Các nhà nghiên cứu dự đoán trong vòng 300 năm tới, vùng dị thường ở từ trường Trái Đất sẽ biến mất và hiện tượng đảo cực từ sẽ không xảy ra.
Từ trường của Trái Đất đóng vai trò như lá chắn vô hình bảo vệ hành tinh trước môi trường khắc nghiệt của vũ trụ và gió mặt trời quét qua khí quyển. Tuy nhiên, từ trường này không ổn định. Trung bình cứ 200.000 năm một lần, hiện tượng đảo cực từ lại xảy ra. Điều đó có nghĩa cực từ Bắc và cực từ Nam sẽ đổi chỗ cho nhau.
Từ quyển dạng khiên trên bề mặt của Trái Đất từ các hạt bị tích điện của gió mặt trời. Nó bị nén vào ban ngày (mặt hứng ánh sáng Mặt Trời) do lực của các hạt bay đến và giãn nở vào ban đêm. (Ảnh: Wikipedia)
‘Lỗ hổng’ trường địa từ đe dọa vệ tinh và tàu vũ trụ vào năm 2020
Vào năm 2020, Cơ quan không gian châu Âu (ESA) sử dụng dữ liệu do chòm vệ tinh SWARM ghi nhận cường độ của từ trường ở vùng SAA (Bất thường Nam Đại Tây Dương) đã giảm hơn 8%.
Các nhà khoa học cho biết từ trường đang suy yếu ở khu vực giữa châu Phi và Nam Mỹ, gây khó khăn cho các vệ tinh và tàu du hành vũ trụ di chuyển qua khu vực này, do đó nó được đặt tên là Bất thường Nam Đại Tây Dương (SAA). Cho đến nay, vẫn chưa có lời giải thích nào cho hiện tượng này.
Ảnh đồ họa cho thấy vị trí của Bất thường Nam Đại Tây Dương. (Ảnh: SAA)
Làm sao hiểu được các quy trình đang diễn ra trong lõi Trái đất dẫn đến những thay đổi đó đang là thách thức hiện tại, theo Tạp chí Newsweek hôm 23/5/2020 dẫn lời tiến sĩ Matzka.
ESA nêu lên một khả năng: Đây là dấu hiệu cho thấy từ trường Trái đất đang chuẩn bị đảo chiều, theo đó cực từ Bắc và cực từ Nam thay vị trí cho nhau.
Lần cuối cùng trường địa từ đảo chiều là khoảng 780.000 năm trước, mà theo một số nhà khoa học cho rằng đến nay đã quá hạn. Thông thường cực từ Trái đất đảo chiều mỗi 250.000 năm/lần.
Một sự kiện như thế có thể gây ảnh hưởng lớn cho hoạt động của con người trên Trái đất, vì trường địa từ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ địa cầu trước sự tấn công của gió mặt trời và các bức xạ vũ trụ có hại.
Sự vận hành của viễn thông và các hệ thống vệ tinh cũng dựa vào từ trường Trái đất, cho thấy máy tính và điện thoại di động có thể gặp trục trặc nếu trường địa từ xảy ra biến động.
ESA cảnh báo SAA đã gây ra một số vấn đề cho hoạt động của vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất, trong khi các tàu du hành vũ trụ bay ngang khu vực này cũng xuất hiện “trục trặc kỹ thuật”.
Lỗ hổng ở từ trường Trái Đất sắp biến mất
Các nhà nghiên cứu dự đoán vùng dị thường ở từ trường Trái Đất sẽ biến mất trong 300 năm tới.
Từ trường bảo vệ Trái đất trước gió mặt trời. (Ảnh: SAA)
Sự xuất hiện của một khu vực bí ẩn ở Nam Đại Tây Dương, nơi độ mạnh của địa từ trường giảm nhanh chóng, dẫn tới suy đoán Trái Đất sắp trải qua hiện tượng đảo cực từ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố hôm 6/6 trên tạp chí PNAS dựa trên một loạt bằng chứng trong 9.000 năm qua, cho thấy những thay đổi hiện nay không quá khác thường.
Nghiên cứu mới chứng minh sự đảo từ có thể không xảy ra
Các hiện tượng dẫn tới suy đoán Trái Đất đang tiến dần đến sự đảo từ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chứng minh điều này có thể không đúng.
“Chúng tôi lập bản đồ thay đổi ở từ trường Trái Đất trong 9.000 năm qua và vùng dị thường như ở Nam Đại Tây Dương có thể là hiện tượng lặp lại liên quan tới thay đổi trong độ mạnh của từ trường Trái Đất”, Andreas Nilsson, nhà địa chất học ở Đại học Lund, cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích cổ vật bị đốt, mẫu vật núi lửa, mũi khoan trầm tích, tất cả đều mang thông tin về từ trường Trái Đất. Họ thu thập bình đất sét bị nung nóng tới hơn 580 độ C, dung nham núi lửa đã cứng lại và trầm tích ở sông hồ hoặc dưới biển để đo độ từ hóa, dựng lại hướng và độ mạnh của từ trường ở địa điểm và thời gian.
“Chúng tôi phát triển một kỹ thuật lập mô hình mới kết hợp quan sát gián tiếp từ nhiều khoảng thời gian và địa điểm khác nhau nhằm dựng lại từ trường trong hơn 9000 năm qua”, Andreas Nilsson nói.
Thông qua nghiên cứu cách từ trường thay đổi, các nhà khoa học có thể tìm hiểu nhiều hơn về quá trình trong lõi Trái Đất.
“Dựa theo sự tương đồng với vùng dị thường mô phỏng, chúng tôi dự đoán vùng dị thường Nam Đại Tây Dương có thể biến mất trong 300 năm tới”, Andreas Nilsson nói.
Nguồn: NTDVN