Lư hương “tử thần” trên núi Võ Đang: Cheo leo giữa vách núi, vô số người đã phải mất mạng

Lư hương trên núi Võ Đang được đặt ở nơi nguy hiểm, nhưng luôn thu hút sự quan tâm của khách du lịch bởi câu chuyện gắn liền với nó.

Nổi tiếng là vùng đất thánh, nơi khai sinh ra môn võ Thái Cực Quyền, núi Võ Đang được nhiều người biết đến thông qua các tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Trung Quốc Kim Dung như Ỷ thiên Đồ long ký, Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ.

Núi Võ Đang, hay còn có tên gọi khác là núi Thái Hòa, nằm ở phía nam thành phố Thập Yển (tỉnh Hồ Bắc), là ngọn núi linh thiêng nổi tiếng của Trung Quốc.

Vẻ đẹp kỳ ảo của núi Võ Đang (Ảnh: Chinadaily)

Năm 1994, núi Võ Đang được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất tỉnh Hồ Bắc, thu hút đông đảo du khách mỗi năm.  

Tuy nhiên ít ai biết tới ngọn núi này còn chứa đựng một điều vô cùng đặc biệt khác, đó chính là sự tồn tại của chiếc lư hương “tử thần”. 

Lư hương đặt trên mỏm đá khắc hình đầu rồng – Long đầu hương, cách vách núi 2,9 mét, bên dưới là vách núi sâu hun hút, một vị trí vô cùng nguy hiểm nếu khách tham quan tới gần.




Lư hương “tử thần” chênh vênh cùng với đất trời (Ảnh: Sohu)

Theo Sohu ghi chép, họa tiết đầu rồng của lư hương được những nghệ nhân xưa chạm khắc bằng nhiều kỹ thuật khác nhau như phù điêu và chạm trổ. Trên thân của lư hương còn có hai con rồng được điêu khắc thủ công, sống động như thật. Lư hương đặt trên mỏm đá ở bên ngoài cung Thiên Ất Chân Khánh, từng là nơi được dùng để thắp hương của các tín đồ và đạo gia khi tới đây ghé thăm. 

Lư hương “tử thần”




Nhiều người cho rằng, ai thắp hương thành công thì đó là người có lòng thành, mọi điều cầu xin sẽ được toại nguyện. Chính vì lời truyền tụng đó, đã có không ít người bất chấp tính mạng, quyết tâm dâng nén nhang để chứng tỏ thành tâm. Nhưng bởi vì vị trí này thật sự quá nguy hiểm, nên về cơ bản không có ai thực hiện được.


Vị trí không hề dễ dàng tiếp cận của lư hương “tư thần” (Ảnh: Sohu)

Thông thường, người lựa chọn dâng hương tại đây đều sẽ quỳ từ trên người rồng quỳ đến trước mặt lư hương, sau khi dâng hương, tiếp tục dùng tư thế quỳ đứng lui về. 

Tuy nhiên đến thời vua Khang Hy (1654 – 1722) nhà Thanh, đã ra lệnh cấm không được dâng hương tại đây nữa.

Chỉ có thể nhìn ngắm lư hương từ xa, không thể đến gần (Ảnh: Sohu)

Hiện nay, vị trí đặt lư hương đã được rào chắn, khách tham quan muốn chiêm ngưỡng chỉ có thể đứng bên trong hàng rào, ngắm nhìn ra bên ngoài.  

Nguồn: SH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *