Bầu trời đêm trên đầu chúng ta đang chứng kiến những thay đổi lớn, và không ai biết lý do vì sao.
Khi nhìn lại lịch sử, chúng ta hẳn sẽ tin rằng bầu trời đêm là thứ tồn tại vĩnh cửu và không hề thay đổi. Suy cho cùng, loài người đã quan sát vị trí các chòm sao để giong buồm ra khơi suốt nhiều thế kỷ, và bản thân mỗi chúng ta khi quan sát bầu trời đêm vẫn luôn thấy các chòm sao đó với những hình dáng quen thuộc mà các nhà thiên văn học đã xác định từ thời xa xưa. Nhưng giả sử chúng ta chưa quan sát đủ gần thì sao? Bạn có nghĩ rằng bầu trời đêm tưởng bất biến kia thực ra đang thay đổi?
Một nhóm các nhà thiên văn học muốn làm rõ giả định này thông qua Dự án “Vanishing and Appearing Sources during a Century of Observations” (VASCO), trong đó họ sẽ so sánh các khảo sát được thực hiện từ…70 năm trước với các hình ảnh bầu trời đêm chụp gần đây để xem liệu có thứ gì đã biến mất hay không. Sau nhiều năm vất vả, cuối cùng họ đã công bố những kết quả đầu tiên của mình trên tờ Astronomical Journal: có ít nhất 100 điểm sáng từng hiện diện trên bầu trời vào giữa thế kỷ 20 nay đã “tắt điện” hoàn toàn.
Những nguồn sáng đã biến mất này có thể quan sát được dưới dạng những chấm sáng nhấp nháy ngắn ngủi trong đêm, hoặc cũng có thể là một khoảng tối vô định tại nơi từng là một điểm sáng cố định trên trời, trong trường hợp các nhà nghiên cứu có thể xác nhận thứ họ đang quan sát là một ngôi sao.
Các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh rằng dù những phát hiện sơ bộ của họ gần như chắc chắn cho thấy những sự kiện tự nhiên và đã được nghiên cứu kỹ, họ vẫn hi vọng rằng các kết quả trong thời gian tới sẽ mang lại những thông tin liên quan lĩnh vực thiên văn học cũng như công cuộc tìm kiếm những nền văn minh ngoài hành tinh (SETI).
“VASCO là một dự án kiểu SETI, vừa là một dự án vật lý thiên văn truyền thống” – theo lời Beatriz Villarroel, một nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Lý thuyết Nauy, đồng tác giả của báo cáo mới đây. “Ngay cả khi chúng tôi thực hiện dự án SETI và đặt ra những câu hỏi liên quan SETI, chúng tôi vẫn muốn công bố những kết quả khác mà mình tìm thấy được trong quá trình đó”.
Là một sinh viên, Villarroel từng viết những câu chuyện ngắn. Một ngày nọ, cô nảy ra một câu hỏi khó: liệu có bất kỳ vật thể nào từng biến mất khỏi bầu trời đêm không? Liệu đã có ai thử kiểm tra chưa?
Khi các ngôi sao chết đi, chúng thường gây ra những vụ nổ lớn rất dễ để ý thấy – các nhà thiên văn học Trung Quốc đã ghi nhận vụ nổ siêu tân tinh đầu tiên từ hơn 1.800 năm trước. Nhưng một ngôi sao hay một dải ngân hà âm thầm tan biến vào bóng đêm lại là một chuyện khác và cần có những lời giải thích hợp lý.
Một phát hiện như vậy có thể cho chúng ta biết một ngôi sao đã/sẽ chết đi theo một cách chưa từng biết đến trước đây, hoặc có lẽ là dấu hiệu cho thấy một nền văn minh tiên tiến đang tìm cách che chắn mặt trời của họ bằng các tấm pin năng lượng mặt trời chăng? Dù là gì đi nữa, đó cũng sẽ là một phát kiến thú vị. “Nếu chúng ta tìm kiếm người ngoài hành tinh, có lẽ chúng ta nên tìm những thứ thật sự kỳ lạ” – Villarroel nói.
Sau khi nhận bằng tiến sỹ, Villarroel quyết tìm ra câu trả lời cho câu hỏi của mình với dự án VASCO. Cộng tác với một nhóm khoảng 20 nhà thiên văn học và vật lý thiên văn, cô tìm cách so sánh một loạt những hình ảnh bầu trời chụp bởi Đài quan sát Hải quân Mỹ (USNO) trong nhiều thập kỷ, từ năm 1949, kết hợp cùng những dữ liệu quan sát bởi Hệ thống Kính thiên văn khảo sát toàn cảnh và phản ứng nhanh (Pan-STARRS) từ giữa 2010 và 2014.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phần mềm để phân tích 600 triệu nguồn sáng cùng xuất hiện trong cả hai bộ dữ liệu, và lọc ra được khoảng 150.000 mục tiêu dường như đã tắt sáng. Họ đã tra chéo những nguồn sáng mất tích này với các hình ảnh từ các bộ dữ liệu khác nhằm tách ra được những kết quả đặc biệt tiềm năng.
Cuối cùng, họ xem xét kỹ 24.000 kết quả còn lại, lần lượt từng kết quả một, để xem đâu là những nguồn sáng thực sự chứ không phải là hiệu ứng gây ra bởi lỗi camera hoặc các biến cố tương tự. Sau khi hoàn tất, nhóm nghiên cứu phát hiện ra khoảng 100 nguồn sáng có vẻ thực sự đã biến mất. “Chúng tôi đã nỗ lực hết mình để loại bỏ bất kỳ thứ gì trông như là lỗi hình ảnh” – Villarroel nói.
Nếu những kết quả quan sát được trong tương lai xác nhận rằng sự biến mất của các nguồn sáng kia quả thực là những sự kiện thiên văn học thực sự, thì chúng có thể rơi vào 2 nhóm. Đầu tiên, theo Villarroel, chúng nhiều khả năng biểu thị những chớp sáng ngắn ngủi, may mắn được chụp lại bởi cuộc khảo sát USNO đầu tiên, mà từ lâu đã tắt ngúm. Rất nhiều hiện tượng đa dạng có thể giải thích được những chớp sáng này, ví dụ như: ánh sáng phát ra từ những ngôi sao lùn đỏ, những ngôi sao có độ sáng yếu dưới mức nhạy của Pan-STARRS, hay một chút ánh sáng còn sót lại của một vụ nổ tia gamma.
Hoặc phức tạp hơn, Villarroel nói tiếp, có thể là kết quả của điều mà cô hi vọng tìm thấy: một nguồn sáng liên tục đang tắt dần đi. Các chuyên gia SETI từ lâu đã đưa ra giả thuyết về những nền văn minh ngoài hành tinh với năng lực kỹ thuật siêu phàm muốn thâu tóm mọi ánh sáng phát ra từ các ngôi sao, che chắn chúng khỏi tầm nhìn của chúng ta. Tuy nhiên, cũng có những giải thích mang tính tự nhiên, như một “sao khổng lồ đỏ” bỏ qua vụ nổ siêu tân tinh, chuyển thành một hố đen.
Những cái chết không đi kèm vụ nổ này được cho là khá hiếm, nên nếu chúng diễn ra với số lượng lớn thì sẽ khá khó để giải thích được. Dù đã có những kết quả ban đầu, Villarroel khẳng định còn quá sớm để hào hứng về giả thuyết liên quan người ngoài hành tinh. “Bạn sẽ phải loại trừ mọi giả thuyết mang tính tự nhiên, nhưng rồi có lẽ sẽ có những hiện tượng tư nhiên mới mà chúng ta vẫn chưa biết đến, thú vị hơn nhiều” – cô nói.
Bên cạnh tiếp tục nghiên cứu hàng trăm vị trí trên bầu trời, nơi có những nguồn sáng đang dần biến mất, các nhà thiên văn học VASCO dự tính kế hoạch tiếp theo sẽ là triển khai một dự án khoa học cộng đồng, cho phép bất kỳ ai có hứng thú có thể giúp họ tìm kiếm phần còn lại trong số 150.000 kết quả đã lọc ra nói trên.
Villarroel ước tính sẽ có khoảng hàng trăm các nguồn sáng đang dần biến mất khác đang chờ đợi để được khám phá. Kính thiên văn Large Synoptic Survey Telescope sắp tới, sẽ bắt đầu quét bầu trời với tần suất vài đêm một lần vào cuối năm 2022, có thể giúp đẩy nhanh quá trình tì kiếm những vật thể “chớp nhoáng” như vậy, nhưng đối với các nhà nghiên cứu VASCO, dữ liệu đó vẫn còn quá xa vời. “Chúng tôi không có đủ kiên nhẫn để chờ đợi” – Villarroel nói. Con người chúng ta luôn quá tò mò mà!
Nguồn: Vnreview – Minh.T.T (theo PopSci)