Khám phá giếng cổ 2.600 tuổi: Nơi tạo ra “sự sống sau cái chết”

Giữa một nhóm giếng chôn cất cực lớn ở nghĩa trang cổ đại Abusir phía Bắc Saqqara (Cairo, Ai Cập), các nhà khoa học đã tìm thấy một giếng cổ đặc biệt chứa những hiện vật tái hiện lại hoàn hảo quá trình ướp xác danh tiếng của người Ai Cập cổ đại.

Dụng cụ đựng vật liệu dùng để ướp xác và bình đá vôi được chuẩn bị để đựng nội tạng, nhưng chưa sử dụng – Ảnh: Bộ Cổ vật Ai Cập

Đó là một giếng cổ khổng lồ có kích thước 5,3×5,3 mét, sâu khoảng 14 mét. Bên trong, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 370 bình gốm lớn và nhiều cái trong số đó chứa những vật liệu còn sót lại, được sử dụng trong quá trình ướp xác, theo một tuyên bố của Bộ Cổ vật Ai Cập.

Nhóm khảo cổ từ Viện Ai Cập học Cộng hòa Czech đã làm việc ở khu vực này 60 năm và đã có nhiều khám phá vô giá trước đó, nhưng phát hiện mới này rất đặc biệt bởi lẽ những thứ trong giếng cổ này sẽ giúp hé lộ nhiều điều bí ẩn xung quanh kỹ thuật ướp xác đã đi vào huyền thoại của người Ai Cập.

Quan niệm của người Ai Cập cổ tin rằng linh hồn sẽ tạm rời thể và tái nhập ở thiên đường của Osiris, vị thần của thế giới bên kia. Nếu thi thể không được bảo quản thì không thể đoàn tụ với linh hồn và vì vậy người chết không được vào thiên đường.

Giếng cổ bí ẩn, nơi không chôn cất người chết mà dùng như kho chứa các vật dụng dùng để ướp xác – Ảnh: Bộ cổ vật Ai Cập

Theo Ancient Origins, những chiếc bình chứa các vật liệu ướp xác đã được biết như muối và natron, đồng thời cũng chứa đựng nhiều loại thảo mộc và hoa khô chưa được xác định cụ thể.


Vì thế, các nhà khoa học đang lên kế hoạch để phân tích chính xác những phụ liệu bí ẩn đó, với hy vọng tái hiện được hoàn hảo kỹ thuật ướp xác cổ xưa. Cũng theo các nhà nghiên cứu, kỹ thuật ướp xác Ai Cập không phải một quy trình cố định mà được hoàn thiện theo thời gian, cho ra những xác ướp với độ bền và độ nguyên vẹn ngày một hoàn hảo hơn.

Một phần nghĩa trang cổ Abusir, hướng nhìn ra 2 kim tự tháp Nyuserre và Neferirkare – Ảnh: Bộ Cổ vật Ai Cập

Trong số những cái bình này có 4 bình dùng để đựng nội tạng, ghi sẵn tên chủ nhân của chúng – Wahe Ip Ra – bằng chữ tượng hình nhưng không hiểu vì sao vẫn rỗng ruột khi được tìm thấy.

Nguồn: SH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *