Linh đồng chuyển thế duy nhất không phải người Tây Tạng: Biết trước tương lai, nhớ rõ kiếp trước

Những câu chuyện về luân hồi chuyển thế từ xưa đến nay vẫn luôn tồn tại. Như chuyện pháp sư Huyền Trang thời nhà Đường đi lấy kinh, chính là nhị đệ tử Kim Thiền Tử của Phật Như Lai ở Tây Thiên chuyển thế; hòa thượng nổi danh Tế Công, tương truyền cũng là do Hàng Long La Hán chuyển sinh. 

Các câu chuyện về luân hồi chuyển thế được ghi chép trong Sử ký của các thời đại và các tài liệu lịch sử thực chất đã chẳng còn xa lạ gì, nhất là việc sau khi Lạt Ma Tây Tạng viên tịch sẽ tìm kiếm linh đồng chuyển thế.

Trong tập truyện ngắn “Tử Bất Ngữ” có ghi chép lại một câu chuyện như sau:

Sau khi Lạt Ma Tây Tạng Mô Lặc Cô qua đời, thông qua việc gieo quẻ, đệ tử của ông biết được ông đã chuyển sinh vào một gia đình ở phía tây. Năm Càn Long thứ tám (năm 1743), các nhà sư đã cầm theo những đồ dùng trước đây của Lạt Ma Mô Lặc Cô đi tìm linh đồng chuyển thế của ông. 

Chỗ họ muốn đến, có cậu bé Đạt Cơ là con trai của tộc trưởng tộc Nạp Tây (dân tộc thiểu số của Trung Quốc, ở khu vực Vân Nam, Tứ Xuyên), năm ấy vừa tròn 7 tuổi. 

Chỗ các nhà sư muốn đến, có cậu bé Đạt Cơ là con trai của tộc trưởng tộc Nạp Tây. (Ảnh minh họa qua Sound of Hope) 




Một ngày, Đạt Cơ bỗng nhiên chỉ vào một con gà con rồi hỏi mẹ: “Có phải gà con sẽ mãi mãi ở bên gà mẹ không mẹ?” Mẹ Đạt Cơ trả lời: “Gà con cuối cùng sẽ rời khỏi gà mẹ thôi.” Đạt Cơ lại hỏi: “Con trai có giống như con gà con này không ạ?” một lát sau không thấy mẹ trả lời, Đạt Cơ lại nói: “Hiện giờ đang có người từ Tây Tạng đến nơi đây đón tiểu Lạt Ma, làm thế nào để mời họ đến đây nhỉ?” Cha mẹ Đạt Cơ nghe thế chỉ cho là con mình nói lung tung.

Vậy nhưng Đạt Cơ vẫn cố gắng năn nỉ cha đi ra cửa xem thử, cha Đạt Cơ đành chiều con, ra ngoài xem thì quả nhiên có vài chục nhà sư không đợi mời mà đã trực tiếp đi đến trước cửa nhà ông. 

Đạt Cơ thấy các nhà sư đã đến, liền ngồi xếp bằng trên mặt đất, niệm chú ngữ trong một thời gian rất lâu. Sau đó các nhà sư cầm ra một số đồ vật, có các vật rất giống nhau, trong đó có chiếc bát mà Lạt Ma Mô Lặc Cô đã dùng khi còn sống, tràng hạt và một quyển ‘Tâm Kinh’ viết tay, gọi Đạt Cơ đến xem kỹ.

Đạt Cơ không do dự, lấy ra vật mà trước kia Lạt Ma Mô Lặc Cô từng dùng, đem tràng hạt đeo lên, một tay thì cầm chiếc bát, tay còn lại mở cuốn kinh thư ra và cười lớn. 

Các nhà sư thấy vậy vội vàng lấy mũ xuống cùng nhau khom lưng hành lễ với Đạt Cơ, Đạt Cơ để chiếc bát xuống, cầm kinh thư đứng lên, dùng tay chạm nhẹ lên đỉnh đầu của từng nhà sư. 

Ngay sau đó một nhà sư đã lấy ra một bộ mũ áo của tăng nhân đưa lên, Đạt Cơ liền tự mình mặc vào. Sau đó các nhà sư lại mang đến hơn chục tấm đệm gấm, đặt ở giữa phòng, rồi ngồi xuống vây quanh chỗ Đạt Cơ.

Chứng kiến cảnh tượng này, cha của Đạt Cơ có chút bối rối, không biết phải làm sao. 

Các thầy tu sau đó đã đem tặng cha của Đạt Cơ 500 (lạng) bạc trắng, tơ lụa, vải lông thú tất cả hơn chục cuộn, chúc ông trường thọ, rồi nói với ông rằng: “Đạt Cơ chính là Lạt Ma Phật chủ của chúng tôi, chúng tôi muốn đưa cậu ấy quay trở về Tây Tạng.” Vậy nhưng cha của Đạt Cơ không đồng ý, ông nói rằng mình chỉ có độc nhất một đứa con trai này, nên không thể để các nhà sư đưa đi được.

Đạt Cơ nghe vậy liền đến bên phụ thân nói với ông rằng: “Cha không cần lo lắng, sang năm, cha mẹ sẽ sinh hạ một bé trai khác kế thừa tổ nghiệp. Con là Lạt Ma chuyển thế, không thể ở lại đây được.” Phụ thân của Đạt Cơ nghe con nói vậy thì không còn cách nào, buộc lòng phải đồng ý, ông hướng tới Đạt Cơ chắp tay hành lễ tiễn con lên đường. 

Được sự đồng ý gia đình, các nhà sư đưa đã Đạt Cơ đến chùa Đạt Ma Động nghỉ lại 3 ngày, trước khi về Tây Tạng. Khi nghe được tin này dân chúng Nạp Tây cách xa vạn dặm đã đến chùa dâng hương, cúng bái, quyên tặng của cải nhiều vô kể. 

Về phần mẹ của Đạt Cơ, quả nhiên sau đó bà đã hạ sinh thêm một cậu con trai đúng y như lời Đạt Cơ nói.

Trong Di Tục Ký có ghi lại rằng, thủ lĩnh tộc Đột Quyết của đất Mông Cổ là Yểm Đáp Khả Hãn (đời thứ nhất của vua Minh Thuận Nghĩa) đã từng mời Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 3 là Sách Nam Gia Thố đến Thanh Hải. 

Vào khoảng năm thứ 6 triều đại nhà Minh, tức năm 1578 công nguyên, khi Đạt Lai Lạt Ma Sách Nam Gia Thố đến, Yểm Đáp Khả Hãn đã cung kính tiếp đãi Lạt Ma rất trọng hậu, chăm sóc chu đáo vô cùng. 

Thời điểm đó, Lạt Ma Sách Nam Gia Thố thường chỉ vào nơi mà cháu trai của Khả Hãn là Tùng Mộc Nhi Đài Cát ở và nói: “Nơi đây vài năm nữa sẽ có một vị Phật xuất thế.”

Đến năm Vạn Lịch thứ mười sáu (1588) Sách Nam Gia Thố nhận lời Minh Thần Tông đến thăm Bắc Kinh, nhưng khi mới đặt chân đến Mông Cổ thì ông đã viên tịch. 

Chưa đầy một năm sau, thê tử của Tùng Mộc Nhi Đài Cát mang thai và nghe thấy tiếng nói trong bụng của mình. Các nhà sư khi biết chuyện đều nói: “Đó là điềm báo sinh hạ Lạt Ma.” 

Đứa trẻ sau khi sinh ra quả nhiên đã tự nói rằng: “Ta trước đây đã từng là một Đạt Lai Lạt Ma.” Các tăng nhân cũng khẳng định: “Đây thật sự là Đạt Lai Lạt ma tái sinh rồi.”

Sau đó, phụ thân của Tùng Mộc Nhi Đài Cát (con trai của Yểm Đáp Khả Hãn là Khất Khánh Cáp, đời thứ 2 của vua Minh Thuận Nghĩa) đã mang đến con ngựa mà trước đây Đạt Lai Lạt Ma từng cưỡi, tràng hạt và một cuốn kinh sách.

Khi nhìn thấy những thứ này, đứa trẻ liền chỉ vào nói: “Con ngựa này là của ta.” Cậu bé cũng tự lấy ra tràng hạt cùng cuốn kinh sách trong vô số các đồ vật khác rồi nói: “Đây đều là đồ vật của ta trước kia.” Không chỉ vậy, đứa nhỏ này còn thường xuyên nói tiếng Tây Tạng, thứ ngôn ngữ mà chỉ các tăng nhân mới có thể hiểu được. 

Một điều đặc biệt nữa là khi được 3 –  4 tuổi, con trai của Tùng Mộc Nhi Đài Cát đã có thể đoán trước được phúc họa đời người. Mỗi lời cậu bé nói ra đều vô cùng chính xác khiến bao người cảm phục, họ sau đó đã gọi cậu bé là “Tiểu Lạt Ma”.

Nhiều người vì để được gặp “Tiểu Lạt Ma” mà đã không quản ngàn dặm xa xôi, gói ghém lương thực cuốc bộ tìm đến nơi cậu bé ở, chỉ cần được đứng ở cửa nhìn “Tiểu Lạt Ma” này thôi là họ cũng đã cảm thấy rất mãn nguyện rồi.


Một thời gian sau, các tu viện Cam Đan Tây Tạng, tu viện Triết Bạng, tu viện Sắc Lạp (3 tu viện này hợp lại được gọi là chùa Tam Đại) đã xác định con trai của Tùng Mộc Nhi Đài Cát chính là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma. 

Năm Vạn Lịch thứ 3 (1602), chùa Tam Đại phái người nghênh đón tiểu linh đồng về Tây Tạng, con trai của Tùng Mộc Nhi Đài Cát theo đó trở thành Đạt Lai Lạt Ma thứ tư Vân Đan Gia Thố. Ông là linh đồng chuyển thế đặc biệt của Đạt Lai Lạt Ma khi nhớ rõ quá khứ, có thể đoán biết được tương lai phúc họa đời người, và là linh đồng duy nhất không phải người Tây Tạng.

Nguồn: TH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *