Có thể nói, Tổng thống Lincoln và Kennedy đã biết được những lời tiên tri đáng sợ dành cho số phận của mình. Ngoài khả năng thiên bẩm có thể nhìn thấy được tương lai và quá khứ, các nhà chiêm tinh còn dựa trên Lời nguyền Tecumseh – mô tả thời kỳ mà cứ mỗi 20 năm một lần, mỗi đời Tổng thống Mỹ đắc cử vào những năm có đuôi số 0 có khả năng sẽ chết khi đang trong nhiệm kỳ. Nên nhớ là, Tổng thống Abraham Lincoln đắc cử Tổng thống vào tháng 3/1860, còn Tổng thống John F.Kennedy đắc cử vào tháng 11/1960.
Cố tổng thống Abraham Lincoln và cố Tổng thống John.F. Kenedy. (Ảnh tổng hợp từ Getty)
Định mệnh nghiệt ngã
Abraham Lincoln và John.F. Kenedy là hai trong số những vị tổng thống nổi danh nhất trong lịch sử nước Mỹ, bởi cả hai không chỉ được người dân Mỹ ngưỡng mộ, mà còn vì những tình tiết trùng lặp đến kỳ lạ khó tin quanh hai số phận không may này.
Điều đáng suy ngẫm trong hai vụ ám sát Tổng thống Lincoln và Kennedy, ngoài âm mưu giết người của hai kẻ sát nhân, trước đó đã có những lời cảnh báo, dự cảm cá nhân của hai vị tổng thống về cái ngày định mệnh của họ. Khi vụ ám sát xảy ra, người ta mới nhớ đến những lời tiên tri trước đó và lần giở lại những điềm gở báo trước số phận nghiệt ngã của hai người.
Tối ngày 14/4/1865, Tổng thống Abraham Lincoln cùng phu nhân đi xem ca kịch tại nhà hát Ford ở thủ đô Washington D.C. Hôm đó, nhà hát Ford công diễn vở “Our American Cousin” (Cậu em họ người Mỹ của chúng ta). Hai vợ chồng Tổng thống ngồi trong lô đặc biệt của nhà hát.
Khi màn diễn chuyển sang phân cảnh kịch tính cao trào thì một bóng đen lợi dụng tràng pháo tay rộ lên từ phía khán đài, đã nhẹ nhàng tiến đến dí sát khẩu súng lục vào đầu Tổng thống rồi bóp cò. Viên đạn xuyên từ bán cầu não trái sang bán cầu não phải khiến Tổng thống Lincoln gục xuống tức thì.
Dù được đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay nhưng do vết thương quá nặng, Tổng thống Abraham Lincoln vẫn không qua khỏi. 7 giờ 21 phút sáng 15/4/1865, Lincoln trút hơi thở cuối cùng. Cả nước Mỹ rúng động và bàng hoàng trước cái chết quá đột ngột của “người anh hùng giải phóng nô lệ”.
Gần 100 năm sau, ngày 22/11/1963, Tổng thống John Kennedy cùng đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy đến thị sát ở thành phố Dallas, bang Texas. Trên chiếc xe mui trần hiệu Ford tân thời, ông đã cùng vợ tham gia cuộc diễu hành để vận động cho chiến dịch tái tranh cử.
Khi chiếc xe đi tới đoạn phố giao cắt bỗng chợt vang lên những tiếng súng. Chiếc xe của Tổng thống đột ngột đổi lộ trình tăng tốc hướng đến bệnh viện Parkland. Tổng thống Kennedy được đưa vào phòng cấp cứu số 1. Khoảng 1 giờ 30 phút sau, một bản tin ngắn gọn thông báo Tổng thống Kennedy đã qua đời. Ê kíp bác sĩ trực ngày hôm đó bất lực trước những vết thương chí mạng.
Người ta đã bắt được kẻ thủ ác tên là Lee Harvey Oswald, đã bắn Tổng thống bằng một khẩu súng trường từ cửa sổ tầng 6 của một kho sách gần đó.
Vụ ám sát hai tổng thống Lincoln và Kennedy là hai trong số 4 vụ ám sát tổng thống trong lịch sử Mỹ từng được ghi nhận. Nhiều tổ điều tra được thành lập để tìm ra nguyên nhân đằng sau vụ ám sát, những nghi ngại được đưa ra liên quan đến việc tăng cường bảo vệ an ninh cho yếu nhân, bối cảnh chính trị được phân tích mổ xẻ để tìm ra những động cơ ẩn phía sau…
Tuy nhiên bên cạnh những khía cạnh thực tiễn được đưa ra bàn luận, cũng ẩn chứa những tình tiết bí ẩn kinh ngạc, vượt ra khỏi tư duy logic thông thường. Đó là sự liên hệ huyền hoặc, khó tin giữa hai vụ ám sát nói riêng và cuộc đời của hai vị tổng thống Hoa Kỳ nói chung.
