Người ta tin rằng, trên Trái Đất chúng ta có những nơi là lối dẫn kết nối với địa ngục, nơi những linh hồn xấu xa phải hoàn trả tội nghiệp. Dưới đây là 5 cánh cổng được cho là dẫn đến địa ngục.
Hang động Actun Tunichil Muknal. (Ảnh: flickr)
Hades, Naraka, Guinee, Xibanba là những tên dùng để chỉ địa ngục hay âm phủ trong các nền văn hóa khác nhau. Mặc dù trong mỗi tôn giáo, “Địa ngục” đôi khi sẽ có những đặc điểm khác nhau, nhưng hầu hết đều tin rằng có một thế giới, nơi linh hồn của những người xấu xa, phạm tội sẽ bị trục xuất vào để chịu trừng phạt vì những tội lỗi họ đã làm.
Cùng với đó, người ta cũng đồn đại rằng trên Trái đất này có những lối đi khác nhau dẫn đến địa ngục. Chúng nằm rải rác trên toàn cầu, từ hang động Maya đến đầm lầy Nhật Bản,…
1. Động Cape Matapan ở Hy Lạp
Mạng lưới hang động dày đặc ở Cape Matapan, nằm cuối bán đảo Mani là một trong những địa danh được người Hy Lạp cổ đại tin rằng là lối vào Địa ngục. Nơi chàng nhạc công Orpheus tìm tới để cứu người vợ xinh đẹp Eurydice hay bờ vực người anh hùng vĩ đại Hercules từng giao chiến với chó ngao 3 đầu trong thần thoại chính là Cape Matapan.
Các hang động mở rộng về phía biển tạo thành một vách đá bên dưới mũi đất. Điểm kết nối với thế giới ngầm được cho là nằm tại khu tàn tích của một ngôi đền Spartan.
Một số cổng địa ngục khác được cho là nằm tại Necromanteion of Ephyra trên sông Acheron và tại mạng lưới hang động Alepotrypa trên bán đảo Mani.
Cape Matapan, nằm cuối bán đảo Mani là một trong những địa danh được người Hy Lạp cổ đại tin rằng là lối vào Địa ngục. (Ảnh: Internet)
2. Núi lửa Hekla tại Iceland
Cánh cổng địa ngục tiếp theo là núi lửa Hekla, ở vùng núi phía nam của Iceland. Tại đây bạn sẽ nhìn thấy một hố dung nham đang bốc lửa từ rất lâu. Chiếc hố này gắn liền với hố lửa truyền thống của Cơ Đốc giáo.
Trong thời Trung Cổ, các tu sĩ dòng Cistercian đã đi khắp châu Âu. Họ mang theo những câu chuyện về “Hekla Fell” và truyền bá nó một cách rộng rãi.
Miệng núi lửa bắt đầu được biết đến như là một cánh cửa địa ngục khi nó phun trào lần đầu tiên vào năm 1104. Mỗi lần phun trào nó tạo ra một lớp bụi cao đáng sợ và bao phủ một vùng rộng lớn gần 40km, tựa như không gian tối tăm của địa ngục. Nó còn được nhắc đến trong bài thơ của thánh Brendan như là một nhà tù giam giữ Judas, tông đồ đã phản bội chúa Jesus.
Bản thảo tiếng Hy lạp của Flatey Book Annal còn mô tả những con chim lớn bay giữa những ngọn lửa ở bên trên miệng núi mà nhiều người gọi đó là những linh hồn của ma quỷ.
Núi lửa Hekla, ở vùng núi phía nam của Iceland. Tại đây bạn sẽ nhìn thấy một hố dung nham đang bốc lửa từ rất lâu. Chiếc hố này gắn liền với hố lửa truyền thống của Cơ Đốc giáo. (Ảnh: Internet)
3. Hang động Actun Tunichil Muknal
Actun Tunichil Muknal là một hang động nằm ở thành phố Belize, tại quốc gia cùng tên. Người Maya tin rằng hang động này chính là lối đi dẫn đến Địa ngục (Xibalba).
Một nghiên cứu mở rộng đã liên kết địa điểm này với những truyền thuyết của người Maya cổ đại. Những câu chuyện này mô tả các dòng sông máu, bọ cạp và một mê cung ngầm dưới lòng đất được cai trị bởi các vị thần chết của người Maya.
Kể từ khi nơi này được tái khám phá vào năm 1989, các hang động Actun Tunichil Muknal đã trở thành một điểm đến phổ biến cho các nhà thám hiểm. Có rất nhiều thứ đặc biệt tại đây làm cho mạng lưới hang động này trở nên thú vị, chẳng hạn như một khối thạch nhũ khổng lồ được gọi là “Nhà thờ”.
Ngoài các mảnh gốm vỡ và xương, một trong những khám phá đáng chú ý nhất là bộ xương của một cô gái 18 tuổi, được mệnh danh là “Thiếu nữ pha lê”. Vì sau hơn 1.000 năm kể từ khi cô chết đi, bộ xương của cô đã bị vôi hóa và tạo ra một hiệu ứng tinh thể lung linh.
Một giả thuyết cho rằng những người đã chết có thể là phù thủy, cũng có thể họ chết vì bệnh tật. Những xác chết này không được chôn cất đã khiến cho linh hồn của họ bị giam cầm trong cổng địa ngục.
Actun Tunichil Muknal là một hang động nằm ở thành phố Belize, tại quốc gia cùng tên. Người Maya tin rằng hang động này chính là lối đi dẫn đến Địa ngục (Xibalba). (Ảnh: Internet)
4. Hang động của Sibyl ở Ý
Hang động này được mô tả trong bài thơ sử thi của Virgil “The Aeneid” từ hơn 2000 năm trước đây với một trăm lối dẫn xuống sâu dưới lòng đất.
Virgil đã viết kiệt tác của mình vào thế kỷ thứ nhất TCN. Ông kể về người anh hùng thành Troy Aeneas với câu chuyện diễn ra trong hang động này. Vị trí hang động chính xác nằm ở Cumae, một khu định cư Hy Lạp gần Naples ngày nay.
Đây là nơi mà Aeneas gặp Sibyl, một nhà tiên tri, thầy bói và cũng là một nữ tu sĩ. Khi 700 tuổi, bà đã chỉ đường cho Aeneas lúc ông đi xuống hang động để đến địa ngục.
Tuy nhiên đến tận năm 1932, nhà khảo cổ nổi tiếng Amedeo Maiuri mới phát hiện cổng địa ngục như Virgil mô tả. Giờ đây nó đã được đưa vào khu khảo cổ Cumae.
Du khách có thể tham quan hang động của Sibyl và tự mình trải nghiệm những tiếng vọng ám ảnh được nhà thơ Virgil mô tả cách đây nhiều năm.
Hang động của Sibyl ở Ý, hang động này được mô tả trong bài thơ sử thi của Virgil “The Aeneid” từ hơn 2000 năm trước đây với một trăm lối dẫn xuống sâu dưới lòng đất. (Ảnh: Internet)
5. Núi Osore – Nhật Bản
Núi Osore (Osorezan) được xem là một trong ba ngọn núi linh thiêng nhất Nhật Bản. Hai ngọn núi kia là Koyasan và Hieizan. Osorezan được phát hiện cách đây hơn 1.000 năm bởi một vị tu sĩ Phật giáo.
Cái tên Osore được dịch là “Núi Kinh Hoàng”, cũng một phần bởi cảnh quan đặc biệt của nó. Đây là khu vực có sự hoạt động mạnh mẽ của núi lửa và mùi lưu huỳnh nồng nặc trong không khí. Mặt đất thì chỉ có màu xám cằn cỗi, trên bề mặt có nhiều lỗ thoát hơi, phun bong bóng nước và phun nước nóng càng làm khung cảnh có phần ma mị.
Núi Osore (Osorezan) được xem là một trong ba ngọn núi linh thiêng nhất Nhật Bản. (Ảnh: Internet)
Truyền thuyết còn gọi Osore là lối vào địa ngục bởi nó sở hữu những yếu tố địa lý tương tự những mô tả về cõi âm ti trong Phật giáo. Tại Osorezan, có tám đỉnh núi bao quanh và một con sông, sông Sanzu No Kawa. Đây là con sông mà người Nhật tin là tất cả các linh hồn người chết phải vượt qua trên đường đến thế giới bên kia và thường được so sánh với con sông Styx trong thần thoại Hy Lạp cổ đại.
Nguồn: TH/Uniwriter, theo atlasobscura