Không ai dám mở xác ướp pharaoh Ai Cập này ra, dù đã 140 năm kể từ ngày ông được tìm thấy

Bây giờ các nhà khoa học đã làm điều đó theo một cách không tưởng.

Một bức vẽ hiện trạng xác ướp Amenhotep I khi được tìm thấy vào năm 1881.  

Trong số hàng trăm xác ướp Ai Cập đã được các nhà khảo cổ tìm thấy trong thế kỷ 19 và 20, hiện chỉ còn một xác ướp duy nhất chưa bao giờ được mở lớp vải liệm.

Đó là xác của pharaoh Amenhotep I, vị hoàng đế đã trị vì Ai Cập cổ đại từ năm 1525-1504 trước Công nguyên. Thi hài của ông được tìm thấy vào năm 1881 tại một lăng mộ ở thành phố Luxor, xưa là thành trì Thebes cổ đại nằm bên bờ sông Nile và cách Địa Trung Hải 800 km về phía nam.

 Các tài liệu cho thấy xác ướp Amenhotep I đã từng một lần bị trộm. Sau đó, một nhóm linh mục đã cải táng ông vào khoảng thế kỷ 11 trước Công nguyên. Họ đeo cho Amenhotep I một chiếc vòng vàng và 30 tấm bùa hộ mệnh, từ Con mắt của Horus, bùa đầu rắn cho tới bùa bọ hung.

Vị pharaoh đã tiếp tục yên nghỉ hơn 3.000 năm và đã 140 năm kể từ khi một lần nữa được tìm thấy vào thế kỷ 19. Một lý do khiến chưa một nhà khoa học nào muốn mở xác ướp này ra là bởi nó được bọc quá tinh xảo.

Amenhotep I có một chiếc mặt nạ được vẽ rất kỳ công với những chiếc vòng hoa đính đá lộng lẫy. Bất kể ai dù không sợ hãi những lá bùa cũng phải do dự khi gỡ lớp vải liệm và đánh thức vị pharaoh này dậy, bởi làm vậy là họ cũng đã phá hủy mất một tác phẩm nghệ thuật.

Nhưng bây giờ, với công nghệ chụp cắt lớp CT tiên tiến, một nhóm các nhà khoa học đã lần đầu tiên nhìn được xuyên vào bên trong xác ướp Amenhotep I mà không cần mở ra dù chỉ một lớp vải liệm. Những tia X đã tiết lộ dung nhan của vị vua, tư thế nằm của ông ấy và thậm chí họ biết pharaoh đã cắt bao quy đầu.

Pharaoh Amenhotep I là ai?
Người ta biết đến ông như vị hoàng đế bất đắc dĩ thứ hai trong vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại. Amenhotep I vốn là con trai út của pharaoh Ahmose I và nữ hoàng Ahmose-Nefertari. Phía trên ông còn có 2 người anh trai nên Amenhotep I vốn không được chọn là người thừa kế vương vị.

Trong nửa đầu của triều đại thứ 18, pharaoh Ahmose đã thực hiện thành công các cuộc chinh phạt vùng hạ nguồn Ai Cập, vùng Syria và Nubia, mở đường cho một Vương quốc Ai Cập mới trong đó lãnh thổ và quyền lực của các pharaoh lúc này đã được đẩy lên tới đỉnh cao.

Tuy nhiên, ngay từ khi Ahmose còn sống, ông đã phải chứng kiến sự ra đi của cả hai người con trai lớn của mình, Ahmose-ankh và Ahmose Sapair. Amenhotep I khi đó là con trai thứ ba mới bất đắc dĩ được lập thành thái tử và thừa kế ngai vị.

Mặt nạ bên ngoài xác ướp Amenhotep I được chế tác từ gỗ và bìa carton, con ngươi mắt được làm từ tinh thể obsidian, trên trán có một con rắn hổ mang khảm đá.




Ahmose đã sắp đặt quyền lực cho con trai mình từ năm Amenhotep I mới 10 tuổi. Ông cùng con nhiếp chính để bảo đảm không kẻ nào có thể tranh giành ngai vị của cậu bé. Sau khi ông chết, đến lượt nữ hoàng Nefertari tiếp tục nhiếp chính cùng Amenhotep I cho tới năm ông trưởng thành.

Kế nghiệp người cha vĩ đại của mình, Amenhotep I tiếp tục thực hiện nhiều chiến dịch quân sự để củng cố các lãnh thổ xung quanh Ai Cập mới, bao gồm vùng Levant, nam Canaan và bắc Sudan. Ông nuôi hi vọng chinh phạt cả quốc gia xung quanh nhưng đặc biệt giữ quan hệ với Lebanon, nơi gỗ tuyết tùng được chuyển về Ai Cập để xây dựng các công trình xa hoa.

Song hành với sự thịnh vượng của đất nước, Amenhotep I đã cảm ơn các vị thần bằng cách thúc đẩy nhiều dự án xây dựng đền thờ ở thượng nguồn Ai Cập. Ông lập ra một ngôi làng nghệ nhân tên là Deir el-Medina, chuyên phục vụ các công trình nhà nước.

Ở đó có đủ các nhóm lao động sinh sống, từ thợ cắt đá, thợ thạch cao, người chuyển nước, các đốc công và nghệ nhân trang trí đền thờ, lăng tẩm. Tất cả đều được trả lương theo biên chế đặc biệt của Ai Cập, gấp 3 lần lao động phổ thông và được tính vào hàng ngũ trung lưu.

Dân trí và văn hóa trong thời kỳ trị vì của Amenhotep I cũng có những bước phát triển đáng kể. Giấy cói và đồng hồ nước được coi là 2 phát minh quan trọng ra đời trong thời kỳ này.

Cái chết và xác ướp
Amenhotep I trị vì được khoảng hơn 20 năm thì mất khi ông ngoài 30 tuổi. Không ai biết lý do tại sao ông chết và nơi ông đã được chôn cất ban đầu. Bởi Amenhotep I được cho là vị vua đầu tiên của Ai Cập không để xác trong đền thờ của mình, có lẽ vì sợ bị trộm mộ.

Đền của Amenhotep I được đặt tại khu phức hợp lăng tẩm Deir el Bahri. Tại ngôi làng nơi ông thành lập, người dân Deir el-Medina cũng thờ ông và phong Amenhotep I thành một vị thần bảo hộ.

Năm 1881, một nhóm nghiên cứu do nhà Ai Cập học người Pháp Gaston Maspero dẫn đầu đã tìm thấy xác ướp của Amenhotep I trong một ngôi mộ ở bờ Tây thành cổ Thebes (thuộc Luxor ngày nay).




Nguyên dạng xác ướp Amenhotep I khi được tìm thấy kể từ năm 1881.

Cái xác được bọc bằng vải lanh, từ đầu tới chân được phủ bằng vòng hoa đỏ, vàng và xanh lam. Đầu xác ướp có một mặt nạ được chế tác từ gỗ và bìa carton sơn màu vàng nhạt. Viền mắt và lông mày Amenhotep I được sơn đen, con ngươi mắt được làm từ tinh thể obsidian. Trên trán có một con rắn hổ mang khảm đá.

Tuy nhiên các tài liệu cổ ghi lại cho thấy đây chỉ là khu vực cải táng được thành lập vào vương triều thứ 21 Ai Cập cổ đại (khoảng năm 1070 đến năm 945 trước Công Nguyên). Mộ của Amenhotep I có vẻ như đã bị trộm đột nhập dù đã được che giấu rất kỹ.

Xác ướp của ông sau đó đã được đưa về Bảo tàng Boulaq rồi về Bảo tàng Cairo, Ai Cập và yên nghỉ cho tới bây giờ. Như đã nói, không ai dám mở xác ướp của Amenhotep I ra trong suốt hơn 140 năm sau khi được tìm thấy.

Mới đây, trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Frontiers in Medicine, các nhà khoa học Ai Cập cho biết họ cuối cùng cũng đã tìm được ra cách “mở” xác ướp của Amenhotep I ra mà không cần tháo dù chỉ một mảnh vải liệm của ông ấy.

Công việc được thực hiện bằng một máy quét CT đa đầu dò Somatom Emotion 6 của hãng Siemens. Họ đã lắp chiếc máy chụp cắt lớp này vào bên trong thùng của một chiếc xe tải và lái nó vào vườn Bảo tàng Cairo, nơi xác ướp Amenhotep I được chuyển ra và bắt đầu công việc bóc tách bằng tia X.





Giáo sư Sahar Saleem đến từ Khoa Y Đại học Cairo đang đưa xác ướp Amenhotep I vào máy chụp CT, và lần đầu tiên dung mạo nhà vua đã lộ diện.




Giống như một buổi chụp CT trong bệnh viện nhưng kéo dài hơn, các tia X với nhiều thông số được hiệu chỉnh sẵn sẽ bắn xuyên qua mẫu vật ở nhiều góc độ khác nhau mà không phá hủy nó.

Sử dụng một phần mềm trực quan hóa tên là OsiriX, các nhà khoa học có thể sử dụng các công cụ “dao mổ” và phân tích vật liệu để nhìn vào những gì có trong xác ướp của Amenhotep I. Công việc cuối cùng cũng tiết lộ dung nhan bí ẩn của vị vua.

Những bí ẩn lần đầu tiên được hé lộ
Ảnh chụp CT cho thấy Amenhotep I cao khoảng 1m69, có khuôn mặt hình trái xoan, mắt trũng sâu và má hơi hóp. Mũi của ông nhỏ, hẹp và tẹt, một số răng hàm trên của ông ấy bị chìa ra ngoài ở mức độ nhẹ. Cằm hẹp, tai nhỏ đeo khuyên, Amenhotep I có vẻ rất giống cha của mình Ahmose I.

Tuy nhiên, chỉ dựa vào ảnh chụp CT thì không thể xác định Amenhotep I đã chết vì nguyên nhân gì. Răng và xương của ông ấy hoàn toàn khỏe mạnh so với độ tuổi. Các nhà khoa học cho biết bao quy đầu của vị vua đã được cắt một phần, như một nghi thức trưởng thành của người Ai Cập cổ đại.

Ngoài ra, “không có bất kỳ vết thương, biến dạng do bệnh tật nào tiết lộ về cái chết của ông”, giáo sư Sahar Saleem, một trong số các tác giả nghiên cứu mới đến từ Khoa Y Đại học Cairo cho biết.

Ảnh chụp CT cho thấy Amenhotep I có khuôn mặt hình trái xoan, mũi tẹt và răng hàm trên hơi hô.




Sau khi ông ấy chết, xác của Amenhotep I đã được loại bỏ toàn bộ nội tạng thông qua một vết rạch ở dọc sườn bên trái. Ngoại trừ trái tim, bộ phận linh thiêng được coi là nơi chứa linh hồn của ông được để lại trong lồng ngực. Toàn bộ khoang cơ thể sau đó được nhồi lại bằng vải lanh.

Ảnh chụp CT cũng tiết lộ chi tiết các lớp vải lanh được quấn quanh quanh người Amenhotep I. Đến mức các nhà khoa học có thể dùng “dao ảo” tách chúng ra từng mảnh ở mỗi chi, ngón tay và dương vật của ông ấy.

Các phân tích về vật liệu cho thấy phía dưới lớp vải liệm của Amenhotep I còn 30 tấm bùa hộ mệnh cùng rất nhiều trang sức. Tất cả đều là thứ mà các linh mục trong vương triều thứ 21 đã yểm lại bởi xác ướp của Amenhotep I đã bị cướp một lần.

Những kẻ trộm mộ đã làm hỏng thi thể của ông ấy một cách tàn bạo, có thể để lấy đi trang sức có giá trị.




Đầu của Amenhotep I gần như đã bị đứt lìa, các linh mục đã gắn lại nó bằng nhựa thông. Có hai ngón tay của ông bị đứt và bụng thủng một lỗ lớn, có thể là chỗ những kẻ trộm mộ thò tay vào để lấy ra những lá bùa bằng vàng.

“Hình ảnh CT cho thấy mức độ tổn thương của xác ướp Amenhotep I, với các vết gãy ở cổ và dấu hiệu bị chặt đầu. Ngoài ra còn có một khiếm khuyết lớn ở thành bụng trước, các tổn thương ở tứ chi, bao gồm cả bàn tay và bàn chân phải”, các nhà khoa học viết.

Sau đó, có những bằng chứng chỉ ra những linh mục trong khi cải táng đã cố gắng sắp xếp lại xác ướp, nối các vị trí xương gãy bằng nhựa thông. Họ đặt hai ngón tay bị gãy rời của Amenhotep I vào trong bụng ông ấy, bó cố định lại bàn chân bị gãy bằng một tấm gỗ và đinh ghim. Sau đó quấn lại toàn bộ cơ thể bằng vải lanh mới.

Kara Cooney, một giáo sư Ai Cập học tại Đại học California cho biết các linh mục ở triều đại thứ 21 coi Amenhotep I là một trong số những tổ tiên của mình. Vì vậy, họ đã đặt một chiếc vòng vàng thể hiện sự sùng kính của mình lên người vị vua.

“Sinh thời, những người Ai Cập cổ đại sẽ đeo đồ trang sức quanh eo của họ. Một số chiếc vòng, như chiếc này, có bùa hộ mệnh ở bên cạnh”, Saleem nói.

Phân tích tiết lộ có 11 chiếc bùa trong xác ướp Amenhotep I được làm bằng vàng, 13 chiếc làm bằng ngọc, thạch anh, 5 chiếc làm bằng đất sét nung và 1 chiếc làm bằng đá. Về hình dáng, chúng có đủ loại từ các lá bùa Wadjet (con mắt của thần Horus biểu tượng cho sự phục sinh), bùa bọ hung, lông vũ kép, giấy cói, chuỗi hạt, vỏ ốc và bùa đầu rắn…

Điều này giải thích tại sao các xác ướp Ai Cập luôn trở thành mục tiêu của những kẻ trộm mộ và săn tìm cổ vật.




Chiếc vòng vàng mà Amenhotep I đeo quanh bụng cùng danh sách 30 lá bùa được yểm quanh các vị trí trong cơ thể ông.

Chiếc vòng vàng mà Amenhotep I đeo quanh bụng cùng danh sách 30 lá bùa được yểm quanh các vị trí trong cơ thể ông.

Qua nghiên cứu mới, các nhà khoa học cho biết họ đã chứng minh được tiềm năng của công nghệ chụp cắt lớp CT. Nó có thể cho phép chúng ta nhìn thấy chi tiết bên trong một xác ướp mà không cần mở ra và phá hủy lớp vải liệm cùng mặt nạ được chế tạo tinh xảo bên ngoài.


“Việc xác ướp Amenhotep I chưa bao giờ được mở ra trong thời hiện đại đã mang đến cho chúng tôi một cơ hội độc nhất vô nhị: không chỉ nghiên cứu được cách ông ấy được ướp xác và chôn cất ban đầu, mà còn cả cách ông bị đối xử tàn bạo bởi kẻ trộm và cải táng hai lần bởi các thầy tế lễ tối cao sau nhiều thế kỷ”, Saleem nói.

Nhóm nghiên cứu cho biết công nghệ chụp CT nên được áp dụng để nghiên cứu xác ướp, không chỉ ở Ai Cập mà cả các nền văn hóa khác như Peru, bởi bây giờ bạn có thể dùng tia X để nhìn xuyên vào bên trong mà không cần “đánh thức” giấc ngủ vĩnh hằng của những xác ướp này.

Nguồn: SH – Tham khảo Frontiersin , Businessinsider

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *