Khoảng 150 năm sau khi ra đời ngành Ai Cập học (nghiên cứu lịch sử, văn học, tôn giáo và nghệ thuật Ai Cập cổ đại), giới khoa học hiện vẫn chưa có được lời giải đáp thỏa đáng cho nhiều bí ẩn bên trong Đại Kim tự tháp Giza. Trên thực tế, nhiều giả thuyết khác nhau đã được đưa ra, trong đó có giả thuyết cho rằng kim tự tháp được xây dựng làm nơi an nghỉ cuối cùng của Khufu, vị vua thứ hai của vương triều thứ 4, trị vì những năm 2589-2566 TCN. Ngoài ra, các giả thuyết khác như: kim tự tháp Giza được xây dựng để làm kho lưu trữ, nhà máy năng lượng cũng được nhắc đến.
Đại Kim Tự Tháp Giza (Ảnh: BigStockPhoto)
Chúng ta biết rằng Đại Kim tự tháp Giza nằm ở trung tâm địa lý của Trái đất (hoặc xấp xỉ), tức điểm trọng tâm của tất cả các vùng đất trên hành tinh (xem ảnh). Không giả thuyết nào có thể giải thích được điều này nên đa số đã phớt lờ hoặc xem nhẹ nó. Nếu kim tự tháp thực sự được xây dựng để làm ngôi mộ, vậy tại sao vua Khufu lại chọn vị trí đặc biệt này? Bên cạnh đó, vua Khufu đã mất bao lâu để thăm dò Trái Đất và chọn địa điểm xây dựng?
Vị trí đặc biệt của kim tự tháp trên Trái Đất dẫn đến một giả thuyết rất thú vị: công trình này là một nguồn phát ra ánh sáng. Giả thuyết này hoàn toàn có tính khả thi, nó có thể giải thích một số yếu tố kỳ lạ trong cấu trúc của kim tự tháp.
Kim tự tháp là một nguồn ánh sáng
Ánh sáng có thể được tạo ra bởi các hệ thống có thể phát ra các hạt tích điện vào tầng điện ly. Cực quang là hiện tượng được tạo ra như vậy – các hạt mang điện tích từ gió mặt trời va chạm với các phân tử trong không khí và tạo ra ánh sáng. Vậy Đại Kim tự tháp Giza tạo ra ánh sáng như thế nào?
Đầu tiên, chúng ta hãy để nói về vật liệu xây dựng được sử dụng trong Đại kim tự tháp Giza. Nếu con người thời kỳ đó xây dựng một hệ thống phát ra các electron và tạo ra ánh sáng, họ chắc chắn sẽ phải lựa chọn vật liệu xây dựng phù hợp, cần có loại vật liệu dẫn điện ở tần số cao. Đồng có độ dẫn điện tuyệt vời, tuy nhiên, ở tần số cao, đồng sẽ dễ dàng bị tan chảy chỉ trong vài giây. Vậy những vật liệu nào có thể được sử dụng để thay thế?
Đá vôi Nummulitic từ khu vực Abu Rawash đã được phân tích bởi Trung tâm nghiên cứu quốc gia Cairo, Ai Cập. Nó có thể dẫn điện ở tần số rất cao. Nếu cần vật liệu dẫn điện ở tần số khoảng 600 Tera Hz và có cấu trúc bền vững cho xây dựng thì đá vôi được xem là lựa chọn hàng đầu.
Một trong những tảng đá phủ ngoài Kim tự tháp Giza, được tìm thấy trong đống gạch vụn xung quanh (Ảnh: Wiki)
Để một cấu trúc có thể phát ra bức xạ tần số cao (phát ra ánh sáng), xung quanh nó phải là một diện tích đất liền rộng. Đây là yêu cầu cơ bản cho các hệ thống phát ra bức xạ điện từ mà kỹ sư thiết kế ăng-ten nào cũng biết. Nếu như kim tự tháp cần phát ra bức xạ điện từ trên quy mô hành tinh, thì vị trí của nó là quá lý tưởng!
