Lần đầu tiên ghi lại hình ảnh tia vật chất phun ra từ 2 thiên hà va chạm

Các nhà nghiên cứu ghi lại hình ảnh đầu tiên về một luồng vật chất phun trào từ vụ va chạm giữa 2 thiên hà xoắn ốc.

Hình ảnh này cho thấy khi quá trinh hợp nhất giữa 2 thiên hà bước vào giai đoạn quan trọng, các hố đen ở lõi của chúng hoạt động tích cực hơn để giải phóng các tia vật chất với tốc độ gần với tốc độ của ánh sáng.

“Lần đầu tiên chúng tôi phát hiện 2 thiên hà chuẩn bị va chạm tạo ra tia vật chất non trẻ, sơ khai vừa mới bắt đầu sự sống của nó ở trung tâm của một trong các thiên hà”, Tiến sĩ Vaidehi Paliya tới từ Trung tâm nghiên cứu Deutsches Elektronen-Synchrotron (Đức) cho hay.

vatchat

(Ảnh minh họa)




Ông Paliya và các đồng nghiệp phát hiện ra quá trình phát xạ tia gamma, dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của tia vật chất từ thiên hà TXS 2116−077.

Theo nhóm nghiên cứu, phát hiện của họ cho thấy sự kiện va chạm giữa 2 thiên hà có thể cung cấp đủ vật chất để một hố đen siêu lớn chuyển sang trạng thái hoạt động. Các tia vật chất được phun ra từ đó chỉ là hệ quả của sự chuyển đổi trạng thái này.


Hầu hết mọi thiên hà trong vũ trụ đều có một hố đen siêu lớn của trung tâm, bao gồm Dải Ngân hà. Trong quá trình 2 thiên hà va chạm, có nhiều cơ hội để đẩy khí ga tới gần lõi.

“Rất khó để đánh bật khí gas từ thiên hà và đẩy nó tới trung tâm. Cần cái gì đó làm rung chuyển thiên hà để đẩy phần khí tới lõi. Sự hợp nhất hoặc va chạm giữa các thiên hà là cách đơn giản nhất để làm điều này. Khi lượng khí gas đủ lớn, hố đen sẽ trở nên rất sáng và có thể phun ra các tia vật chất”, ông Marco Ajello, đồng tác giả nghiên cứu cho hay.

Thông thường, các tia vật chất sẽ phát ra ánh sáng mạnh tới mức chúng ta không thể quan sát được thiên hà đằng sau nó. Tuy nhiên, do tia vật chất phun ra trong trường hợp này khá yếu nên vẫn có thể quan sát được thiên hà nơi nó được sinh ra.

Theo SONG HY (VTC NEWS)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *