Kim cương đen có nguồn gốc ngoài Trái Đất?

Các nhà khoa học Jozsef Garai và Stephen Haggerty thuộc Trường Đại học quốc tế Florida (Mỹ) vừa khẳng định trên tạp chí Astrophysical Journal Letters rằng kim cương đen, còn gọi là carbonado, là những tinh thể có nguồn gốc ngoài Trái Đất.

(Ảnh: techno-science.net)

Họ đã sử dụng thiết bị bức xạ synchroton của phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven để phát hiện nguồn gốc của khoáng sản độc nhất này.

Từ “carbonado” do người Bồ Đào Nha ở Brazil đặt ra vào giữa thế kỷ thứ 18 do kim cương đen có bề ngoài giống than xốp. Nó chỉ có mặt trên Trái Đất ở Brazil và Trung Phi.

“Các thành phần chủ yếu xác định nguồn gốc ngoài Trái Đất là nitơ và hydrogen”, ông Haggerty cho biết. Theo ông, sự có mặt của hydrogen trong carbonado chứng minh sự hình thành trong một bối cảnh giàu hydrogen giữa các vì sao.

“Kim cương loại thường được khai thác từ các loại đá núi lửa (kimberlite) ở độ sâu trên 100km được đẩy lên do áp suất của núi lửa trong một khoảng thời gian rất ngắn”, bà Sonia Esperanca, Giám đốc chương trình thuộc Quỹ Khoa học quốc gia Hoa Kỳ (NSF) giải thích. Quá trình này bảo quản cấu trúc tinh thể độc nhất của kim cương khiến nó trở thành chất liệu thiên nhiên có độ cứng cao nhất.


Khoảng 600 tấn kim cương loại thường đã được khai thác từ Australia, Siberia, Trung Quốc và Ấn Độ và tung ra thị trường, được đánh bóng và tô điểm từ năm 1900. Nhưng theo ông Haggerty, chưa có viên kim cương đen nào được phát hiện trong một khu mỏ.

Các phân tích mới xác nhận các nghiên cứu trước đây do ông Haggerty thực hiện, chứng minh kim cương đen có thể được tạo từ những vụ nổ siêu tân tinh (supernovae), hình thành các vì sao mới. Chúng có hình dạng tiểu hành tinh với đường kính từ 1km trở lên khi rơi xuống Trái Đất.

Nguồn: KH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *