“Gương thần” nơi địa ngục: Chuyên soi tâm những kẻ ngụy Thiện, đạo đức giả

Ở địa ngục có một nơi gọi là Kính Đài, nơi đây có 2 Thần khí gọi là ‘nghiệp kính’ và ‘tâm kính’. Trong đó ‘tâm kính’ là chiếc kính thần chuyên soi tâm những kẻ ngụy quân tử, đạo đức giả… Loại người này rất giỏi che giấu nên chỉ có ‘tâm kinh’ mới phát hiện ra.

Ở địa ngục có một nơi gọi là Kính Đài, nơi đây có 2 Thần khí gọi là ‘nghiệp kính’ và ‘tâm kính’. (Ảnh Tổng hợp)

Người xưa có câu: “Trên đầu 3 thước có Thần linh”, ý nói rằng Thần linh có rất nhiều, thậm chí họ đều biết rõ hết thảy nhất tư nhất niệm của từng người trên thế gian. Có lẽ nhiều người sẽ tự hỏi: “Thần ở đâu? Làm sao mà Thần có thể biết tôi đang nghĩ gì?” Mắt người thường nhìn không thấy, khoa học không có căn cứ để chứng minh, nhưng có thật là các vị ấy không tồn tại?

Kỳ thực, từ xưa đến nay thế gian có vô số người có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được sự tồn tại của Thần Phật và ma quỷ. Dù là dưới hình thức văn tự ghi chép hay trên phim ảnh, thì trên thực tế đã ghi nhận rất nhiều người sở hữu ‘công năng đặc dị’, có thể nhìn thấy các vị Thần ở không gian khác.

Trong cuốn “Duyệt Vi Thảo đường bút ký” của học giả nổi tiếng thời nhà Thanh Kỷ Hiểu Lam có ghi chép một câu chuyện như sau:

Có vị thư sinh nọ, ban đêm đi ngang qua miếu thờ Nhạc Đế, anh nhìn thấy hai cánh cửa sơn đỏ ở đây đóng chặt nhưng kỳ lạ lại trông thấy một người từ trong bước ra. Anh ta biết rằng mình đã gặp được Thần linh nên mau chóng chạy đến trước mặt người đó cúi đầu hành lễ thưa: “Lạy thánh thượng!”

Vị Thần linh đưa tay đỡ anh ta đứng dậy rồi nói: “Ta không phải là bậc Thần Linh cao quý, chỉ là quan ty kính (người giữ gương) của Tả Kính Đài, hôm nay ghé ngang qua đây là để giao sổ sách.”

Nghe thế, vị thư sinh bèn hỏi: “Quan ty kính là như thế nào ạ? Có phải Ngài nắm giữ ‘nghiệp kính’, chiếc gương soi nghiệp lực của nhân gian mà người thường hay nhắc đến không?”

Quan ty kính liền trả lời: “Nó gần giống như ‘nghiệp kính’, nhưng là một loại kính khác, gọi là ‘tâm kính’ (gương soi nhân tâm). ‘Nghiệp kính’ là tấm gương lớn, được tinh luyện từ khí âm dương, chỉ soi được việc thiện ác của một đời người đã gieo trồng ở trên dương thế. 

Còn có những người tâm địa đa đoan, cảm tình thật giả biến hóa khó lường, lúc ẩn lúc hiện, bụng dạ chứa đầy quỷ kế. Lại có một số người vẻ ngoài đạo mạo, biểu hiện vô cùng hiền lành xinh đẹp, nhưng nội tâm lại chứa đầy những mưu đồ xảo quyệt. Những tội ác này ẩn sâu bên trong không biểu hiện ra ngoài, nên ‘nghiệp kính’ không thể soi thấu.”




Quan ty kính lại nói: “Từ sau đời nhà Tống, đạo đức xã hội đã xuống cấp. Có người ngụy trang rất khôn khéo, chiêu thuật che dấu lừa gạt hết sức mưu mô, tinh xảo. Những người này cả đời ngang nhiên làm việc xấu nhưng đến cuối cùng cũng không bị bại lộ. Vì thế chư Thần trên Thiên Thượng đã cùng nhau bàn bạc, quyết định chuyển “nghiệp kính” sang tả đài, phụ trách soi thấu những kẻ bụng dạ tiểu nhân. Còn phía bên hữu đài đặt thêm “tâm kính”, chuyên soi những kẻ ngụy quân tử, đạo đức giả.”

‘Tâm kính’ chuyên soi những kẻ ngụy quân tử, đạo đức giả. (Ảnh tổng hợp)




“Dưới ánh sáng chiếu rọi đối lập nhau của hai loại kính này, thế giới nội tâm của con người được bộc lộ hết sức rõ ràng sinh động. Có người thấy rõ tâm địa cố chấp và tà ác, có người xuất hiện tâm thiên vị và ích kỷ, có người tâm tối đen như mực, quanh co như lưỡi câu. Những người này tư tưởng chứa đầy cặn bã rác rưởi, nhơ bẩn như bùn đen, nội tâm hiểm ác nhưng lại được che đậy hết sức tinh vi.” 

“Lại có người tâm địa mưu tính nhiều đến nỗi như kinh mạch ngang dọc đan xen. Khi gặp điều không vừa ý thì toàn thân họ biến thành gai nhọn, lời nói chua ngoa và bụng đầy đao kiếm; trong đầu họ chỉ toàn nghĩ đến lợi ích của bản thân, thậm chí còn thoắt ẩn thoắt hiện ý nghĩ dâm tà. Tuy nhiên, nhìn dáng vẻ bề ngoài của họ, đều là những người tỏ vẻ đường hoàng, đoan trang. Trong hàng nghìn người nơi thế gian này, thử hỏi có mấy ai nội tâm trong sáng như pha lê, trái tim thuần khiết lấp lánh như châu ngọc.”

Quan ty kính tiếp lời: “Với tình huống như vậy, ta được giao trọng trách đứng canh gác bên cạnh ‘tâm kính’, quan sát tỉ mỉ rồi ghi chép lại thật cẩn thận các chủng suy nghĩ bên trong nội tâm của những người này. Cứ 3 tháng một lần lại đến đây báo cáo với Đông Nhạc Thần Quân. Lấy đó làm căn cứ, quyết định tội và phúc báo của họ. Với những người có địa vị và danh vọng thì yêu cầu lại càng nghiêm khắc. Đối với những người giỏi mưu mô tính toán thì phải chịu nhận hình phạt rất là nghiêm trọng. 




Do vậy, anh hãy nhớ kỹ, làm người phải trung thực chất phác. Bất cứ tội ác nào đều không thể che giấu, chỉ có thể gánh chịu hình phạt còn nặng hơn mà thôi!”.

Sau khi vị thư sinh nghe xong những lời quan ty kính nói, anh vội cung kính cúi đầu hành lễ: “Tiểu sinh sẽ ghi nhớ lời giáo huấn này. Xin đa tạ!”


Thông qua câu chuyện mà Kỷ Hiểu Lam ghi lại, chúng ta có thể thấy rõ rằng: Con người dù làm việc gì thì cũng phải chân thành, thiện lương và nhẫn nại. ‘Trên đầu ba thước có Thần linh’; nhất cử nhất động, nhất tư nhất niệm của mỗi người nơi thế gian này, Thần linh đều đang chăm chú quan sát và nhìn thấy hết sức rõ ràng. 

Vậy nên Thiện ác cuối cùng cũng có báo, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi. Không thể vì người không biết, không thấy mà không có tội. Cho nên, con người cần phải từ nội tâm yêu cầu chính mình làm một người tốt thật sự, vâng theo chỉ dạy của Thần Phật, cố gắng buông bỏ những chấp trước, tích đức hành thiện, tẩy tịnh thân tâm thuần khiết, mới có thể nhận được phúc báo.

Nguồn: TH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *