Marie Curie và Henri Becquerel: Giải Nobel vinh quang và cái chết đau lòng do nghiên cứu phóng xạ

Người ta biết đến Marie Curie và Henri Becquerel như các nhà khoa học lỗi lạc của thế kỉ 20 với giải Nobel danh giá cho các nghiên cứu công phu về chất phóng xạ, nhưng ít ai biết rằng, cũng chính phóng xạ là tác nhân lấy đi sinh mạng của họ do cơ thể chịu đựng sự nhiễm xạ trong quá trình nghiên cứu. 

Quý ông 4 đời nghiên cứu vật lý

Ngày 26 tháng 2 năm 1896, là một ngày âm u ở Paris – và đó là một vấn đề đối với nhà vật lý người Pháp Antoine Henri Becquerel. Becquerel hy vọng sẽ chứng minh sự liên hệ giữa các khoáng chất phát sáng khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh (huỳnh quang) và một loại bức xạ điện từ mới vừa được phát hiện – Tia X. Thời tiết đã cản trở thí nghiệm này – nhưng thất bại đó đã vô tình tạo ra một khám phá hoàn toàn mới: phóng xạ tự nhiên.

Becquerel lên kế hoạch phơi một vật liệu huỳnh quang với ánh nắng mặt trời, rồi đặt nó và một vật bằng kim loại trên một tấm phim chưa phơi sáng. Nếu tấm phim ghi lại hình ảnh của vật thể, ông có thể kết luận rằng các vật liệu huỳnh quang thực sự phát ra tia X.




Henri Becquerel rất hứng thú với các thi nghiệm về huỳnh quang (Ảnh: PinsDaddy)

Nhưng ngày hôm sau trời cũng có mây, và Becquerel bị buộc phải trì hoãn thí nghiệm của mình. Ông quấn các tinh thể huỳnh quang của mình – một hợp chất uranium có tên là potassium uranyl sulfate – trong một tấm vải màu đen, cùng với tấm phim và một cây thánh giá đồng Maltese, và chờ một ngày nắng hơn.

Vài ngày sau, khi lấy dụng cụ ra khỏi ngăn kéo, Becquerel đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một hình ảnh khác biệt của cây thánh giá xuất hiện trên phim – mặc dù nó chưa từng bị phơi nắng. Kết luận duy nhất là các tinh thể tự phát ra bức xạ. Háo hức với giả thuyết này, Becquerel quyết định lặp lại các điều kiện của thí nghiệm: Ông đặt trực tiếp một tinh thể muối uranium lên một tấm phim; và đặt gián tiếp qua một tấm nhôm và kính trên hai tấm phim khác.

Sau khi được đặt trong bóng tối vài giờ, tất cả ba tấm bị làm đen bởi bức xạ (tinh thể tiếp xúc trực tiếp với phim cho thấy sự đen tối mạnh nhất). “Bây giờ tôi tin rằng muối uranium tạo ra bức xạ vô hình, ngay cả khi chúng được giữ trong bóng tối” ông viết trong nhật ký thí nghiệm của mình.




Một tấm ảnh được thực hiện bởi Henri Becquerel cho thấy những ảnh hưởng của việc tiếp xúc với phóng xạ. Một cây thánh giá bằng kim loại đặt giữa tấm phim và muối urani phóng xạ đã để lại một cái bóng rõ ràng trên tấm phim (Ảnh: earthmagazine)

Đẩy mạnh nghiên cứu, ông xác định được thêm tính phóng xạ của nguyên tố thori và cùng với các phát hiện về các nguyên tố phóng xạ poloni và radium của Marie Skłodowska-Curie và chồng Pierre Curie, ông đã xuất bản bảy bài báo về đề tài này vào năm 1896.

Thành công này đã giúp ông được vinh danh là cha đẻ của các khám phá ra về phóng xạ. Cùng với vợ chồng Marie Curie, ông nhận giải Nobel Vật lý năm 1903 và đơn vị quy chuẩn quốc tế SI cho phóng xạ, becquerel (Bq), được đặt theo tên ông.

Đáng tiếc, chỉ 5 năm sau vinh quang, Becquerel từ giã cõi đời ở tuổi 54 do các vết bỏng nghiêm trọng trên da mà nhiều khả năng đã mắc phải trong quá trình xử lý vật liệu phóng xạ. Người ta kể rằng, Marie Curie từng tặng Becquerel một chiếc lọ nhỏ đựng radium – nguyên tố phóng xạ rất hiếm thời điểm đó do chính Marie chiết tách ra từ hàng chục tấn quặng Uraninit. Becquerel phần vì quý chiếc lọ, phần vì sử dụng nó cho nghiên cứu nên đã luôn mang theo bên mình, ông để chiếc lọ trong túi áo vest và phóng xạ từ nó đã gây ra cho ông một vết bỏng nặng ở ngực.




Cô gái mồ côi mẹ muốn vươn tới những đỉnh cao khoa học

Marie Skłodowska-Curie (1867 – 1934) là một nhà vật lý và hóa học người Ba Lan-Pháp, nổi tiếng về việc nghiên cứu tiên phong về tính phóng xạ. Bà là người đầu tiên vinh dự nhận được hai Giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau, vật lý và hóa học. Marie Curie là giảng viên đại học nữ đầu tiên tại Đại học Paris (Sorbonne), và vào năm 1995 thi thể của bà được mai táng tại điện Panthéon ở Paris vì những đóng góp to lớn cho nhân loại.

Maria Skłodowska sinh ra tại Ba Lan trong thời kì Nga chiếm đóng Ba Lan, là con út trong số 5 người con của hai giáo viên nổi tiếng Bronisława và Władysław Skłodowski. Sớm mất mẹ từ nhỏ, bố lại mất việc, cuộc sống vô cùng khó khăn, nên Maria luôn có một mục tiêu cháy bỏng là học thật tốt.

Nỗ lực được đền đáp khi bà được tới học tại Paris và đạt thành tích cao tại trường Sorbonne. Marie sau đó kết hôn với nhà khoa học lỗi lạc Pierre Curie và cùng ông nghiên cứu khoa học.




Marie Curie và Pierre Curie trong phòng thí nghiệm tại Paris (Ảnh: Wired)

Năm 1903 bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được vinh dự nhận giải Nobel vật lý cùng với chồng Pierre Curie và Henri Becquerel cho các nghiên cứu về bức xạ. 

Tám năm sau, bà nhận giải Nobel hóa học trong năm 1911 cho việc khám phá ra hai nguyên tố hóa học radium và polonium. Bà cố ý không lấy bằng sáng chế tiến trình tách radium, mà để các nhà nghiên cứu tự do sử dụng nó. Trở thành một trong hai người duy nhất đoạt hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau (người kia là Linus Pauling).

Tuy nhiên, cũng như Henri Becquerel, phóng xạ không chỉ mang lại cho bà vinh quang mà còn cả tai họa. Là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực này, bà đã không lường trước được sự nguy hại của tia phóng xạ. 




Sau một khoảng thời gian dài làm việc với chất phóng xạ mà không có biện pháp an toàn nào, bà đã bị nhiễm độc nghiêm trọng. Nhiễm độc phóng xạ khiến bà mắc nhiều căn bệnh mãn tính như mù lòa, thiếu máu không tái tạo… bạo bệnh làm bà suy kiệt và qua đời tại viện điều dưỡng Sancellemoztại Passy, ở Haute-Savoie vào ngày 4/7/1934.

Marie đã dành cả đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học (Ảnh: Irish News)


Quả thực thành công nào cũng ẩn sau đó sự hi sinh và cái giá không hề nhỏ bé. Henri Becquerel và Marie Curie đã dành cả đời mình cho học tập và nghiên cứu khoa học. Phát hiện của họ đã tạo nền tảng vững chắc cho hàng loạt các phát kiến sau này về phóng xạ, hạt nhân và lượng tử học mà người hưởng lợi chính là chúng ta hôm nay.

Nếu hỏi hai người họ có tiếc nuối vì đã nghiên cứu lĩnh vực phóng xạ hay không? Có lẽ câu trả lời sẽ là “Không”, đó là định mệnh của cuộc đời họ, họ đã sống và nỗ lực hết mình cho đam mê, hi sinh hết thảy cho sự tiến bộ của nhân loại và để lại tấm gương sáng mãi cho các thế hệ mãi sau này.
Nguồn:  DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *