Mơ tỉnh là một trải nghiệm vô cùng kỳ lạ trong đó bạn đang mơ nhưng có thể kiểm soát giấc mơ và thực hiện hành động một cách có chủ ý.
Thông thường khi chúng ta đang mơ, chúng ta sẽ không thể nhận thức được điều đó cho đến khi chúng ta tỉnh lại. Vậy bạn đã bao giờ trải nghiệm trạng thái trong đó bạn biết rõ mình đang mơ? Đây là một trạng thái kết hợp giữa mơ và tỉnh, được gọi là trạng thái “mơ tỉnh” – một trải nghiệm có phần kỳ lạ, theo trang Message to Eagle.
Trong trạng thái mơ tỉnh bạn có thể kiểm soát giấc mơ và thực hiện hành động một cách có chủ ý.
Trong trạng thái mơ tỉnh, người trải nghiệm có thể tự lập trình thế giới trong mơ. (Ảnh: dreamstime)
Các nhà khoa học từ lâu đã tự hỏi điều gì đang xảy ra bên trong bộ não của một người trải nghiệm trạng thái mơ tỉnh. Nhân tố “ý thức” đóng vai trò gì?
Trên quan điểm khoa học, một thực tế được biết đến là những người mơ tỉnh có thể biết được mình đang mơ trong khi vẫn đang ngủ. Họ nhận thức được điều đó rất rõ ràng như khi đang tỉnh. Tuy nhiên, nguyên nhân gây nên trạng thái này vẫn là một dấu hỏi lớn.
Thuật ngữ mơ tỉnh được nhà tâm thần học người Hà Lan Frederik van Eeden đặt ra vào năm 1913 trong bài viết “A Study of Dreams (Một nghiên cứu về giấc mơ)” trên Tập san của Hiệp hội Nghiên cứu Tâm thần. Vào thời đó, bài viết này không được cộng đồng khoa học tiếp nhận.
Kể từ đó đến nay, tình hình đã thay đổi khá nhiều và hiện tượng mơ tỉnh đã trở thành một phạm trù nghiên cứu khoa học, và sự tồn tại của nó là một điều khẳng định.
Điều gì xảy ra trong bộ não khi bạn trải nghiệm trạng thái mơ tỉnh?
Khi đang tỉnh, chúng ta luôn luôn nhận biết và ý thức được về bản thân. Tuy nhiên, khi ngủ chúng ta lại không như vậy.
Nghiên cứu ứng dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ MRT cho thấy một mạng lưới vỏ não đặc thù bao gồm vỏ não trán trước lưng bên, vùng cực trán và tiểu thùy tứ giác sẽ được kích hoạt khi trạng thái mơ tỉnh này xuất hiện.
Các khu vực não bộ được kích hoạt mạnh hơn trong trạng thái mơ tỉnh so với trạng thái mơ thường.
Tất cả các khu vực não bộ này có liên hệ đến chức năng tự quy chiếu (tự suy ngẫm, nhìn nhận lại về bản thân).
Việc thú vị nhất để làm trong một giấc mơ tỉnh là bay lên.
Khả năng tự nhận thức, tự quán chiếu và sự hình thành của ý thức nằm trong số những bí ẩn chưa có lời giải của ngành khoa học thần kinh.
Bất chấp những kỹ thuật chụp quét hiện đại, các nhà nghiên cứu vẫn không thể hình dung một cách đầy đủ điều gì đang xảy ra trong não bộ khi một người chuyển từ trạng thái ý thức sang trạng thái vô thức. Vấn đề nằm ở chỗ rất khó để quan sát hoạt động não bộ trong quá trình chuyển tiếp này.
Tuy rằng quá trình này là tương đồng, nhưng mỗi lần một người thức dậy khỏi giấc ngủ, hoạt động cơ bản nhất của não bộ thông thường sẽ trải qua một sự thay đổi đáng kể.
Do đó không cách nào có thể chỉ ra rõ ràng và phân biệt giữa hoạt động não bộ cụ thể có liên hệ đến trạng thái nhận thức và ý thức gia tăng hay tăng cường trong quá trình chuyển tiếp từ trạng thái ngủ sang trạng thái thức (khi một người tỉnh ngủ) và các biến đổi chung chung tổng quát của hoạt động não bộ cũng đang diễn ra đồng thời.
Các nhà khoa học từ Viện Tâm thần học Max Planck Institutes of Psychiatry ở Munich, viện khoa học thần kinh ở Leipzig và Đại học Y khoa Berlin (Đức) hiện đang nghiên cứu những người biết được họ đang mơ trong khi đang ở trong trạng thái này và có khả năng kiểm soát giấc mơ của mình theo ý muốn.
Những người mơ tỉnh có thể kiểm soát hành động của họ
Những người mơ tỉnh có thể tiếp cận ký ức đời thực của họ trong trạng thái này, có thể thực hiện các hành động và nhận thức rõ ràng về bản thân – tuy rằng đang ở trong trạng thái mơ mà không tỉnh.
Mơ tỉnh là một hiện tượng phi thường trong đó một số người có thể “tỉnh dậy” trong khi vẫn đang trong giấc mơ. Tuy rằng trên thực tế họ đang ngủ, nhưng họ biết rõ tình huống của bản thân và có khả năng điều khiển diễn biến trong giấc mơ của họ.
Như phó giáo sư ngành khoa học nhận thức thần kinh Martin Dresler từ Viện tâm thần học Max Planck có giải thích:
“Trong giấc mơ bình thường, chúng ta có một ý thức vô cùng cơ bản, nhận thức được sự việc và có cảm xúc nhưng chúng ta không biết được chúng ta chỉ đang mơ. Chỉ trong một giấc mơ tỉnh thì người mơ mới nhận thức được trạng thái của anh ta hay cô ta”.
Bằng cách so sánh hoạt động của não bộ vào một trong những giai đoạn mơ tỉnh này với hoạt động não bộ được đo lường ngay trước đó trong giai đoạn mơ bình thường (thứ tự chung: tỉnh => mơ thường => mơ tỉnh), các nhà khoa học có thể xác định các hoạt động não bộ đặc thù trong trạng thái mơ tỉnh.
“Hoạt động cơ bản chung của não bộ là tương đồng trong giấc mơ thường và giấc mơ tỉnh. Tuy nhiên, trong trạng thái mơ tỉnh, hoạt động tại một số khu vực nhất định của vỏ não gia tăng đáng kể trong vòng vài giây”, Michael Czisch, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Tâm thần học Max Planck Institute of Psychiatry, cho hay.
Những khu vực có liên hệ trên vỏ não là vùng vỏ não trán trước lưng bên, có chức năng tự đánh giá tự nhìn nhận bản thân, và vùng cực trán, vốn chịu trách nhiệm tự đánh giá suy nghĩ và cảm giác của bản thân. Vùng tiểu thùy tứ giác đặc biệt cũng được kích hoạt. Đây là vùng não bộ từ lâu đã được biết có mối liên hệ với khả năng tự nhận thức bản thân”.
Phát hiện này xác nhận các kết quả nghiên cứu trước đó và lần đầu tiên làm sáng tỏ mạng lưới thần kinh cụ thể nào trong não bộ được kích hoạt trong một trạng thái tinh thần có ý thức.
Nguồn: DKN