Khi một hành tinh có sự sống va phải một vật thể chuyến động cỡ nhỏ như một tiểu hành tinh hay sao chổi, thì một số dạng thức sự sống vi mô của hành tinh có thể bị kẹt bên trong các mảnh vụn bắn ra. Trong trạng thái ngủ đông, trên lý thuyết chúng có thể tồn tại sau một quãng đường dài lưu lạc trong không gian vũ trụ. Nếu những mảnh vụn này đụng phải một hành tinh có điều kiện thích hợp cho sự sống, những dạng sống vi mô này có thể hoạt động trở lại. Như vậy, một hành tinh cằn cỗi sẽ được ươm mầm sự sống.
Nghe có vẻ bất ngờ, nhưng giả thuyết này không phải quá xa vời. Chỉ vừa năm ngoái, người ta đã phát hiện thấy các sinh vật phù du dưới biển trôi nổi bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế, và không ai biết được tại sao chúng lại có thể đến đó được.
Trái đất của chúng ta tồn tại một số vi sinh vật có sức sống kiên cường, gọi là extremophile. Như tên gọi của chúng: extremus-extreme: cực hạn, các vi sinh vật này có thể sinh trưởng trong một số điều kiện khắc nghiệt: gần những miệng phun thủy nhiệt dưới đáy đại dương, hay trong những môi trường có tính axit cực mạnh. Theo các thí nghiệm của các nhà nghiên cứu Nhật Bản, một số loài sinh vật không chỉ tồn tại được trong điều kiện trọng lực cực đại, mà còn có thể sinh trưởng ở đó. Có một loài sinh vật đã phải chịu trọng lực lên đến 400.000 lần so với trên Trái đất nhưng vẫn có thể tồn tại.
Một số loài extremophile có thể tồn tại ở nhiệt độ âm lạnh giá, và trong môi trường có nồng độ phóng xạ cao. Nhưng khía cạnh quan trọng nhất là các nhà khoa học đã tìm thấy những bào tử 40 triệu năm tuổi vẫn có khả năng tồn tại và phát triển độc lập. Nói chung, chúng có thể tồn tại ở bất cứ nơi đâu trong khoảng thời gian cực kỳ lâu dài.
Do đó, có thể giả định rằng chúng sẽ sống sót sau một vụ va chạm tiêu hủy cả hành tinh gốc của chúng, trải qua một cuộc du hành vũ trụ và sống sót sau một chấn động khác để đáp xuống một hành tinh khác. Sự sống trên Trái đất hoàn toàn có thể đã bắt nguồn từ đâu đó trong vũ trụ.
Và bây giờ đến phần Khối cầu Titan mang sự sống đã tới Trái đất
Trong tháng 1/2015, một đội ngũ các nhà khoa học từ trường Đại học Buckingham và trường Đại học Sheffield đã phát hiện được một vật thể tuy nhỏ nhưng rất thú vị. Họ đã thả các khinh khí cầu lên độ cao 27 km nhằm thu thập các mẫu bụi và các hạt chất. Họ đã thu được một thứ khá bất ngờ.
Chính là vật thể này. (Ảnh: Journal of Cosmology)
Một khối cầu kim loại nhỏ có chiều ngang bằng một sợi tóc người đã va đập với bề mặt của dụng cụ lấy mẫu trên khinh khí cầu, để lại một hố nứt nhỏ xíu. Điều này cho thấy khối cầu này đã di chuyển với vận tốc lớn. Giáo sư Wainwright giải thích:
“Khi va phải dụng cụ lấy mẫu ở tầng bình lưu, khối cầu đã tạo nên một hố va chạm. Đây là một phiên bản mini của hố va chạm lớn trên Trái đất do một tiểu hành tinh gây ra, có giả thuyết cho rằng điều này đã dẫn tới sự tuyệt chủng của khủng long. Hố va chạm mini này chứng minh rằng khối cầu đến từ không gian vũ trụ, bởi lẽ một sinh vật từ Trái đất sẽ không thể bay đủ nhanh để tạo một lực va đập như vậy khi nó rơi trở lại Trái đất”.
Phân tích bằng tia X-quang cho thấy khối cầu này được tạo thành từ titanium với chút dấu vết của vanadium. Titanium là một trong những kim loại cứng nhất từng được con người biết đến, đồng thời cũng có nhiệt độ nóng chảy cao. Điều này đã khiến GS. Wainwright và nhóm nghiên cứu của ông tin rằng khối cầu này đã được chế tạo và có lẽ có nguồn gốc từ ngoài Trái đất. Chà, tới đây thì việc này còn kỳ quái hơn nữa.
Bề mặt của khối cầu được phủ trong một lớp “giống như thảm đan dạng nấm” và một chất lỏng sinh học đang “rỉ ra từ trung tâm khối cầu”. Chính hợp chất hữu cơ này đã làm các nhà khoa học chấn động. Mặc dù thấy rất hứng thú, nhưng phát hiện của họ đã bị những đồng nghiệp đặt câu hỏi, có người cho rằng khối cầu đã bị ô nhiễm bởi các phần tử có nguồn gốc trên địa cầu.
Nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị tiến hành thêm các phân tích trên các mẫu vật thu thập được. Ho cũng hy vọng rằng phát hiện của họ sẽ được củng cố bởi dự án thả khinh khí cầu lên tầng bình lưu của NASA trong tương lai gần. Nếu NASA cũng tìm thấy các phần tử tương tự và tuyên bố rằng chúng có nguồn gốc từ ngoài Trái đất, giới khoa học sẽ phải nghiêm túc xem xét tính khả thi của giả thuyết gieo mầm sự sống (panspermia) [1]
Một đồng nghiệp của GS. Wainwright – GS. Chandra Wickramasinghe, giám đốc Trung tâm Sinh vật học vũ trụ Buckingham, là người ủng hộ giả thuyết này trong một thời gian dài.
Giới khoa học chủ lưu và các học viện đã phản đối những lý thuyết dạng này nhưng hiện nay bằng chứng từ thiên thạch, từ các mẫu vi khuẩn trong không gian vũ trụ và các quan sát không gian đã khiến việc phản bác trở nên khó khăn hơn.
Ông trao đổi với tờ Daily Express rằng nếu chứng minh được rằng Trái đất đang trong trạng thái không ngừng trao đổi vật chất với các thiên thể lớn hơn, chúng ta sẽ biết rõ hơn mình là ai. Ngoài ra, chúng ta sẽ có thêm hiểu biết sâu sắc về các vi-rút ngoại lai đóng vai trò quan trọng trong việc nhận dạng danh tính nhóm, quá trình tiến hóa và sinh tồn của chính chúng ta”.
“Đây có lẽ là thứ chưa từng được phát hiện trên Trái Đất”
– Giáo sư Milton Wainwright, trường Đại học Sheffield, nhận định.
GS. Wainwright ngờ rằng khối cầu này có thể là bằng chứng của việc gieo mầm trực tiếp, hay việc lan truyền sự sống có chủ đích trong khắp vũ trụ. Trước khi dán nhãn cho ông là “suy nghĩ thái quá”, chúng ta nên nhớ đến Francis Crick, người đoạt giải Nobel vì đã đồng phát hiện ra cấu trúc của nguyên tử ADN, và ông cũng có quan điểm tương tự.
Nhân loại nên bắt đầu gửi con nhộng chứa sự sống đến các thế giới thích hợp trong tương lai gần để bảo tồn và mở rộng sự sống trong không gian. Ngay cả nếu hiện tại đây chỉ khoa học viễn tưởng, thì trong chưa đầy một thế kỉ nữa, chúng ta có thể gửi đi những vi khuẩn có sức sống mạnh mẽ gắn vào một cánh buồm năng lượng mặt trời. Nhưng chúng ta có thể đã vô tình gửi đi các vi sinh vật ra ngoài không gian rồi. Không thể biết chắc rằng những vi sinh vật này không bám vào các tàu thám hiểm trên sao Hỏa. Có lẽ chúng đã nhân rộng số lượng và thiết lập các cộng đồng ở đó – nhưng, dù sao đây cũng chỉ là sự phỏng đoán.
Giải thuyết gieo mầm sự sống trực tiếp (directed panspermia) nêu lên một số câu hỏi mang tính logic. Phải chăng sự sống đã được gieo mầm một cách có chủ đích trên Trái đất? Phải chăng sự sống đã được một nền văn minh đủ tiên tiến gửi đến cách đây hơn 3,5 tỷ năm trước, khi mà Trái đất của chúng ta vẫn còn trẻ và cằn cỗi? Chúng ta trả lời những câu hỏi này như thế nào?
Từ đầu những năm 1980, trong một số tư liệu xuất bản, người ta đã gợi ý rằng có thể chứng minh việc gieo mầm sự sống có chủ đích nếu mã gien của những vi sinh vật đầu tiên trên Trái đất chứa một “thông điệp chữ ký đặc biệt”, như một loại dấu hiệu của kĩ sư. Vào năm 2013, một nhóm các nhà vật lý tuyên bố rằng họ đã tìm ra đúng cái đó và bạn có thể đọc về nó ở đây: Có một thông điệp của người ngoài hành tinh giấu trong ADN người?
Cho tới khi có thêm nhiều bằng chứng xuất hiện, chúng sẽ chỉ phải đợi và xem xem cái khối cầu nhỏ xíu có lẽ của người ngoài hành tinh này sẽ cho chúng ta biết thêm điều gì.
Dù vô tình hay có chủ đích thì có lẽ ” Sự sống trên Trái đất của chúng ta đến từ ngoài vũ trụ và đã được gieo mầm !”
Chú thích của người dịch:
[1] Panspermia là giả thuyết về sự sống tồn tại trên khắp vũ trụ dưới dạng thức của các vi sinh vật, được tồn trữ trong các tiểu hành tinh, thiên thạch, sao chổi. Lý thuyết này giả định rằng các dạng thức vi mô của sự sống có thể tồn tại qua các ảnh hưởng của không gian vũ trụ, lưu tồn trong các mảnh vụn và phóng vào không gian sau vụ va chạm giữa các hành tinh và vật thể trong vũ trụ. Trong trạng thái ngủ đông, các vi sinh vật này có thể sống sót qua những chuyến du hành vũ trụ rất dài, và khi gặp các điều kiện sinh tồn thích hợp, chúng sẽ trở nên hoạt động và lại bắt đầu sinh sôi.Theo Infonet/Vnexpress/MT