Các electron được phát ra từ kim tự tháp cần phải tiếp cận tầng điện ly và có khoảng cách từ nó đến đỉnh của kim tự tháp là khoảng 100km. Trái đất là một tụ điện hình cầu, có nghĩa là các electron ở tần số cao sẽ đi qua không khí với trở kháng thấp. Ngoài ra, tầng điện ly có trở kháng không đáng kể, vậy nên các electron có thể di chuyển quanh Trái đất dễ dàng. Tuy nhiên, chúng cần quay trở lại điểm đáy của kim tự tháp để tạo thành một vòng khép kín.
Khi đi qua tầng điện ly, các electron sẽ va chạm với các nguyên tử của nhiều loại khí khác nhau, từ đó phát sáng như hiệu ứng cực quang. Từ tầng điện ly, các electron di chuyển trở lại Trái đất qua các điểm cao độ như cao nguyên và vùng núi non.
Cực quang phương Bắc (Ảnh: stein egil liland/pexels)
Thật thú vị khi biết rằng nhiều công trình văn hóa cổ đại trên khắp hành tinh có kết cấu giống như kim tự tháp. Khi tầng điện ly đã bão hòa các điện tích, kim tự tháp sẽ tạo ra đường dẫn cho các electron quay trở lại bề mặt Trái đất, qua đó ánh sáng sẽ phát ra cực mạnh trên đỉnh của kiến trúc.
Đại Kim Tự Tháp Giza và ánh Mặt trời (Ảnh: Wiki)
Khi các electron tiến đến vùng cao nguyên Giza, chúng sẽ đi qua các hang động chứa đầy nước. Việc tìm thấy các hang động được ghi nhận bởi Andrew Collins (Nhà văn, nhà nghiên cứu người Anh) và Tiến sĩ Hawass (Nhà Ai Cập học, cựu bộ trưởng Bộ các vấn đề cổ vật ở Ai Cập). Một quá trình khác sẽ diễn ra trong các hang này: điện phân nước, từ đó sinh ra khí hydro và oxy. Hỗn hợp khí trong hang khiến áp suất không khí trong các lớp nền tăng lên và tạo ra rung chấn kèm âm thanh. Hiện tượng này cũng đã được ghi nhận nhiều lần trong Văn tự tượng hình (Pyramid Text) khắc bên trong các kim tự tháp nhỏ hơn.
Kết cấu bên trong của Đại Kim tự tháp Giza
Đại Kim tự tháp Giza có một số phòng và hành lang. Mỗi khu vực đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra ánh sáng.
Sơ đồ Đại Kim Tự Tháp Giza.
Phòng tầng hầm
Đây là khu vực có nhiệm vụ phân tách các phân tử nước thành khí oxy và hydro, trong đó khí hydro sẽ tích tụ xung quanh cực âm (catốt) và oxy quanh cực dương (anốt). Nhưng chỉ cần khí hydro để tạo ánh sáng nên oxy sẽ bị đẩy ra.
Nhìn từ mặt trước, phòng tầng hầm có hai phần điện cực nhô lên làm bằng đá vôi.
Nhìn từ trên xuống, hai điện cực có phần nền khá tương đồng, với khoảng trống nằm ở chính giữa.
Hình ảnh thực tế trong Phòng tầng hầm (Ảnh: gizapyramid.com)
Lỗ dẫn nước dưới sàn có hình vuông, được đặt lệch góc 45 độ so với căn phòng do đường ống dẫn nước ngầm dưới kim tự tháp cũng lệch góc 45 độ. Dưới ống dẫn nước cũng có góc nghiêng 45 độ giúp duy trì tính ổn định của áp lực nước khi đi vào.
2 góc này cho thấy đây là thiết kế được tính toán kỹ bởi người hiểu về nguyên lý dòng chảy và nguyên tắc âm học phức tạp. Khí sinh ra trong hang động ngầm cũng sẽ đi vào qua lỗ dẫn nước này. Đây không phải là quá trình nước và khí từ từ đi vào, mà là phun vào với áp suất lớn.
Sau khi sinh ra, khí hydro nhẹ hơn sẽ đi lên theo hành lang trong khi khí oxy nặng hơn sẽ đi xuống dưới. Bạn có thể thấy 2 đường hầm dẫn khí ra ngoài căn phòng cũng không cao bằng nhau.
Đường hầm lớn trong Đại kim tự tháp. (Ảnh: Pprevos/Wiki)
Phòng Hoàng hậu
Để kim tự tháp tạo ra ánh sáng thì cần phải có các electron tự do, và cần có hydro để tạo ra chúng. Để có electron từ hydro, có thể chọn cách nén khí, đặt dưới điện áp cao hoặc bị bức xạ điện từ. Tất cả ba quá trình đều được tiến hành trong kim tự tháp. Khi áp suất không khí trong phòng tầng hầm tăng lên, khí hydro sẽ được nén trong phòng Hoàng hậu (và các đường hầm phía nam và phía bắc, vốn đóng kín bởi cửa Gantenbrink nên khí không thoát ra ngoài).
Cửa Gantenbrink (Ảnh: Internet)
Với áp lực tăng, nhiệt độ sẽ tăng lên làm cho điện tích tự do được giải phóng một phần. Các đường hầm nối với phòng Hoàng hậu vốn chỉ thẳng tới các ngôi sao, trên cửa chặn có điện cực đồng – giúp đưa bức xạ sóng điện từ vào hệ thống. Các tia X và tia gamma sẽ tiếp xúc với đồng, từ đó dẫn đến hiện tượng ion hóa hydro.
Phòng Nhà vua
Mục đích của phòng Nhà vua là thu thập tất cả các electron tự do được sinh ra trong phòng Hoàng hậu và đẩy chúng về phía đỉnh của kim tự tháp. Các dầm đá granit trong phòng này được làm bằng đá granit đỏ, có lượng tinh thể cao khi xung động và từ đó tạo ra một điện trường, kéo các electron từ phòng Hoàng hậu về phía đỉnh của kim tự tháp.
Phòng chờ và cửa đá phía trước phòng Nhà vua
Phía trước phòng Nhà vua là một phòng chờ (antechamber) với các tấm đá xếp song song nhau, chúng dùng để kiểm soát dòng khí hydro đi vào phòng Nhà Vua và điều hòa áp suất trong kim tự tháp. Về cơ bản, kiểm soát mức độ đóng của các tấm đá sẽ ngăn dòng khí đi vào phòng Nhà vua, và cũng kiểm soát áp suất trong phòng Hoàng hậu, tương đương kiểm soát lượng ánh sáng mà kim tự tháp tạo ra.
Chiếc “quan tài” trong phòng Nhà Vua
Đồ vật này đóng vai trò rất quan trọng. Nó được sử dụng nhằm tạo ra điện áp cao trong phòng Nhà Vua, để ion hóa hydro và tạo ra không gian dẫn điện. Nếu không có nguồn điện áp cao trong phòng, kim tự tháp sẽ không phát sáng được. Một thiết bị tương tự pin Baghdad hay Chiếc rương Thánh Tích có thể đã được sử dụng.
Chiếc “quan tài” trong phòng Nhà Vua (Ảnh: qua Researchgate.net)
Điểm chặn trong đường hầm
Có ba điểm chốt bằng đá granit ở phần dưới cùng của đường hầm hướng lên. Bộ phận này là chủ đề tranh cãi trong giới khoa học khi có ý kiến cho rằng chúng được sử dụng với mục đích đóng kim tự tháp khi cần. Nó giống như một nút “dừng khẩn cấp”. Những cái chốt bằng đá granit sẽ trượt xuống và ngắt dòng khí hydro di chuyển, làm cho toàn bộ hệ thống dừng lại. Đường hầm này đang ở tình trạng đóng, vậy nên, chúng đã được sử dụng ít nhất một lần.
Như vậy, trên đây đã trình bày toàn bộ giả thuyết về chức năng của Đại kim tự tháp Giza – phát electron tự do lên tầng điện ly, nhằm tạo ra ánh sáng cho Trái Đất. Khí hydro sinh ra trong phòng tầng hầm sẽ được dùng làm nguồn electron cho cả quá trình.
Giả thuyết này có một số điểm tương đồng với phân tích trong bài Kim tự tháp là nhà máy phát điện không dây, trong đó nói rằng tháp thí nghiệm của Tesla phát ra ánh sáng hàng trăm cây số, kể cả trên đại dương.
Nguồn: TTVN – Theo Ancient Origins