫn không thể thoát khỏi sinh tử sao? Thế thì trên đời này rốt cuộc có Phật Pháp giúp thoát khỏi sinh tử không?” 




Vô Thường nghĩ một lúc rồi nói: “Có, chính là người bị ngươi đánh một chuỗi tràng hạt đó, ông ấy có Phật pháp giúp thoát khỏi sinh tử”.

Lúc này Thần Quang mới tìm đến Đạt Ma.

Thần Quang trải qua muôn vàn gian khổ mới tìm được Đạt Ma, ông quỳ ngoài động thỉnh cầu Đạt Ma dạy Phật Pháp cho ông. Đạt Ma nói hiện giờ thời cơ chưa đến, đợi đến khi tuyết đỏ trên trời rơi xuống mới đến thời cơ. Một ngày nọ khi tuyết rơi dày, Thần Quang dùng dao chặt đứt cánh tay trái, ngay lập tức tuyết trắng xung quanh chuyển sang màu đỏ, lúc này Đạt Ma mới chính thức thu nhận Thần Quang làm đệ tử.




Thần Quang (nguồn: phạm vi công cộng – wikipedia)

Thần Quang vì đánh chuỗi tràng hạt vào Đạt Ma mà gây ra tội nghiệp rất lớn, vì Đạt Ma lúc đó đã chứng quả La Hán. Thần Quang phạm tội với La Hán thì tội nghiệp rất lớn, sau đó nhờ thành tâm hối cải nên đã giảm nhẹ rất nhiều, nhưng cuối cùng phải hoàn trả bằng một cánh tay bị chặt đứt, đó chính là thiên lý. Tuy nhiên quả báo với người phạm tội với Thần Phật, với người tu luyện chân chính không chỉ có vậy, mà vẫn còn kiếp nạn nữa chưa đến.

Sau khi Bồ Đề Đạt Ma thu nhận Thần Quang làm đệ tử, và truyền Pháp cho, sau đó viên tịch, nhục thân được an táng ở núi Hùng Nhĩ.




Người đời đều cho rằng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đã viên tịch, nhưng viên quan nước Bắc Ngụy tên là Tống Vân đi sứ Tây Vực, trên đường trở về đã gặp Bồ Đề Đạt Ma ở núi Thông Lĩnh, trên tay cầm một chiếc giày đi một mình.

Năm Khai Hoàng thứ 9 nhà Tùy, Thần Quang đến chùa Khuông Giáo huyện Thành An ở Hàm Đan truyền giảng học thuyết Thiền tông. Khi đó, ở chùa Thánh Sơn cách đó không xa có một tăng nhân là Biện Hòa cũng đang thuyết giảng Phật học. Do Thần Quang đã đắc Đạo nên người đến nghe ông thuyết giảng càng ngày càng nhiều. Rất nhiều đồ đệ của Biện Hòa đã tới tấp chạy đến chỗ Thần Quang nghe giảng. Thế là Biện Hòa yêu cầu trụ trì chùa Khuông Giáo đuổi Thần Quang đi.




Trụ trì chùa Khuông Giáo từ chối, Biện Hòa đến chỗ Trạch Trọng Khản, Ấp tể huyện Thành An, vu cáo Thần Quang truyền bá tà thuyết dị đoan, tụ tập đông người mưu đồ bất chính. Ấp tể Trạch Trọng Khản liền bắt Huệ Khả lại, định tội truyền giáo trái phép và đánh gậy, đồng thời dâng tấu lên Tùy Văn Đế vu cáo rằng Thần Quang tuyên truyền học thuyết trái pháp luật, mưu đồ bất chính. Tùy Văn Đế mới bình định thiên hạ, lo lắng tụ tập đông người sinh biến, bèn hạ lệnh xử trảm Thần Quang.


Sau khi Thần Quang bị chặt đầu, thi thể và đầu chảy ra chất như sữa trắng, màu sắc thân thể vẫn như bình thường. Huyện ấp hạ lệnh đem thi thể Thần Quang phơi mấy ngày ở cánh đồng hoang phía nam thành. Thi thể không những không thối rữa mà còn tỏa ra mùi thơm kỳ lạ, lan tỏa rất xa.




Để rửa mối oan mà Thần Quang phải chịu, các đồ đệ của ông đã nhiều lần dâng tấu lên triều đình kêu oan cho ông. Tùy Văn Đế vốn tín ngưỡng Phật Pháp, trải qua nhiều lần điều tra đã hiểu ra sự thật. Tùy Văn Đế hối hận không còn kịp nữa, nói: Đây chính là chân Bồ Tát.
Nguồn: NTDVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *