Hé mở bí ẩn về cái chết đầy uẩn khúc của “đệ nhất phán quan” Bao Công

Đã nghìn năm trôi qua kể từ khi Bao Công – vị quan thanh liêm nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc – qua đời, nhưng cái chết của ông vẫn còn là một điều chưa thực sự sáng tỏ.
Theo sách Tống sử, Bao Công (999-1062), tên thật Bao Chửng, chữ là Hi Nhân, quê gốc ở Lư Châu, Hợp Phì, Trung Quốc. Ông là nhà chính trị kiệt xuất, đỗ tiến sĩ năm Thiên Thánh thứ năm (1027) đời Tống Nhân Tông. Vì sự liêm khiết và tài năng phi thường trong việc phá án và duy trì công đạo, người đời xưng tụng ông là “Bao Thanh Thiên”.

baocong1

Hình vẽ Bao Công trong sách Tam tài đồ hội (1609).

Bao Công sống trong thời nhà Tống bắt đầu suy yếu, những mối nguy lớn bao gồm cả thù trong, giặc ngoài. Theo chính sử và dã sử, vai trò của Bao Thanh Thiên ở giai đoạn này như tấm gương sáng có một không hai, đến kẻ thù cũng phải nể sợ.




baocong2

Vua Tống Nhân Tông.

Ông qua đời ở tuổi 64 khi đang giữ chức Khu mật phó sứ (tương đương Tể tướng), được vua Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, ban thụy hiệu là “Hiếu Túc”. Sau đó, Bao Chửng được đưa về quê cũ Lư Châu an táng.

Hiện nay, khu mộ táng Bao Công nằm ở Đại Hưng Tập, ngoại ô thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Mộ chí có dòng chữ:

baocong3

Năm Gia Hựu thứ bảy, tháng 5, ngày Kỷ Mùi (tức ngày 12/5/1062) ra làm việc, phát bệnh nên quay về. Hoàng thượng sai sứ ban cho thuốc tốt, đến ngày Tân Mùi (tức ngày 24/5/1062) thì không dậy được nữa.




Như vậy, Bao Công từ lúc phát bệnh đến khi chết chỉ có 13 ngày. Thời gian này, ông có sử dụng “thuốc tốt” của vua ban. Chính điều đó đã gây ra nhiều tranh luận, nghi vấn trong giới sử học Trung Quốc.

Sinh thời, Bao Thanh Thiên nổi tiếng cương trực, không sợ quyền thế, can gián cả Hoàng đế. Bọn tham quan ô lại cùng hoàng thân quốc thích hư đốn xem ông như kẻ thù. Do đó, khi ông bất ngờ qua đời, dư luận không khỏi nghi ngờ: Bao Công quả thật chết vì bệnh hay bị trúng độc lâu ngày, khi phát bệnh là mất mạng ngay?

Theo sách Bí sử hậu cung, từ năm 1973, Phòng nghiên cứu động vật có xương sống và người cổ, Viện Khoa học Trung Quốc đã tiến hành giám định phân loại xương của Bao Công trong khu mộ gia tộc ở Đại Hưng Tập.

baocong4

Địa cung nơi có quan tài Bao Công.




Tại đây, ngoài mộ Bao Công, các nhà khoa học còn nghiên cứu mộ người vợ chính, con và con dâu của ông. Họ đã thu nhặt được 35 mảnh xương được xác định của Bao Công và quan tài bằng gỗ nam mộc cực quý.

Các nhà khoa học Trung Quốc phối hợp Viện Bảo tàng tỉnh An Huy xét nghiệm những mảnh xương được cho là của Bao Chửng bằng phương pháp đồng bộ bức xạ với máy Electron- Positron Collider.

baocong5

Hình tượng Bao Công kinh điển do diễn viên Kim Siêu Quần thể hiện.

Kết quả cho thấy, hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và canxi trong xương của Bao Thanh Thiên cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại. Trong khi đó, hàm lượng chì và thạch tín lại thấp hơn người thường.

Theo chuyên gia Hồ Hân Dân, Viện trưởng Viện bảo tàng tỉnh An Huy khi đó, kết quả này sơ bộ loại trừ khả năng “Bao đại nhân” bị trúng độc cấp tính do uống thuốc có chứa thạch tín.





baocong6

Mô phỏng công đường của Bao Công với long – hổ – cẩu đầu đao.

Về vấn đề hàm lượng thủy ngân cao trong xương của Bao Công, các nhà khoa học đưa ra hai khả năng. Một là khi an táng ông, người ta đã cho vào quan tài nhiều chu sa để ướp giữ thi thể. Chất này xâm thực vào xương dẫn đến hàm lượng thủy ngân tăng cao. Hai là, Bao Chửng từng uống thuốc hay ăn loại thực phẩm có chứa thủy ngân với hàm lượng nhỏ khiến ngộ độc mãn tính.

Giáo sư Trình Như Phong, chuyên gia Văn – Sử, Phó hội trưởng Hội nghiên cứu Bao Công ở thành phố Hợp Phì, cho biết qua kết quả xét nghiệm có thể kết luận Bao Công không chết vì trúng độc. Rất có thể, ông bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ nên mới phát bệnh và chết nhanh như vậy.

Tuy nhiên, căn bệnh nào dẫn đến cái chết của vị phán quan nổi tiếng lịch sử này có lẽ vẫn mãi là điều bí ẩn.
Nguồn: ST

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *