Giếng Trân phi vì sao lại là nơi ám ảnh nhất trong Tử Cấm Thành?

Theo sử sách, Giếng Trân phi trong Cố Cung là nơi nàng phi của Quang Tự Đế bị dìm chết theo lệnh của Từ Hy Thái hậu.

Là nơi ở của những người quyền lực nhất trong các triều đại Trung Quốc, Tử Cấm Thành từng là ẩn số với thường dân trong hàng nghìn năm. Nhiều bí mật chỉ được hé lộ khi các nhà sử học, khảo cổ học có cơ hội nghiên cứu tại Cố Cung. Một trong những điểm tham quan gây hiếu kỳ ở đây là giếng Trân phi, di tích gắn với giai đoạn lịch sử cuối triều nhà Thanh.

Năm 1875, Hoàng đế Quang Tự (1871 – 1908) lên ngôi từ năm 4 tuổi, khi Thanh Mục Tông Đồng Trị Đế băng hà. Đến tuổi tuyển chọn hậu phi, Quang Tự vẫn không thể toàn quyền tự quyết. Bị Từ Hy Thái hậu chi phối, Quang Tự Đế miễn cưỡng phong nàng Tĩnh Phân, vốn xuất thân cùng gia tộc với mẫu hậu, làm Long Dụ Hoàng hậu, và chọn hai chị em khác làm Cẩn phi và Trân phi.

Tới năm 1887, vua dần lạnh nhạt với Long Dụ Hoàng hậu và sủng ái Trân phi. Nàng Trân phi vốn sắc nước hương trời, hiểu chuyện triều chính và hết lòng ủng hộ những cải cách chính trị của vua. Tuy được vua Quang Tự ngày càng yêu chiều, nàng lại trở thành cái gai trong mắt Từ Hy Thái hậu.




Chân dung nàng Trân phi. Ảnh: Guangxu.

Tới năm 1898, cuộc biến pháp Bách nhật duy tân do phái Duy Tân đề xướng được Hoàng đế Quang Tự phê duyệt. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng quyền lực của Từ Hy Thái Hậu, công cuộc cải cách chính trị, giáo dục và văn hóa này trở thành chính biến và chấm dứt sau 103 ngày.

Thái hậu lệnh tịch thu mọi ấn tín, đồng thời bãi bỏ tất cả chiếu lệnh duy tân vừa ban hành. Hoàng đế bị giam cầm trong Hàm Nguyên điện tại Doanh Đài, Trung Nam Hải – nay là quần thể tòa nhà chính trị quan trọng ở thủ đô Bắc Kinh. Trân phi lúc này bị giam vào lãnh cung ở góc phía đông nam của Tử Cấm Thành và cấm gặp nhà vua. Hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài, nàng phi hàng ngày chỉ nhận được chút đồ ăn qua khe cửa, thân xác hao gầy.

Năm Quang Tự thứ 26 (1899), khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn bùng nổ ở miền bắc Trung Quốc, nhằm chống lại sự bành trướng của các thế lực nước ngoài trong giao thương, chính trị, văn hóa, công nghệ, và tôn giáo… Bát Quốc Liên Quân, liên minh của 8 đế quốc, tham chiến để chống lại nghĩa quân tập kích vào các sứ quán ở Trung Quốc của Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italy, Nhật, Nga và Đế quốc Áo-Hung.




Từ Hy Thái hậu ban đầu ủng hộ Nghĩa Hòa Đoàn do vốn không ưa phương Tây, bèn cử quân lính triều đình hỗ trợ phong trào. Tuy nhiên đến ngày 14/8/1900, Liên quân đánh bại quân chính quy nhà Thanh, chiếm đóng Bắc Kinh, giải vây khu lãnh sự. Bắc Kinh thất thủ, hoàng tộc nhà Thanh và văn võ bá quan phải tới Tây An lánh nạn, theo China Highlights.

Từ Hy Thái hậu (1868 – 1913) trở thành Hoàng thái hậu dưới thời vua Phổ Nghi – Hoàng đế thứ 12 và cũng là Hoàng đế cuối cùng của triều Thanh và Trung Quốc. Ảnh: Freer Sackler Gallery Archives.

Trước khi rời Tử Cấm Thành, Từ Hy Thái hậu không quên Trân phi. Có nhiều dị thuyết về cái chết của Trân phi, nhưng cuốn Quang Tự Hoàng đế Trân phi của Thiện Phổ, lý giải cái chết của Trân phi trùng với lời kể của những người thân tín của nàng: “Trước khi đi, Từ Hy Thái hậu lệnh Trân phi cùng lánh nạn, nhưng nàng bệnh nặng nên không thể đi theo. Trân phi khẩn cầu trở về nhà mẹ đẻ, Thái hậu không đồng ý, bèn sai người dìm chết dưới giếng”.




Có sách ghi, thi thể của Trân phi chỉ được đưa khỏi giếng sau một năm. Sau khi khâm liệm, quan tài được di táng tại Cung nữ mộ địa ngoài Tử Cấm Thành. Tương truyền, chị Cẩn phi sau này đem miệng giếng đục thêm hai lỗ nhỏ và đặt côn sắt khoá ngang, từ đó không sử dụng.

Theo Beijing Attractions, người đời đồn thổi rằng đêm đêm vẫn có tiếng khóc vọng từ dưới giếng. Nơi này sau được gọi là Giếng Trân phi, trở thành điểm tham quan hút khách ở Cố Cung. Dù miệng giếng rất hẹp, ban quản lý sau này phải lấp lại để đề phòng tai nạn có thể xảy ra với khách tham quan. Đây cũng được một số trang du lịch bình chọn là điểm đến ám ảnh nhất Tử Cấm Thành.


Tử Cấm Thành (hay còn gọi là Cố Cung) là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Đây từng là cung điện hoàng gia trong suốt hơn 600 năm, từ thời nhà Minh đến triều đại cuối cùng của nhà Thanh, có diện tích 720.000 m2, gồm 800 cung và 9.999 phòng.

Du khách đến Tử Cấm Thành sẽ dễ dàng nhận thấy nơi đây được chia làm hai khu, gồm Tiền Triều và Hậu Cung, nối với nhau bởi một sân dài. Tiền Triều ở phía nam dành cho các lễ nghi, còn Hậu Cung nằm ở phía bắc, nơi vua và hoàng hậu cùng hoàng thất sinh sống.

Do mỗi ngày ban quản lý chỉ đón tối đa 80.000 lượt khách, bạn nên đến tham quan vào buổi sáng. Nếu biết tiếng Trung, bạn có thể đặt tối đa 10 vé trên hệ thống bán vé trực tuyến, thanh toán qua các kênh nội địa như Alipay hoặc Zhinfubao.

Nguồn: DV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *