Khoa học và tôn giáo: Từ Bruno, Galileo đến người ngoài hành tinh

Galileo đối mặt với Tòa án Dị giáo La Mã. Tranh vẽ bởi Cristiano Banti vào năm 1857.

Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về cuộc xung đột giữa tôn giáo và khoa học là vụ xét xử Galileo Galilei. Galileo ủng hộ quan điểm của Copernicus cho rằng Trái đất quay xung quanh Mặt trời, một lí thuyết “nhật tâm” [1] vốn bị nhà thờ tuyên bố là trái ngược với Kinh thánh. Galileo bị cảnh báo không được phép ủng hộ lí thuyết này, thay vào đó nên tán thành quan điểm “địa tâm” [2] truyền thống, trong đó Trái đất là một điểm cố định ở trung tâm mà vạn vật xoay xung quanh.

Bức tranh nghệ thuật thể hiện hệ địa tâm có các dấu hiệu của Hoàng đạo và Hệ Mặt trời với Trái đất ở trung tâm.

Bức tranh nghệ thuật thể hiện thuyết nhật tâm, với Hệ Mặt trời có Mặt trời nằm ở vị trí trung tâm.




Câu chuyện của Galileo: rốt cuộc vì sao ông bị kết tội? 

Thay vì thế, năm 1632, Galileo xuất bản cuốn “Đối thoại về hai hệ thống thế giới trọng yếu”. Cuốn sách được xây dựng dưới dạng một cuộc đối thoại giữa Salviati, một nhà triết học nhật tâm, Simplicio, một nhà triết học địa tâm, và Sagredo, một thường dân trung lập. Thực ra, giáo hoàng Urban VIII đã cho phép Galileo viết quyển sách miễn là ông không cho quan điểm nào thắng thế. Tuy nhiên, Salviati đã tranh luận một cách gay gắt các luận điểm của Galileo, còn Simplicio lại thường bị chế nhạo như một tên ngốc.

Một câu chuyện thường được người ta kể lại là, sau khi quyển sách của Galileo được xuất bản, Đức Giáo hoàng cảm thấy bị lăng mạ khi những lời lẽ của ông được truyền tải qua lời Simplicio.

Galileo giải thích địa thế Mặt trăng với hai vị Hồng y. Tranh vẽ của Jean Leon Huens.




Không những hình tượng Giáo hoàng được xây dựng theo một cách rất lố bịch, mà ngay chính cái tên tác giả đã mang ý nghĩa nước đôi (Simplicio/simple-minded/semplice có nghĩa là “đầu óc đơn giản” theo tiếng Ý). Tuy nhiên, nhà thiên văn học của tòa thánh Vatican Brother Guy Consolmagno lại bác bỏ cách phân tích này.

“Thứ nhất, ‘Simplicio’ là một cái tên đã có từ lâu trong các bài thuyết giảng triết học, chứ không phải cái gì mới mẻ do Galileo phát minh ra, để ám chỉ một người có thể nhìn xuyên qua màn sương tạo dựng bởi những nhà triết học tinh tế và hiểu biết hơn vốn có thể phát minh ra những lý thuyết tinh vi nhưng lại mất đi khả năng nhìn thấy những sự thật đơn giản hiển nhiên, kiểu như đứa trẻ sáng dạ có thể nhận ra rằng hoàng đế cũng ở truồng vậy”, Consolmagno nói. “Theo ngữ cảnh này thì việc sử dụng nó có thể được xem là một sự tán dương. Thứ hai, kiểu chơi chữ này là tương đối phổ biến trong tiếng Anh nhưng tôi không nghĩ rằng nó không nhất định phổ dụng như vậy trong tiếng Ý; tôi không biết liệu có ai vào thời ấy cũng hiểu nó như cách dân nói tiếng Anh hiểu hay không. Và cuối cùng, ngay từ ban đầu quyển sách đã được các kiểm duyệt viên của giáo hoàng thông qua; nên nếu Giáo hoàng cảm thấy cái tên mang ý nghĩa gièm pha, thì hẳn ông đã lưu ý đến nó ngay từ trước khi quyển sách được in ra rồi”.
Tuy nhiên, ảnh hưởng trái ngược của nó cuối cùng đã khiến nhà thờ buộc phải rút lại quyền xuất bản. Galileo đối mặt với một ủy ban được triệu tập đặc biệt gồm mười quan tòa, và họ đã kết ông tội dị giáo. Bằng cách nguyện bỏ – tuyên bố rằng ông chưa bao giờ tin vào quan điểm nhật tâm được trình bày trong quyển sách – bản án của Galileo đã được giảm nhẹ thành giam lỏng tại nhà.




“Bản án dành cho ông là ông phải làm khách danh dự của giám mục Siena trước khi trở lại nhà riêng của mình, nơi ông sinh sống thêm một thập kỷ nữa, được nhiều khách thăm viếng thường xuyên, và viết thêm một quyển sách khác”, Consolmagno nói. “Tôi không muốn bào chữa cho những sai lầm mà giáo hội đã phạm phải trong vấn đề của Galileo, nhưng… chắc chắn đó không phải là một lối hành xử đơn giản chỉ để bài xích khoa học thôi đâu”.

Consolmagno cho rằng để thật sự hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra, chúng ta cần xét đến tư duy triết học thời ấy và các sự kiện xảy ra trong Giáo hội lẫn trong quy mô toàn cảnh của xã hội. Ngữ cảnh này có thể được phản ánh từ những tư liệu gốc về vụ xét xử, mà đã được dịch sang tiếng Anh trong nhiều ấn phẩm khác nhau, ví dụ như ấn phẩm “Vụ án Galileo” của tác giả Maurice Finocchiaro (Nhà xuất bản Đại học California, 1989).

Năm 1992, Giáo hoàng John Paul II đã ra lời tuyên bố thừa nhận những sai lầm trong vụ án Galileo.
“Họ xét xử Galileo dựa trên một vấn đề chuyên môn, và ông đã phạm tội dựa trên vấn đề chuyên môn đó; nhưng tại sao họ quyết định kết tội ông, theo cách đó, vào lúc đó, vẫn chưa được giải đáp”, Consolmagno nói. “Ngày nay, chúng ta có thể thấy rằng đáng ra ngay từ lúc đầu ông đã không nên bị đem ra xét xử”.




Năm 1992, Giáo hoàng John Paul II đã ra lời tuyên bố thừa nhận những sai lầm trong vụ án Galileo. Nhưng chưa có một lời phát biểu xin lỗi nào như vậy dành cho Giordano Bruno, vốn đã bị Giáo hội đưa lên giàn thiêu sống vào năm 1600.

Tượng chân dung bằng đồng của Giordano Bruno trước quảng trường de Fiori ở Rome, nơi ông bị hành hình vào năm 1600. (Ảnh: Jastrow)

Câu chuyện của Bruno: đạo văn, nổi loạn hay là gián điệp?

Bruno không những chỉ ủng hộ quan niệm nhật tâm, mà ông còn khẳng định rằng có tồn tại nhiều thế giới hơn nữa bên ngoài Trái đất, mỗi thế giới quay xung quanh mặt trời riêng của chúng. Consolmagno và đồng sự của ông, nhà thiên văn học Vatican Cha Paul Pavel Gabor, cho rằng bản án tử của Bruno không phải vì ông đã xúc tiến những quan điểm này.




“Có một câu nói đùa ngày xưa, là nếu ông bị thiêu sống vì bất cứ lý do nào đó, thì hẳn là vì ông là kẻ đạo văn”, Consolmagno nói. “Nicholas xứ Cusa đã công bố những ý tưởng đó trước đó 200 năm, và ông ta là một Hồng y”.

Cửa sổ kính vũ trụ trong sảnh đường của nhà thờ Santa Maria degli Angelo ở Rome, Ý. (Ảnh: Herlihym)

Quyển sách của Nicholas xứ Cusa, “On Learned Ignorance“ (Tạm dịch: Về sự ngu dốt có học), trong đó ông trình bày khả năng tồn tại nhiều thế giới khác nhau, đã được xuất bản vào năm 1440. Ông còn viết rằng người ngoài hành tinh có thể tồn tại trên mặt trăng và mặt trời.
“Ông được sắc phong Hồng y vào năm 1440, cho nên khá hiển nhiên là nó không làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông”, nhà thiên văn của Vatican, Đức Cha Paul Pavel Gabor lưu ý.




Consolmagno cho biết lí do có khả năng nhất lý giải cho sự thù hằn của Giáo hội là ở chỗ Bruno phủ nhận sự thần thánh của Chúa, cũng như một số học thuyết cơ bản khác của Cơ Đốc giáo.

“Tôi nghĩ vấn đề thật sự với Bruno là ông bị cáo buộc là gián điệp của người Anh”, Gabor bổ sung thêm. Ông cho biết Bruno đã bị bỏ tù ở nhiều nơi khác nhau trên khắp Châu Âu trước khi vào ngục ở Venice, sau đó đã dẫn tới cái chết của ông ở Rome. Gabor nói tư liệu về phiên tòa xử án 7 năm của ông đã bị thất lạc, vì Napoleon đã cướp phá toàn bộ tư liệu của Vatican.

“Mọi người tiếp tục viết về nó như thể những gì đã xảy ra chỉ là chuyện viễn tưởng”, Gabor nói.

Mặc dù có vẻ như bức ảnh này được chụp vào ban ngày, nhưng trên thực tế nó được chụp vào ban đêm. Những đường sọc màu da cam này là các cụm mây mỏng được rọi sáng bởi Mặt trăng khi chúng di chuyển rất nhanh đến đường chân trời phía xa. Chuỗi hình ảnh time-lapse, chụp ở trong khu vực một nhà thờ bỏ hoang ở Sounio, Hy Lạp, cho thấy các vệt ngôi sao dài xoay tròn xung quanh ngôi sao Bắc Đẩu ở trung tâm. (Ảnh: Chris Kotsiopoulos)




Giáo hội: không bài xích sự tồn tại của người ngoài hành tinh và nhiều thế giới khác

Cả Consolmagno lẫn Gabor đều nhấn mạnh rằng sự tồn tại của người ngoài hành tinh và nhiều thế giới không phải là ý tưởng gì mới đối với Giáo hội, và nó không thách thức hay đe dọa các niềm tin trọng yếu của tôn giáo của họ. Tòa thánh Vatican còn tài trợ cho một hội thảo sinh vật học vũ trụ hồi năm 2009 vừa qua. Theo Consolmagno, Giáo hội làm như thế là để tạo lập một diễn đàn thảo luận cho các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này.

“Không phải giống như cách người ta đưa tin trên kênh CNN, trong đó giáo hội Công giáo khá lo lắng khi ai đó đề cập người ngoài hành tinh đâu”, ông nói.

Họ cho biết chẳng có việc thảo luận tín ngưỡng nào diễn ra trong hội thảo này; thay vào đó, đề tài trọng điểm thuần túy lại là khoa sinh vật học vũ trụ. Sự giao thoa triết lí giữa tôn giáo và khoa học chỉ được thảo luận không chính thức, trong giờ nghỉ giải lao và các buổi tụ họp xã hội khác.




Sự tồn tại của người ngoài hành tinh và nhiều thế giới không phải là ý tưởng gì mới đối với Giáo hội, và nó không thách thức hay đe dọa các niềm tin trọng yếu của tôn giáo của họ.
Các nhà triết học đã và đang cố thâu tóm các hàm ý của sự sống ngoài địa cầu trong hàng trăm năm qua, nếu không muốn nói là lâu hơn. Nhưng cho đến khi người ngoài hành tinh được tìm thấy, những vấn đề này sẽ vẫn thuộc về phạm vi của khoa học viễn tưởng chứ không phải tôn giáo hay khoa học.


“Tôi nghĩ ngành khoa học viễn tưởng phải diễn vai trò rất quan trọng đó, bởi vì hiện tại chúng ta chỉ mới đang chơi đùa với các ý tưởng,” Consolmagno nói. “Chúng ta chỉ mới bắt đầu khám phá không gian vũ trụ trong đó những ý tưởng này có thể tồn tại. Chúng ta không biết – chúng ta chẳng có câu trả lời nào. Đó là lí do khiến nó thú vị đến vậy!”

Tác giả: Leslie Mullen, Astrobiology Magazine
Tham khảo bản dịch trên thuvienvatly.com. Đọc bản gốc ở đây.
Trần Nghiêm biên dịch Anh-Việt, Phan A biên tập

Chú thích của người dịch:

[1] Thuyết nhật tâm là lý thuyết cho rằng Mặt Trời nằm ở trung tâm của vũ trụ và/hay của Hệ Mặt Trời. Từ này (heliocentrism) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp (helios = “Mặt Trời” và kentron = “trung tâm”).

[2] Thuyết địa tâm (geocentric model) (trong tiếng Hy Lạp: geo = Trái Đất kentron = trung tâm) là lý thuyếtcho rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ và Mặt trời cùng các thiên thể khác quay quanh nó.
Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *