Một thứ gì đó khổng lồ vô hình đang khiến các ngôi sao lân cận chúng ta biến mất

Theo một nghiên cứu mới đây, một vật thể vũ trụ khổng lồ vô hình có thể đang xé toạc cụm sao gần Mặt trời nhất, khiến một nửa cụm sao này rơi vào bóng tối và không có sao. 

Các nhà khoa học cho biết cụm sao Hyades đã chạm trán với một vật thể vũ trụ không nhìn thấy lớn gấp 10 triệu lần Mặt trời.(Ảnh minh họa: Youtube/ESA)

Các nhà nghiên cứu cho biết khu vực tại cụm sao có tên gọi là Hyades đang bị xé toạc do trọng lực. Đây là một cụm sao hình chữ V xuyên qua phần đầu của chòm sao Kim Ngưu. Cụm sao này khoảng 700 triệu năm tuổi và nằm cách xa Trái đất 153 năm ánh sáng với đường kính khoảng 60 năm ánh sáng.

Các nhà khoa học dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu Tereza Jerabkova từ Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và Đài quan sát Nam Châu Âu đã phát hiện ra sự việc khi đang kiểm tra cụm Hyades bằng cách sử dụng dữ liệu do vệ tinh Gaia của ESA thu thập.

Họ cho biết đã có thêm hàng nghìn ngôi sao trong cụm sao Hyades biến mất một cách bí ẩn. Từ đó, họ tin rằng cụm sao này gặp phải một cấu trúc khổng lồ không thể nhìn thấy có từ hàng trăm triệu năm trước và có khối lượng lớn gấp khoảng 10 triệu lần khối lượng Mặt trời. Chính cấu trúc này đã xé toạc cụm sao.

Theo các nhà khoa học, cấu trúc khổng lồ này có thể là quầng vật chất tối – một đám mây vô hình gồm các hạt được cho là di lưu từ sự hình thành của Dải Ngân hà.

Jerabkova nói: “Chắc hẳn đã có một sự tương tác mạnh mẽ với khối vật chất thực sự khổng lồ này, và Hyades vừa bị xé toạc. Với Gaia, cách chúng ta nhìn Dải Ngân hà đã hoàn toàn thay đổi. Và với những khám phá này, chúng tôi sẽ có thể lập bản đồ các cấu trúc phụ của Dải Ngân hà tốt hơn bao giờ hết”.




Các cụm sao tự nhiên mất đi các ngôi sao bởi vì trọng lực làm thay đổi vận tốc của chúng, khiến một số đi đến rìa của cụm sao. Chúng cũng có thể bị cuốn ra ngoài bởi lực hút của thiên hà, tạo thành hai đuôi dài được gọi là đuôi thủy triều.

Jerabkova nói: “Đuôi thủy triều thực sự thể hiện những mối liên hệ tuyệt vời giữa các quy mô nhỏ (các cụm sao riêng lẻ) và thiên hà nói chung. Các đuôi thủy triều là cuốn sổ cuộc đời của mỗi cụm sao vì mọi ngôi sao từ đuôi được sinh ra trong cụm và rời khỏi cụm vào những thời điểm khác nhau”.

Bây giờ, theo nghiên cứu mới, có vẻ như có thứ gì đó đang xé toạc một trong những cái đuôi đó. Một cái gì đó chúng ta không thể nhìn thấy. Một cái gì đó lớn .

Jerabkova nói với Vice: “Chúng tôi thấy rằng các ngôi sao thuộc cụm sao gần nhất đang di chuyển theo cách mà chúng không nên như vậy nếu chúng tôi áp dụng các mô hình đã biết và được sử dụng rộng rãi của chúng ta. Hoặc những mô hình này sai và điều này sẽ có tác động lớn đến vật lý, hoặc chuyển động bị thay đổi do một khối vật chất tối, và đây cũng sẽ là một khám phá quan trọng”.

Cô nói thêm: “Đây là điều đáng kinh ngạc về dữ liệu từ vệ tinh Gaia – lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có cơ hội tìm kiếm các cấu trúc sao ẩn trong trường chứa một lượng lớn các ngôi sao trong thiên hà”.

Nếu bạn đang tự hỏi liệu hệ Mặt trời của chúng ta có thể bị xé vụn khi quá gần với một trong những quầng vât chất tối này hay không, thì bạn không nên lo lắng vì điều đó.


Jerabkova nói: “Một cuộc gặp gỡ như vậy về cơ bản là không thể xảy ra – đơn giản vì hệ Mặt trời rất nhỏ so với Hyades và các đuôi của nó và do đó khả năng xảy ra một cuộc gặp gần với bất kỳ khối lượng lớn nào là cực kỳ nhỏ”.

Cô nói thêm, các ngôi sao được tập hợp thành cụm sao có thể hoán đổi các hành tinh hoặc phá vỡ quỹ đạo của các hành tinh trong các hệ thống lân cận, nhưng chúng ta cũng không nên lo lắng về kết quả đó vì Mặt trời là một ngôi sao cô đơn đã rời khỏi cụm sao tự nhiên của nó từ lâu.

Công trình đã được đăng ngày 24/3 trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.

Nguồn: NTDVN – Theo Vice, Dailymail

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *