Gunung Padang: “Kim tự tháp 23.000 năm” thách thức nền lịch sử chính thống

Di tích Gunung Padang là bằng chứng tối hậu cho thấy một nền văn minh cực kỳ tiên tiến, chưa từng được biết đến trước đây đã từng tồn tại trong khu vực, và phần lớn lịch sử cổ đại và ‘gây nhiều tranh cãi’ này đang bị chất vấn và thách thức theo mọi cách có thể, bởi các nhà nghiên cứu chủ lưu.

Hình minh họa tái lập di chỉ cổ đại Gunung Padang. (Ảnh: Internet)

Có vô số các di chỉ cự thạch cổ đại (cấu tạo từ các tảng đá lớn) trên khắp thế giới đã mang đến sự bối rối và sửng sốt cho các nhà nghiên cứu trên toàn cầu. Tất cả các di tích cổ đại này là những dấu hiệu cho thấy Trái Đất có thể đã từng là nơi trú ngụ của các nền văn minh cổ đại tiên tiến, và dường như các nhà nghiên cứu chủ lưu đã không ghi nhận một cách đúng mức những thành tựu của cổ nhân.

Di tích Gunung Padang. (Ảnh: Internet)

Di chỉ khảo cổ này đã được báo cáo lần đầu vào năm 1914 trong kết quả một nghiên cứu cho văn phòng thuộc địa của Hà Lan (tại Indonesia – nơi di tích này tọa lạc). 33 năm sau đó, một nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ thuộc Đại học Quốc gia Úc đã xác định được niên đại tương đối của di chỉ này, làm dấy lên nhiều câu hỏi trong giới khảo cổ học. Tuy nhiên, theo những người dân địa phương, di chỉ này đã được biết đến trong hàng thiên niên kỷ.

Không ai biết được tầm quan trọng của di tích cổ đại này cho đến khi xuất hiện những kết quả chấn động từ những nghiên cứu gần đây.

Tuy các học giả chủ lưu cho rằng Göbekli Tepe là một di tích thách thức các phương pháp khảo cổ truyền thống của giới khảo cổ chủ lưu, nhưng có nhiều người tin rằng di tích Guning Padang có thể làm được như vậy và thậm chí còn hơn thế. Khi các nhà khảo cổ tiến hành các xét nghiệm tại di tích Göbekli Tepe, họ phát hiện ra rằng di tích cổ đại này đã có niên đại từ tận khoảng 10.000 TCN, tức sớm hơn 4.000 năm so với bất kỳ công trình nhân tạo nào trên Trái Đất.




Hiện nay, người ta nhìn nhận rằng Göbekli Tepe là di chỉ cự thạch lâu đời nhất được biết đến trên Trái Đất… Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi với sự xuất hiện của di tích Gunung Padang.

Theo các nghiên cứu, Gunung Padang là kim tự tháp cuối cùng ở Đông Nam Á. Đây thực chất là một trong số ít các kim tự tháp được phát hiện trong khu vực, và có thể được chứng minh là một trong những di tích cổ đại quan trọng nhất từng được phát hiện trên thế giới. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng công trình này có vô số căn phòng và căn hầm bên dưới nền đất đắp cao mọc um tùm cây, các dãy tường và khu vực liền kề được phủ kín bên dưới thảm thực vật dày đặc vốn đã phát triển trên di tích này trong hàng thế kỷ.

Kết quả phân tích các mẫu lõi khoan tại di tích này đã tiết lộ các mốc niên đại đáng kinh ngạc; các nhà nghiên cứu càng khoan sâu xuống bên dưới bao nhiêu thì bí ẩn này càng trở nên bí ẩn bấy nhiêu. Di tích này từng được xác định niên đại lên đến ít nhất 5.000 năm tuổi, rồi từ 8.000 đến 10.000 năm và sau cùng lên đến niên đại được báo cáo là 23.000 năm. Điều này cho thấy Gunung Padang không chỉ là di tích cự thạch cổ xưa nhất trên Trái Đất, mà nó còn là công trình có dạng kim tự tháp cổ xưa nhất theo vốn hiểu biết hiện nay của chúng ta.

“Các phân tích phóng xạ thành phần nguyên tố carbon trong một số mẫu xi măng trong lõi khoan được thu thập tại độ sâu 5-15 m, vốn được tiến hành vào năm 2012 tại Phòng thí nghiệm uy tín BETALAB tại Miami, Mỹ, đã cho thấy niên đại của nó trong khoảng từ 13.000 đến 23.000 năm trước”. 




Hình ảnh tái lập toàn cảnh di chỉ cổ đại Gunung Padang trong quá khứ. (Ảnh: Pon S Purajatnika)

Tuy nhiên, giống với tất cả các di tích ngoạn mục khác với những mốc niên đại thậm chí còn sửng sốt hơn từng thách thức nền lịch sử chính thống, niên đại của Gunung Padang cũng bị chỉ trích và chất vấn nặng nề bởi rất nhiều nhà nghiên cứu. ‘Hẳn phải có sai sót [ở đâu đó]’; đây là kết luận đầu tiên được các nhà nghiên cứu đưa ra khi họ nhận được kết quả từ các kỹ thuật định tuổi.




Di tích này không thể có niên đại lên đến hơn 20.000 năm tuổi, điều này chỉ đơn giản là không thể, phải vậy không? [1] Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của cả những người hoài nghi và các nhà nghiên cứu, cho đến nay chưa ai có thể tìm ra bất kỳ sai sót nào trong quy trình khoan lõi lấy mẫu định tuổi tại di tích này, hay trong các kỹ thuật xác định niên đại bằng phóng xạ được dùng để cho ra những kết quả ‘chưa từng có tiền lệ’ như vậy.

Đây là lý do tại sao các nhà nghiên cứu chủ lưu đang ôm giữ một quan điểm ‘trung lập’ đối với niên đại của Gunung Padang, và khi có bất kỳ ai hỏi về niên đại của di chỉ cự thạch này, thì họ sẽ trả lời là “lớn hơn 5.000 năm tuổi …”, một câu trả lời không nói lên nhiều điều.

Tuy nhiên, nếu niên đại của di tích này là chưa đủ thú vị, thì các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra những chi tiết cực kỳ thú vị khác về Gunung Padang. Lấy ví dụ, trong quá trình khoan lõi lấy mẫu định tuổi tại di tích này, các nhà khoa học đã nhận thấy phần lớn công trình ‘bị vùi lấp’ trên thực tế đã được gia cố bằng một loại xi măng nào đó. Trong thành phần của nó có chứa 45% quặng sắt, 41% silica và 14% đất sét, một loại hỗn hợp mà theo các nhà nghiên cứu, là một bằng chứng khác cho thấy những kỹ thuật xây dựng tinh xảo bậc cao đã từng được sử dụng quá trình thi công công trình này.

Một trong những giả thuyết thú vị nhất về các di tích cổ đại là của tác giả nổi tiếng Graham Hancock, người từng gợi ý rằng di chỉ cự thạch cổ đại này trên thực tế có thể chứa đựng những bằng chứng về thành phố thất lạc Atlantis.




Trong một bài viết được đăng trên tạp chí Dấu tích thời đại (Signs of the Times), ông Hancock đã đề cập đến trải nghiệm của ông trong chuyến thăm di tích Gunung Padang cùng với TS. Danny Natawidjaja, một nhà địa chất kỳ cựu từ Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Địa chất tại Viện Khoa học Indonesia.

Video chuyến thăm di chỉ của Graham Hancock:




Natawidjaja tin tưởng chắc chắn rằng, di tích Gunung Padang, không còn nghi ngờ gì nữa, phải có niên đại lên đến ít nhất 22.000 năm tuổi: “Bằng chứng địa vật lý là rất rõ ràng”, TS. Natawidjaja nói. “Gunung Padang không chỉ là một quả đồi tự nhiên mà còn là một kim tự tháp nhân tạo và công trình này có nguồn gốc trở về trước giai đoạn cuối của Kỷ Băng hà cuối cùng. Do khối lượng công việc ở đây khá đồ sộ, thậm chí ở những tầng sâu nhất, và đã minh chứng cho những kỹ năng xây dựng công phu được sử dụng như để xây dựng các kim tự tháp Ai Cập hay những công trình cự thạch lớn nhất ở châu Âu, nên tôi chỉ có thể kết luận rằng chúng ta đang chứng kiến di sản của một nền văn minh khá tiên tiến bị thất lạc”. 

 Nghiên cứu của ông Hancock gợi ý rằng nền văn minh bí ấn đã bị thất lạc này trên thực tế có thể chính là nền văn minh đã được triết gia lừng danh Plato đề cập đến trong hai cuộc đối thoại giữa các triết gia Hy Lạp; Timaeus và Critias.

Hai nền văn minh này không chỉ có nét tương đồng về khoảng thời gian tồn tại, mà còn có vô số các chi tiết khác có thể gợi lên nhiều câu hỏi chưa có lời giải về những bí ẩn xoay quanh chúng.

Nếu các phương pháp xác định niên đại được sử dụng tại Gunung Padang là chính xác, thì nó cho thấy di tích cổ đại này đã được dựng lên trong giai đoạn cao trào của kỷ băng hà cuối cùng. Trong giai đoạn này, trên phương diện địa vật lý, khu vực này là rất khác biệt so với cảnh tượng quan sát được ngày nay. Trên thực tế, phần lớn khu vực Indonesia và Đông Nam Á là khá khác biệt. Mực nước biển là thấp hơn đáng kể trong giai đoạn này, cho thấy những hòn đảo ngày nay, trên thực tế rất có thể từng là một bộ phận của một lục địa rộng lớn trong quá khứ.

Natawidjaja gợi ý rằng di tích Gunung Padang là bằng chứng tối hậu cho thấy một nền văn minh cực kỳ tiên tiến, chưa từng được biết đến trước đây đã từng tồn tại trong khu vực, và phần lớn lịch sử cổ đại và ‘gây nhiều tranh cãi’ này đang bị chất vấn và thách thức theo mọi cách có thể, bởi những nhà nghiên cứu chủ lưu vốn không thể dung nạp di tích, nền văn minh và vốn hiểu biết tinh vi này vào các hồ sơ lịch sử của họ.


Chú thích của người dịch:

[1] Theo thuyết tiến hóa của Darwin, nền văn minh của nhân loại xuất hiện không thể quá 10.000 năm. Và trước đó, con người, theo thuyết này, mới chỉ là những người nguyên thủy, ăn lông ở lỗ, dựa vào hái lượm và săn bắt để sinh tồn. Do đó, việc tồn tại một di tích cổ đại (dấu hiệu của nền văn minh) có niên đại lên đến hơn 10.000 tuổi, sẽ là một luận cứ chống lại học thuyết này.

Nguồn: DKN – Tác giả: Ivan Petricevic, Ancient Code.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *