Huyền bí chuyện hóa thân tái sinh của các lạt ma

Truyền thống hóa thân tái sinh là một trong những đặc điểm huyền bí nhất của Phật giáo Mật tông Tây Tạng.

datma1

Đạt Lai Lạt Ma có thể quyết định chấm dứt truyền thống hóa thân – Ảnh: Reuters

Theo trang Dalailama.com của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, có thể hiểu hóa thân là sự thị hiện của chư Phật, bồ tát và các vị đạo sư giác ngộ trên trần thế để giáo hóa và cứu độ. Khi hóa thân chết đi, những bậc này có thể lựa chọn tái sinh để tiếp tục công cuộc hoằng hóa còn dang dở.

“Sự tái sinh của hóa thân là hiện tượng đến từ sự tình nguyện của cá nhân, hoặc ít nhất là cũng qua sức mạnh của nghiệp duyên, phước báu và năng lực cầu nguyện”, Dalailama.com viết, khác với sự đầu thai chuyển kiếp thông thường, hóa thân tái sinh vẫn giữ được ký ức về đời sống lúc trước. Không như quan niệm thông thường, không chỉ riêng Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma mới tái sinh mà có rất nhiều dòng tái sinh trong cả 4 phái của Mật tông Tây Tạng. Trong đó, dòng tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma được thế giới bên ngoài biết đến nhiều nhất vì vai trò lãnh đạo giáo quyền lẫn thế quyền của các vị này.




Tìm kiếm hóa thân tái sinh
Dòng tái sinh Đạt Lai Lạt Ma bắt nguồn từ vị đầu tiên là Gendun Drupa (1391 – 1475), người đã nguyện rằng sau khi chết sẽ tái sinh để hoàn tất những gì còn dang dở. Trước khi nhập tịch, đại sư Gendun Drupa đưa ra một số đồ dùng hằng ngày và viết một bài kệ để chúng đệ tử dựa vào đó tìm đến hóa thân tái sinh của mình.

Suốt 2 năm sau đó, các đệ tử liên tục tìm kiếm và cuối cùng đã xác định được hóa thân tái sinh của Gendun Drupa là một cậu bé 2 tuổi sống tại vùng Tsang, miền trung Tây Tạng. Tương truyền, khi vừa bập bẹ biết nói, cậu bé đã nói với cha mẹ rằng tên mình là Pema Dorjee (tục danh của Đạt Lai Lạt Ma thứ 1). Khi đoàn tìm kiếm đến nơi, họ bày ra trước mắt cậu bé nhiều đồ vật khác nhau và cậu đã chọn chính xác những vật dụng mà ngài Gendun Drupa để lại, đồng thời đọc và giải nghĩa rành mạch bài kệ. Sau đó, cậu bé được đưa về tu tập với pháp danh Gendun Gyatso (1475 – 1542) và trở thành Đạt Lai Lạt Ma thứ 2.




Cứ thế, mỗi đời Đạt Lai Lạt Ma trước khi viên tịch đều để lại một số di vật như tràng hạt, bình bát… cùng một bài kệ để phục vụ việc tìm kiếm. Ngoài ra, các bậc cao tăng được cho là sẽ nhận báo mộng cũng như nhiều dấu hiệu khác để bổ trợ. Theo sách The Search Team Arrives (tạm dịch: Đoàn tìm kiếm đã đến) của 2 tác giả Anne F.Thurston và Gyalo Thondup (anh ruột Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 – NV), sau khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 Thubten Gyatso qua đời năm 1933, di thể được ướp của ông đang quay mặt về hướng đông nam đã tự quay đầu về hướng đông bắc. Dựa theo dấu chỉ này, đoàn tìm kiếm đã phát hiện Lhamo Thondup tại làng Taktser, nay thuộc tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc). Lhamo Thondup nhanh chóng vượt qua các bài kiểm tra theo truyền thống, chọn đúng những vật dụng của hóa thân đời trước và trở thành Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cho tới nay với tên Tenzin Gyatso. Trên trang Dalailama.com, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 kể rằng ngay từ trước khi được tuyên nhận, ông đã luôn nói với mẹ là sắp được đến Lhasa (thủ phủ Tây Tạng). Cũng theo lời kể, sau khi ông ra đời, một cặp quạ thường bay đến đậu trên mái nhà, tương tự các đời Đạt Lai Lạt Ma thứ 1, 7, 8 và 12.

Ban Thiền Lạt Ma
Nếu các Đạt Lai Lạt Ma được xem là hóa thân của Quán Thế âm Bồ tát thì Ban Thiền Lạt Ma được cho là hóa thân của Phật A Di Đà. Danh hiệu Ban Thiền Lạt Ma đầu tiên do Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Lobsang Gyatso trao cho thầy mình là đại sư Khedrub Je (1385 – 1438). Từ đó về sau, các vị Ban Thiền Lạt Ma tiếp nối truyền thống hóa thân tái sinh và được xem là có vị thế thứ hai về giáo quyền lẫn thế quyền sau Đạt Lai Lạt Ma. Cũng từ đây, Ban Thiền Lạt Ma đóng vai trò lãnh đạo quá trình tìm kiếm, tuyên nhận hóa thân tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma và ngược lại. Tranh cãi nổ ra năm 1995 khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 tuyên nhận một cậu bé 6 tuổi tên Gedhun Choekyi Nyima là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11. Tuy nhiên, Gedhun Choekyi Nyima sau đó đã mất tích và đến tháng 12.1995, chính quyền Trung Quốc chọn Gyaltsen Norbu, năm nay 26 tuổi, làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11. Đến nay, Trung Quốc và phía Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, đang lưu vong tại Ấn Độ, vẫn không công nhận lựa chọn của nhau. Ngày 6.9, Reuters dẫn lời ông Norbu Dunzhub – thành viên Ban Mặt trận thống nhất của Khu tự trị Tây Tạng – tuyên bố Gedhun Choekyi Nyima “hiện sống cuộc đời bình thường” và “không muốn bị quấy rầy”.





Tranh cãi về chấm dứt tái sinh
Trong cuộc phỏng vấn với báo Đức Welt am Sonntag tháng 9.2014, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 tuyên bố ông có thể sẽ không tái sinh đồng thời chấm dứt luôn thiết chế Đạt Lai Lạt Ma để “dân chủ hóa và tránh gây ảnh hưởng xấu”.
Theo giới quan sát, quyết định này có thể nhằm tránh tình trạng chia rẽ sau khi ông qua đời nếu chính quyền Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào quá trình lựa chọn Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo như trường hợp Ban Thiền Lạt Ma. Trước đó, Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2011 cũng đã tuyên bố từ bỏ mọi vị trí mang tính chính trị.
Đáp lại, ngày 16.4.2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định truyền thống tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma có lịch sử hàng trăm năm và phải tiến hành “tuân thủ các nghi lễ tôn giáo, định chế lịch sử và quy định của nhà nước”, theo Reuters.

Nguồn: Thanhnien-Bian

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *