Tử Cấm Thành là một công trình kiến trúc độc đáo và phức tạp trong lịch sử Trung Quốc không chỉ bởi phương pháp và kết cấu xây dựng nó mà còn bởi loại gạch đặc biệt được sử dụng với quy trình chế tác rất cầu kỳ, tỷ mỷ.
Được xây dựng từ năm 1406 – 1420, Tử Cấm Thành hay Cố Cung là cung điện nổi tiếng suốt 2 thời đại Minh, Thanh trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Cho đến nay; các nhà khảo cổ học, sử học và kiến trúc sư vẫn bị công trình kiến trúc bí ẩn cuốn hút bởi những khám phá mới mẻ cũng như các bí ẩn vẫn còn nằm trong bóng tối.
Kết cấu đế củng hay phương pháp vận chuyển đá bằng băng ướt là những phát hiện gây kinh ngạc trong cách xây dựng Tử Cấm Thành. Và mới đây, một khám phá mới về loại vật liệu trong kết cấu xây dựng của Cố Cung khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ: “Gạch vàng”.
Gạch vàng đặt trên bàn kệ gỗ lim (Ảnh: NTDTV)
Có không ít người sẽ tò mò không hiểu vì sao loại gạch xây dựng cung điện xa xỉ nhất bậc nhất Trung Quốc lại có tên như vậy. Theo các ghi chép lịch sử và truyền miệng trong dân gian, Cố Cung được xây dựng từ loại vật liệu có tên “Gạch vàng” vô cùng quý giá và hiếm có, khiến nhiều người thời đó ao ước được một lần được chiêm ngưỡng.
Trên thực tế, cái tên “Gạch vàng” chỉ được dùng để chỉ giá trị và phương pháp làm nên loại gạch này, chứ không phải là nó được làm từ vàng. Và cho đến nay, bí mật này mới được làm sáng tỏ.
Cụ thể, những nghệ nhân xây dựng hay người biết về vật liệu này thời đó ví gạch lát sàn trong Tử Cấm Thành quý giá hơn vàng hay châu báu bởi quá trình làm nên 1 viên gạch này phải mất đến 720 ngày (tức là 2 năm), qua nhiều công đoạn chế biến và gia công phức tạp, đòi hỏi những người thợ có tay nghề cao và tinh vi.
Theo đó, khi bắt đầu xây dựng Cố Cung Bắc Kinh, những kiến trúc sư xây dựng đã chọn loại gạch từ lò gạch ở làng Lục Mộ, Tô Châu bởi đất ở đây có chất lượng tốt, vậy nên gạch được xuất ra thường rất cứng và hơn nhiều so với các nơi khác.
Loại gạch này không chỉ được làm từ những nghệ nhân có hàng trăm năm kinh nghiệm mà chúng có điểm khác biệt là đặc ruột, không có lỗ như gạch thường và một điểm kỳ lạ khác là âm thanh phát ra khi gõ vào gạch giống như âm thanh phát ra khi gõ vào vàng hay đá quý nên được vua Minh Thành Tổ ưng ý.
Nhờ có “Gạch vàng” mà Tử Cấm Thành là cung điện xa hoa bậc nhất của hai triều đại Minh – Thanh. (Ảnh: Reatimes)
Vì để dùng xây kinh thành nên người Trung Quốc xưa đều gọi tên loại gạch này là “Kim Chuyên” (nghĩa là gạch vàng) do chữ “kinh” phát âm gần giống với chữ “kim” (vàng).
Tuy tên gọi không giống như chất liệu làm nên nhưng chính quá trình chế tác và gia công quá phức tạp, gian khổ và mất rất nhiều thời gian nên nhiều nghệ nhân thời đó thường ví von rằng: “Một lượng vàng, một viên gạch” để nói về sự đắt đỏ của chúng.
Quá trình gia công phức tạp và kiểm định gắt gao: “Hỏng 6 viên gạch là coi như đồ phế liệu”
Sở dĩ gạch Tô Châu có giá trị ngang ngửa vàng cũng bởi quá trình sản xuất ra một viên gạch như vậy quá phức tạp, chỉ riêng công đoạn xử lý đất phải trải qua tới 7 bước khác nhau bao gồm: đào, vận chuyển, phơi khô, đập đất, nhào trộn, mài và sàng đất.
Đất được sử dụng ở đây phải là đất sét ở làng Lục Mộ, Tô Châu. Bắt đầu thi công, đất được loại bỏ “tạp chất”, sau đó những người thợ sẽ loại bỏ hết bọt khí để tạo độ đặc cho đất. Sau đó, cho đất sét vào khuôn đã tạo sẵn, tiến hành phơi khô trong 7 tháng liên tiếp rồi mới đi nung.
Quá trình nung cũng mất rất nhiều thời gian:
“Người ta sử dụng chất đốt là rơm rạ và trấu để loại bỏ hết hơi ẩm trong đất. Sau đó dùng củi chẻ đốt một tháng, rồi lại dùng củi không chẻ đốt một tháng nữa. Cuối cùng, dùng cành thông đốt tiếp 40 ngày, mới có thể ra lò và kết quả là gạch có bề mặt rất sáng bóng và trơn nhẵn.”
Một viên “gạch vàng” hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. (Ảnh: iFuun)
Chính vì quá trình gia công mất tới 2 năm cùng nhiều công đoạn như vậy nên giá thành của “Gạch vàng” rất đắt đỏ và số lượng sản xuất rất hạn chế. Không chỉ khâu gia công rất phức tạp mà quá trình kiểm định cũng rất nghiêm ngặt. Nếu một mẻ 6 viên không đạt tiêu chuẩn, số gạch đó coi như không đạt tiêu chuẩn “gõ có âm thanh của vàng nén, không có lỗ hổng” và phải chế tác lại. Việc vận chuyển và bảo quản cũng được tổ chức chặt chặt chẽ nhằm đảm bảo không để mất hoặc tráo đổi “hàng giả, hàng kém chất lượng”.
“Gạch vàng” trong Tử Cấm Thành có độ dày lớn, hơn nữa có khả năng thấm nước cao nên vào mùa hè rất mát. Nếu đặt hoa quả trên vật liệu này thì rất nhanh giảm nhiệt, đồng thời ăn sẽ ngon và mát hơn, người sống trên nền gạch này cũng có cảm giác dễ chịu, thoải mái.
Nhưng không phải khu vực nào trong Tử Cấm Thành đều được xây bằng “Gạch vàng”. Chỉ có điện Thái Hòa, điện Trung Hòa, điện Bảo Hòa và ba tuyến đường phía Đông, chính giữa và phía Tây của Cố Cung mới được lát “Gạch vàng”. Trên bề mặt những viên gạch này được khắc dấu của phủ Tô Châu và ghi rõ niên hiệu của từng thời kỳ như Vĩnh Lạc, Chính Đức, Càn Long.
Nền Điện Thái Hòa trong Cố Cung được lát bằng “Gạch vàng”. (Ảnh: Pinterest)
Mấy năm trước, một cặp “Gạch vàng” được sản xuất trong “Ngự Diêu” (Tạm dịch: Lò gạch của vua) thuộc triều nhà Minh, thời vua Vĩnh Lạc đã được bán với giá hơn 800.000 tệ (khoảng 2.8 tỷ VNĐ).
(Ảnh: NTDTV)
Đáng tiếc, bí quyết chính xác để chế tạo “Gạch vàng” trong Tử Cấm Thành đã thất truyền, gây tiếc nuối cho giới chuyên môn. Hi vọng một ngày nào đó, giới khảo cổ có thể tìm lại được sự huy hoàng của nó.
Nguồn: DKN