Cảnh John Wilkes Booth ám sát Tổng thống Abraham tại Nhà hát Ford, Washington DC vào ngày 14 tháng 4 năm 1865. Từ một ấn bản của Harper’s Weekly. (Ảnh của MPI / Getty Images)
Cả hai vị tổng thống đều có mối tương đồng kỳ lạ
Giáo sư John K. Lattimer (1914-2007) là một người nổi tiếng trong giới học thuật. Ông còn là một chuyên gia về đạn đạo, và là chuyên viên chuyên nghiên cứu các vụ ám sát. Năm 1972, gia đình Tổng thống Kennedy đã mời giáo sư Lattimer làm chuyên gia đầu tiên giám định 65 bức X-quang, ảnh màu và ảnh âm bản từ cuộc khám nghiệm thi thể Tổng thống Kennedy.
Dựa trên các dữ liệu thu thập được, ông đã so sánh những điểm tương đồng kỳ dị giữa vụ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln và John F. Kennedy trong cuốn “Kennedy và Lincoln: Những so sánh về y học và đạn đạo học giữa hai vụ ám sát” của ông.
Trang bìa cuốn sách, “Kennedy và Lincoln: Những so sánh về y học và đạn đạo học giữa hai vụ ám sát”. Ảnh: Amazon.com
Trong cuốn sách, ông nhận định: “Vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy đã trở thành bản sao tái diễn vụ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln, trong đó có khá nhiều điểm tương đồng, trùng hợp với các mối liên hệ rất rõ nét… “ . Những sự trùng hợp khó tin giữa hai vị tổng thống này được giáo sư Lattimer phân tích rất chi tiết không chỉ xoay quanh vụ ám sát, mà còn bao phủ ở đời tư của cả hai người.
Cùng trải nghiệm “chết hụt”
Tổng thống Lincoln đã từng có một lần chết hụt vào năm 7 tuổi, khi ông bị trượt chân rơi xuống một dòng suối và suýt chết đuối. Do không biết bơi nên khi một người bạn cứu ông lên bờ bằng một cây gậy, Lincoln nhợt nhạt trông giống như “người sắp chết”.
Tổng thống Kennedy cũng gặp tình huống tương tự trong Thế chiến Thứ hai, khi con tàu PT-109 mà ông chỉ huy gồm 11 thủy thủ đoàn đã gặp nạn khi đâm phải một tàu khu trục của Nhật. Vụ va chạm khiến hai thủy thủ trên tàu tử nạn, còn Kennedy thì bị hất văng ra khỏi buồng lái và rơi xuống biển. Nếu không có đồng đội ứng cứu, ông cũng suýt mất mạng.
Cùng quan tâm tới quyền dân sự của người da màu
Trong thời kỳ đương nhiệm, cả hai vị tổng thống này đều có chính sách đấu tranh cho quyền dân sự của người da màu. Trong bối cảnh thời ấy, nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc và đây được coi là chủ đề khá nhạy cảm.
Ngay từ khi còn trẻ, Abraham Lincoln là một người khá duy tâm. Năm 22 tuổi, Lincoln đến xin lời khuyên của một nữ tiên tri da màu. Ông đã hỏi về quá khứ và tương lai sau này của mình. Nhìn vào mắt chàng trai trẻ, nhà tiên tri đã đưa ra lời tiên đoán: “Cậu sẽ trở thành Tổng thống và tất cả những người da màu sẽ được tự do.”
Abraham Lincoln không theo tôn giáo nào, nhưng ông hay chiêm nghiệm về cuộc sống. Ông tin là có một Đấng tối cao đã tạo nên con người và dự cảm ông có sứ mệnh để giải phóng người nô lệ. Vì vậy, sau này ông đã soạn ra Bản Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ.
Ông đặt ra mục tiêu đạo đức trong chiến tranh, không chỉ đơn giản là đưa các bang miền Nam thống nhất với miền Bắc, mà ông còn xem Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ là mục tiêu lâu dài của cuộc Nội chiến. Thậm chí, ông còn có ý tưởng đưa người da đen đảm nhiệm các vị trí trong chính quyền nhà nước và “mở rộng biên giới của tự do”. Mục đích của Tổng thống Lincoln là “tạo ra một vùng rộng mở và những cơ hội đồng đều trong cuộc sống”.
Ông đã thành công trong việc bắt đầu tiến trình này, dù rằng người Mỹ da đen không được hưởng nhiều quyền dân sự mãi cho đến 100 năm sau, đúng nhiệm kỳ của Tổng thống John Kennedy.
Vào những năm 1950, khi còn là một thượng nghị sĩ trẻ tuổi nhất nghị viện lúc bấy giờ, John Kennedy đã ủng hộ mạnh mẽ phong trào đòi quyền dân sự nhiều hơn nữa cho người da màu. Ông đã có những cuộc tranh luận nảy lửa vào năm 1957, dẫn tới nhiều ý kiến đồng thuận ủng hộ mục 3 của Luật Dân quyền. Những người ủng hộ quyền dân sự coi nghị sĩ Kennedy như là một người bạn “thấu hiểu” của họ.
Cho đến khi đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 35, John Kennedy càng thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hành động đòi quyền dân sự cho người da màu về tín ngưỡng, quyền bình đẳng trong giáo dục công, bầu cử…, cũng như bãi bỏ các hành vi kỳ thị chủng tộc ở chỗ riêng tư cũng như tại nơi công cộng đối với người Mỹ gốc Phi.
Dưới thời Tổng thống Kennedy, đó là một sự tiến bộ tuy hơi muộn màng và hành động vẫn chưa đủ quyết liệt, nhưng so với 100 năm trước thì đã tiến được một bước dài tiếp nối ước nguyện dang dở của Tổng thống Lincoln.
Vụ ám sát Tổng thống John Kennedy (hay còn gọi là “sự kiện JFK”) sẽ luôn là một bí ẩn, và là sự kiện mãi được nhắc đến chừng nào những ẩn số xung quanh nó chưa được giải mã.
Những dự cảm cá nhân chẳng lành trước khi bị ám sát
Vài tháng trước khi qua đời, Tổng thống Lincoln từng nói: “Nếu tôi bị ám sát, tôi sẽ chỉ phải chết một lần, nhưng việc phải sống trong nỗi sợ hãi cái chết triền miên như thế, thì chẳng khác gì phải chết đi chết lại nhiều lần”.
10 ngày trước vụ ám sát, Tổng thống Lincoln đã có dự cảm về cái chết của mình qua một giấc mơ, Trong giấc mơ, ông nhìn thấy một người đàn ông nằm trong quan tài quàn tại Nhà Trắng. Ông lại gần hỏi một người cận vệ đang đứng gác rằng ai đang nằm ở đó. “Thưa ngài, chính là ngài Tổng thống”, người cận vệ trả lời.
Giấc mơ thật đến nỗi làm Tổng thống Lincoln rất bối rối nên ông đã chia sẻ với vợ. Vào buổi sáng đúng ngày bị ám sát (14/4/1865), thậm chí ông đã đem giấc mơ đó ra thảo luận tại một cuộc họp nội các. Ông chia sẻ với cấp dưới của mình rằng, ông nhìn thấy bản thân ông đang ở “trên một con thuyền lao vun vút về phía bờ biển xa xăm”.
Chỉ vài giờ trước khi mất, Tổng thống Lincoln đã nói một câu dự cảm về cái chết của mình. Ông nói với vệ sĩ William H. Crook rằng: “Này Crook, tôi tin rằng có những kẻ muốn lấy mạng của tôi, và tôi không ngạc nhiên khi biết họ sẽ làm điều đó… Tôi biết không ai có thể làm được điều đó mà thoát được. Nhưng nếu nó xảy ra, thì không cách nào ngăn cản”.
Tối ngày 14/4/1865, vợ chồng Lincoln có lịch đi xem một vở ca kịch. Sĩ quan cận vệ William H. Crook đã van nài Tổng thống tạm thời không rời Nhà Trắng và hủy bỏ kế hoạch đến nhà hát Ford. Nhưng có lẽ định mệnh đã an bài. Tối hôm ấy, Lincoln vẫn quyết định đến nhà hát Ford và giấc mơ ám ảnh đã thành
100 năm sau, Tổng thống John Kennedy cũng có những dự cảm cá nhân tương tự. Trong một lần trả lời phỏng vấn truyền thông, Tổng thống Kennedy từng được hỏi rằng: “Nếu được lựa chọn, ngài muốn qua đời như thế nào? ”. Kennedy trả lời: “Anh sẽ chẳng bao giờ biết cái gì có thể hạ gục mình. Một phát súng là một phương thức hoàn hảo”.
Cũng một vài ngày trước khi bị ám sát, Tổng thống Kennedy đã được báo trước về số phận của mình qua thư ký riêng của ông là Evelyn Lincoln. Người thư ký này nói rằng chuyến đi đến thành phố Dallas sắp tới đầy rẫy nguy hiểm, có thể mang lại kết cục bi thảm và can ngăn Tổng thống hủy bỏ lịch trình.
Tổng thống Kennedy cũng nói với cố vấn thân cận nhất của ông là Ken O’Donnell rằng: “Anh biết không, đêm qua quả là một đêm để ám sát một Tổng thống”. Cũng vậy, chỉ vài giờ trước khi bị ám sát, Tổng thống Kennedy đã nói “gở” về chuyến thăm thành phố Dallas với vợ là: “Nếu ai đó muốn bắn anh bằng một khẩu súng trường từ một ô cửa sổ, thì không ai có thể ngăn chặn được nó, vậy cớ sao phải lo lắng đây?”.
Được báo trước viễn cảnh u ám
Những người theo thuyết âm mưu và các nhà chiêm tinh cho rằng, cả hai Tổng thống đã từng được cho “nhìn thấy” trước viễn cảnh u ám của số phận mình thông qua những phương thức siêu thường.
Tổng thống Lincoln từng bị ám ảnh bởi một hình ảnh ma quái xuất hiện trước mắt ông vào buổi đêm sau cuộc tuyển cử. Khi đang nằm nghỉ trên ghế sofa, ông bất chợt nhìn thấy hình ảnh “ma quái” của chính mình trong gương.
Trên gương hiện lên khuôn mặt tái nhợt so với hình ảnh thực tế của ông và nó đột ngột biến mất khi ông nhỏm dậy. Hình ảnh này khiến ông chấn động, nhưng với tâm trạng phấn khích vì kết quả khả quan từ cuộc bầu cử, ông đã bỏ qua rồi lại nằm xuống ghế sofa.
Lincoln đã nhìn thấy một khuôn mặt tái nhợt của mình trong gương. Ảnh: charlespaolino.files.wordpress.com
Nhưng vừa nằm xuống, ông lại nhìn thấy gương mặt ma quái này xuất hiện trên chiếc gương phía đối diện ghế sofa. Lần này, khuôn mặt trong gương của ông còn tái nhợt hơn cả lần trước.
Quá sốc, ông bật dậy và hình ảnh này lại biến mất. Tổng thống Lincoln đã kể lại với vợ về trải nghiệm ám ảnh này. Vợ ông, bà Mary Tood lo ngại rằng, đó có thể là dấu hiệu cho thấy ông sẽ không tại vị nhiệm kỳ thứ hai.
Cũng vậy, lịch sử lặp lại khi Tổng thống Kennedy cũng từng nhìn thấy một bức ảnh ám ảnh của chính ông trên một mẩu quảng cáo trên tờ The Dallas Morning News chỉ vài giờ trước khi bị ám sát.
Trong căn phòng khách sạn ở Fort Worth (Texas) vào sáng ngày định mệnh ấy, tâm trạng của Tổng thống Kennedy trở nên buồn bực khi ông đọc báo trong đó có một trang quảng cáo đăng nguyên bức ảnh có hình ông được đóng khung bằng viền đen, giống như ảnh thông cáo lễ tang kèm theo dòng chữ: “Chào mừng ngài Kennedy tới Dallas”.
Nội dung tờ poster đả kích Kennedy. Ảnh: slate.com
Quảng cáo này do một nhóm người có tư tưởng thù địch với Tổng thống chi trả, trong đó đăng hẳn một trang có tựa đề “Wanted for Treason (Truy nã vì tội Phản quốc) với một danh sách “hồ sơ phạm tội” của Tổng thống Kennedy.
Ngay khi đọc thấy bài quảng cáo đó, khuôn mặt của Tổng thống Kennedy biến sắc, tối sầm. Một lúc sau, vẫn còn chưa hạ hỏa với những gì ông nhìn thấy, Tổng thống Kennedy nói với trợ lý của mình: “Anh có biết ai chịu trách nhiệm cho bài quảng cáo đó không?”. “Là Ted Dealey”, người trợ lý trả lời.
Ted Dealey là chủ sở hữu của tờ The Dallas Morning News, và được coi là một người dị lập, cực đoan. Nhiều người dân Mỹ đã tóm tắt con người ông ta như sau: Ông ta “phản đối hầu như bất cứ điều gì… ngoại trừ Sở thú Dallas”.
“Mọi người thấy thế nào với trang quảng cáo này?”, Tổng thống Kennedy quay sang hỏi vợ, phu nhân Jackie, người đang chỉnh lại bộ váy Chanel tuyệt đẹp màu hồng phấn. Rồi Tổng thống nói tiếp: “Lát nữa chúng ta sẽ phải đến cái nơi ấy (Dallas)”.
Vài giờ sau, vào lúc 12h30 ngày 22/11/1963, Tổng thống Kennedy đã bị ám sát tại quảng trường Dealey Plaza. Quảng trường này đặt theo tên người cha của Ted Dealey, người chịu trách nhiệm cho quảng cáo mang điềm gở, báo trước cái chết của Tổng thống Kennedy.
Nguồn: NTDVN
- Truyền kỳ về luân hồi của danh tướng George Patton trong thế chiến II
- Vì sao cần “tích đức”? giải thích bằng khoa học nhân thể
- Chứng kiến luân hồi chuyển sinh: người mang móng heo,heo có tay người